+Aa-
    Zalo

    Sốc trước "đường đi" của các loại sán trong thực phẩm, vật dụng thường ngày vào cơ thể con người

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Không chỉ có hình ảnh thịt lợn nhiễm sán, mà trên mạng xã hội cũng xuất hiện những miếng thịt bò, gà, cá có sán gây hoang mang. Vậy, mức độ nguy hiểm thế nào?

    "Bản thân miếng thịt có giun sán trước khi cho vào luộc lại mang dao, thớt cắt ra, sau đó dao thớt đó lại để dùng thái thịt chín thì sẽ bị nhiễm chéo”, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh phân tích.

    Những ngày qua, vụ việc hàng trăm học sinh dương tính với sán lợn tại Bắc Ninh đã khiến dư luận bày tỏ sự bức xúc. Bên cạnh những thông tin về sán lợn, trên mạng xã hội cũng xuất hiện hình ảnh miếng cá, gà, bò cũng có sán… Không ít người bày tỏ sự lo lắng không biết ăn món gì mới là an toàn.

    Sau thông tin về sán lợn, trên mạng xôn xao thêm hình ảnh cá có sán.

    Trước những thông tin gây xôn xao dư luận, PV báo Người Đưa Tin đã lắng nghe phân tích từ PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, đại học Bách Khoa Hà Nội.

    Giải thích về sự xuất hiện của những con sán, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết: “Sán lợn hay sán trong người… gọi chung là ký sinh trùng, ký sinh trùng có từ ngàn năm không phải bây giờ mới xuất hiện. Dân gian đã có phương pháp chống bệnh ký sinh trùng như uống thuốc tẩy giun. Việc bị ký sinh trùng là điều xảy ra thường xuyên.

    Mới đây, rộ lên việc nhiễm ký sinh trùng trong thịt như: Lợn, bò, gà, cá… cũng đều có hiện tượng sán, nhưng tập trung chủ yếu ở con lợn. Việc nhiễm ký sinh trùng có 2 loại nhiễm:

    Thứ nhất, nhiễm trong hệ tiêu hóa gần như động vật nào cũng bị nhiễm, trong ruột con gà mổ ra cũng có thể nhìn thấy giun, con lợn, cá, bò… cũng vậy.

    Thứ hai, ký sinh trùng nằm trong bộ phận lục phủ ngũ tạng của cơ thể con vật như ở trong thịt, tim, não…”.

    PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh phân tích về mức độ nguy hiểm của sán lợn, bò, gà, cá. 

    Phân tích nguyên nhân có ký sinh trùng, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói: “Ký sinh trùng không thể tự nhiễm vào cơ thể người, đầu tiên là nhiễm thông qua đường miệng, ăn các thứ vào miệng, trứng giun chui vào miệng, theo đường thực phẩm và đi xuống dạ dày, không ở lại dạ dày mà giun chui xuống ruột non, di chuyển ở dưới ruột non. Có thời kỳ ký sinh trùng nở thành con, vào môi trường thuận lợi có thức ăn thì những con ký sinh trùng này cứ ăn và lớn dần lên, cuối cùng trở thành con giun bám trong đó. Nhưng đến lúc nào đó con giun già rồi, không bám vào thành ruột và thải ra ngoài, có nhiều loại sán như sán chỉ, sán dây, giun kim… Có những loại ký sinh trùng tự động thải ra, nhưng cũng có những loại ký sinh bám chặt trong thành ruột buộc phải uống thuốc tẩy giun.

    Bên cạnh đó, cũng có một bộ phận rất nhỏ trứng giun vào miệng đi qua dạ dày, vào ruột non và vì một lý do nào đó chui qua được màng ruột non đi vào trong máu, đi vào những bộ phận trong cơ thể như: Mắt, cơ tim, mật… Nhưng, trường hợp chui qua màng ruột non không nhiều, rất nhiều người bị giun nhưng không phải ai bị giun cũng bị mắc những bệnh sán đi vào cơ thể, đây là trường hợp rất hãn hữu. Như vậy, việc bị ký sinh trùng ở đường tiêu hóa rất phổ biến, nhưng hiện tượng bị ký sinh trùng ở các bộ phận bên trong cơ thể thì rất hiếm”.

    Nói về việc phát hiện hàng trăm trẻ nhiễm sán lợn ở Bắc Ninh, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng: “Phát hiện thịt lợn có những con sán như những hạt gạo, gọi là lợn gạo. Hiện tượng này có thể quan sát bằng mắt. Trên thực tế, lợn gạo không nguy hiểm, bởi bản thân sán nó đã thành con chứ không phải là trứng sán, nguy hiểm chỉ khi nào sán vào trong cơ thể là trứng sán. Nếu chúng ta mua phải lợn gạo không phát hiện ra, luộc chín thì ăn vô tư, không sao. Vì lúc này, con sán đã chết hết không còn sống được nữa.

    Nhưng có những trường hợp ăn rồi vẫn bị, theo tôi có một số nguyên nhân: Bản thân miếng thịt có giun sán trước khi cho vào luộc lại mang dao, thớt cắt ra, sau đó dao thớt đó lại để dùng thái thịt chín thì sẽ bị nhiễm chéo”.

    Cũng theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, giun sán không chỉ nhiễm trong thịt mà còn trong rau, nước cũng chiếm tỷ lệ cao: “Con người không nhìn thấy con giun trong rau, nhưng trứng giun trong rau rất nhiều thông qua việc người chăm sóc rau tưới phân, hoặc nguồn nước cũng là nguồn có ký sinh trùng. Thêm một nguồn có thể gây bệnh nữa là trẻ đi vệ sinh nhưng không rửa tay đúng cách, cũng có thể nhiễm ký sinh trùng ngay trên tay mình”.

    PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết những ngày này, nhiều người lo lắng cho con đi xét nghiệm sán lợn, thậm chí kết quả trả cho dương tính với sán lợn là lo cuống cuồng. Nhưng theo ông, cần tách biệt rõ khái niệm dương tính: “Phải phân biệt dương tính sán làm hai loại: Thứ nhất, dương tính là trong cơ thể có ký sinh trùng, dương tính ở trong ruột hay bộ phận trong cơ thể như trên phân tích. Nếu dương tính ở bộ phận trong cơ thể thì rất nguy hiểm, như dương tính ở não thì phải điều trị. Nhưng, nếu dương tính trong ruột thì không vấn đề gì. Nên phải làm rõ khái niệm dương tính sán.

    Tôi cho rằng việc đầu tiên biết có dương tính với sán, thì những cơ quan chức năng nên nghi ngờ đến tất cả những yếu tố có khả năng dương tính với sán. Phải kiểm tra nguồn nước, rau, mức độ vệ sinh tay chân, bát đũa, lây nhiễm chéo trên dao thớt…”.

    PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh đưa ra khuyến cáo, hàng ngày phụ huynh nên hướng dẫn con vệ sinh, ăn uống đúng cách. Không nên ồ ạt đưa con đi xét nghiệm sán vừa tốn kém lại chẳng có hiệu quả, có chăng nên kiểm tra thường xuyên 6 tháng một lần để phát hiện không chỉ sán mà còn các bệnh khác.

    Bệnh sán dây hay gọi là ấu trùng sán dây lợn còn gọi là bệnh sán dải, sán lợn. Trứng của chúng thường xuất hiện ở nhiều môi trường, như đất, nước hoặc trên thịt sống... Khi không may ăn thịt lợn tái hoặc thịt lợn sống hay một vài nguyên nhân khác khiến sán hoặc trứng sán đi vào trong dạ dày con người rồi nở ra ấu trùng, đến ruột non, xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt...

    Trong trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể đốt sán bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột, như vậy sẽ tương tự như ăn phải đốt sán mới, do đó số lượng ấu trùng sẽ rất lớn.

    Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau. Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 - 2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết.

    Bệnh thường không triệu chứng rõ rệt, nhưng ở một số trường hợp lại có triệu chứng khá rõ nét. Theo Thạc sĩ Đỗ Trung Dũng, trưởng Khoa Ký sinh trùng của Viện Sốt rét Trung ương cho biết triệu chứng bệnh ấu trùng sán lợn tùy thuộc vào số lượng, vị trí và giai đoạn tiến triển có thể gây đau bụng, ho, đau ngực, khó thở. Nếu bị đau nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, mất ngủ, trí nhớ giảm sút, liệt... cần đến bệnh viện khám vì rất có thể ấu trùng sán đã cư trú vào trong não.

    Theo Người Đưa Tin

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/soc-truoc-duong-di-cua-cac-loai-san-trong-thuc-pham-vat-dung-thuong-ngay-vao-co-the-con-nguoi-a267384.html
    Sự kiện: Đời sống 24h
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan