Sỏi thận là loại sỏi tiết niệu phổ biến nhất, hình thành khi khoáng chất tích tụ quá nhiều trong nước tiểu. Khi cơ thể thiếu nước, nước tiểu trở nên cô đặc, khiến khoáng chất kết tinh thành những viên sỏi. Sỏi thường hình thành trong thận và có thể di chuyển đến các phần khác của đường tiết niệu.
Những viên sỏi nhỏ thường không gây ra triệu chứng nào. Bạn có thể không nhận thấy điều bất thường cho đến khi sỏi di chuyển vào niệu quản – ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. Nếu sỏi đủ nhỏ, nó sẽ tiếp tục di chuyển từ bàng quang ra niệu đạo và được thải ra ngoài qua nước tiểu. Thông thường, sỏi sẽ tự đào thải trong khoảng 31-45 ngày.
Tuy nhiên, nếu sỏi thận lớn, người bệnh có thể gặp phải 9 dấu hiệu và triệu chứng dưới đây.
Cảm giác buồn nôn và nôn
Buồn nôn và nôn mửa có thể là dấu hiệu sỏi thận, thường xảy ra khi có sự tắc nghẽn trong thận. Niệu quản có thể bị tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ, ngăn cản nước tiểu di chuyển từ thận đến bàng quang. Sự liên kết giữa các dây thần kinh của ruột và thận có thể khiến đường tiêu hóa bị ảnh hưởng khi có tắc nghẽn tại thận, dẫn đến kích thích thần kinh đường tiêu hoá, làm dạ dày co thắt và gây ra cảm giác khó chịu, buồn nôn và nôn mửa.
Đau lưng, bụng hoặc hông
Đau bụng do sỏi thận đôi khi rất dữ dội. Cơn đau thường bắt đầu khi sỏi di chuyển vào niệu quản, gây tắc nghẽn và gia tăng áp lực trong thận. Áp lực kích hoạt các dây thần kinh truyền tín hiệu đau đến não. Cơn đau do sỏi thận bắt đầu đột ngột, đến và đi theo từng đợt. Khi sỏi di chuyển, cơn đau thay đổi vị trí và cường độ. Tình trạng càng trầm trọng hơn nếu niệu quản co thắt để cố gắng đẩy sỏi ra ngoài. Mỗi đợt đau có thể kéo dài vài phút, biến mất và sau đó quay lại.
Thông thường, người bệnh cảm thấy đau dọc theo bên hông và lưng, bên dưới xương sườn, có thể lan ra vùng bụng, bẹn khi sỏi di chuyển xuống đường tiết niệu. Sỏi lớn gây đau hơn những viên sỏi nhỏ, nhưng mức độ nghiêm trọng không nhất thiết liên quan đến kích thước. Một viên sỏi nhỏ cũng có thể gây đau khi di chuyển hoặc gây tắc nghẽn.
Tiểu nhiều lần
Một trong những dấu hiệu sỏi thận mà bệnh nhân dễ nhận thấy chính là nhu cầu đi tiểu thường xuyên hơn, đặc biệt là khi viên sỏi nằm gần cuối niệu quản đầu bàng quang hoặc tại cổ bàng quang. Sỏi thận đi qua niệu quản có thể gây ra cảm giác buồn tiểu liên tục và chỉ tiểu được một lượng nhỏ mỗi lần.
Sự kích thích của sỏi đối với bàng quang có thể khiến người bệnh cảm thấy cần đi tiểu thường xuyên hơn. Nếu sỏi có kích thước lớn, chúng có thể tắc nghẽn niệu quản, gây rối loạn co thắt cơ trơn bàng quang và dẫn đến cảm giác muốn đi tiểu thường xuyên.
Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
Sau khi sỏi đến vị trí giữa niệu quản và bàng quang sẽ gây khó chịu trong quá trình đi tiểu. Tình trạng này được gọi là chứng khó tiểu.
Tiểu gấp
Nhu cầu đi vệ sinh khẩn cấp hoặc thường xuyên hơn là dấu hiệu khác cho thấy sỏi đã di chuyển vào phần dưới đường tiết niệu. Tình trạng này cũng giống triệu chứng của UTI.
Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi
Nước tiểu đục hoặc có mùi hôi có thể là dấu hiệu của bệnh thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu. Mùi trong nước tiểu là do vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu.
Sốt và ớn lạnh
Sốt và ớn lạnh đi kèm với dấu hiệu sỏi thận ở nữ giới cảnh báo nguy cơ nhiễm trùng. Sỏi thận có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và gây nhiễm trùng, đây là một trong những biến chứng nghiêm trọng của bệnh sỏi thận.
Tiểu rắt
Sỏi thận lớn đôi khi bị mắc kẹt trong niệu quản, cản trở dòng nước tiểu, dẫn đến tiểu khó, tiểu rắt từng ít một. Nếu ứ đọng quá nhiều nước tiểu trong bàng quang do bí tiểu, bệnh nhân cần được cấp cứu.
Vô niệu
Trường hợp sỏi niệu quản có thể xảy ra tình trạng vô niệu một phần hoặc hoàn toàn, tức là không thể đi tiểu. Vô niệu một phần thường do viên sỏi gây tắc một bên niệu quản. Tình trạng vô niệu hoàn toàn hiếm gặp hơn, xảy ra khi sỏi làm co thắt cả hai bên niệu quản. Đây là tình huống khẩn cấp yêu cầu người bệnh phải đến cơ sở y tế ngay lập tức để tránh những biến chứng nghiêm trọng như vỡ thận hoặc suy thận cấp.
Thực tế, các triệu chứng đau do sỏi thận có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với các bệnh khác như viêm ruột thừa cấp tính, đau quặn gan do sỏi đường mật hay cơn đau dạ dày tá tràng cấp tính. Vì vậy, khi có các cơn đau quặn ở vùng lưng, người bệnh nên đến khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị chính xác.