(ĐSPL) - Thời gian gần đây, trên cả nước liên tiếp xảy ra những vụ cháy tại các tòa nhà cao tầng gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Bỏ cả đống tiền ra để mua nhà nhưng không ít "thượng đế" vừa ở vừa run bởi "bà hỏa" có thể "ghé thăm" bất cứ lúc nào.
Vụ hỏa hoạn xảy ra tại tòa nhà 18 tầng Tổng cục Hải quan, nhiều người đã phải chạy ra ngoài cửa sổ để cầu cứu. |
Những nỗi ám ảnh kinh hoàng
Mặc dù đã hơn chục năm trôi qua nhưng dư luận chắc hẳn vẫn chưa thể quên được vụ hỏa hoạn tại Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cao 6 tầng ở TP.HCM cuối tháng 10/2002, cướp đi 61 sinh mạng, làm khoảng 70 người khác bị thương và gây thiệt hại hàng chục tỉ đồng. Để ứng phó với vụ cháy được cho là chưa từng có này, TP. HCM đã huy động hơn 60 xe cứu hỏa cùng gần 400 chiến sỹ tham gia làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, do những vòi phun quá yếu, không thể phun nước vào tới bên trong toà nhà nên gần 50 văn phòng của các doanh nghiệp, tổ chức đặt trụ sở tại đây bị thiêu rụi.
Sau khi vụ cháy này xảy ra, công tác PCCC đã được chú trọng hơn. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến nay, hàng trăm vụ cháy lớn nhỏ vẫn xảy ra ở các tòa nhà cao tầng. Mới đây nhất, ngày 22/6/2014, một vụ cháy lớn xảy ra tại tầng 22 của chung cư CoPac Square, đường Tôn Đản, phường 13, quận 4, TP.HCM khiến hàng trăm người dân sống và làm việc tại đây được phen hoảng loạn. Khoảng 10h sáng cùng ngày, nhiều người dân sống và làm việc tại chung cư Co Pac Square nghe chuông báo cháy của tòa nhà vang lên. Lúc này, khói lửa bốc lên nghi ngút từ tầng 22 của chung cư nên tất cả mọi người cùng nhau tháo chạy xuống đất. Mặc dù thoát chết một cách hi hữu nhưng có lẽ cái cảm giác đứng giữa khoảnh khắc sinh-tử sẽ còn ám ảnh trong tâm trí của nhiều người.
"Lạnh sống lưng" công tác PCCC ở các cao ốc
Qua khảo sát của PV báo Đời sống và Pháp luật tại các địa bàn tập trung nhiều nhà chung cư cao tầng ở Hà Nội, công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) hiện nay ở các tòa nhà cao tầng đang gặp rất nhiều vấn đề và tiềm ẩn các nguy cơ cháy nổ.
Về vấn đề này, Đại tá Tô Xuân Thiều, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.Hà Nội cho biết, hiện Cảnh sát PCCC của TP. Hà Nội chỉ được trang bị xe chữa cháy, cứu nạn hiệu quả chỉ tới tầng 17-18 của một tòa nhà. Việt Nam chưa có tiêu chuẩn PCCC cho nhà siêu cao tầng (nhà cao trên 30 tầng). Trong khi ngày càng có nhiều tòa nhà cao 20-30 tầng, thậm chí cả trên 70 tầng. Cũng theo vị này, trên thế giới chưa có xe thang nào cao hơn 100m, chỉ có xe thang 72m nặng khoảng 80 tấn là cao nhất. Vì ở độ cao này, xe thang bị gió thổi lắc giật, không đảm bảo an toàn. Hiện ở Hà Nội chưa có xe thang cao 72m, mới chỉ có xe thang 52m nặng khoảng 50 tấn.
Cùng quan điểm, trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật, PGS.TS, Đại tá Ngô Văn Xiêm, nguyên Phó hiệu trưởng Trường ĐH Phòng cháy Chữa cháy (Bộ Công an) cho rằng, qua vụ cháy tòa nhà EVN 33 tầng ở Hà Nội, chúng ta thấy được những bất cập trong công tác PCCC ở các tòa nhà cao tầng. Khó khăn đầu tiên chính là việc trang bị phương tiện để phục vụ công tác chữa cháy, nhất là các phương tiện đáp ứng công tác PCCC, cứu hộ ở các tòa nhà cao, siêu cao. Nhiều khi trong các buổi tập huấn PCCC chúng ta thực hiện rất tốt nhưng khi chữa cháy thật, tình huống xử lý ngoài dự kiến, nhiều khi các chiến sỹ không thể tiếp cận được đám cháy do nhiệt độ, bức xạ quá lớn.
Nhiều chuyên gia khẳng định, có không ít nguyên nhân dẫn đến việc "bà hỏa" rình rập các tòa nhà cao tầng. Như vụ cháy chung cư 18 tầng trên đường Lê Văn Lương năm 2010 làm hai người chết do cháy đường dẫn rác và cửa bịt đường này không đủ chống cháy, hay vụ do tủ kỹ thuật điện bốc cháy ở chung cư Xa La Hà Đông, cháy xe trong tầng hầm tại chung cư Cầu Diễn... Bên cạnh đó, một bộ phận người dân chưa được chuẩn bị đầy đủ kiến thức, vẫn giữ thói quen sinh hoạt cũ khi sống trong các chung cư hiện đại. Có thể kể đến vụ thắp hương gây cháy ở chung cư 93 Lò Đúc (Hà Nội).