Theo thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh, để xảy ra sự việc hàng trăm trẻ nhiễm sán lợn thì trách nhiệm thuộc về người bếp trưởng và hiệu trưởng của trường đó.
Liên quan đến thông tin hàng trăm trẻ bị dương tính sán lợn ở Bắc Ninh, rất nhiều phụ huynh đã đưa con đến bệnh viện ở Hà Nội để xét nghiệm, bên cạnh đó không ít người bày tỏ sự bức xúc và cho rằng các cơ quan chức năng cần phải tìm ra người phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sự việc gây xôn xao dư luận này.
Từ sự việc này, một câu hỏi được đặt ra là lâu nay ai là người giám sát, kiểm tra mâm cơm của trẻ?
Phụ huynh đưa trẻ đi xét nghiệm sán lợn. |
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, thạc sĩ giáo dục Phạm Phúc Thịnh cho rằng cần tách bạch hai vấn đề, một là cung cấp thực phẩm bẩn đáng lên án và cần truy trách nhiệm hình sự (nếu có), hai là vấn đề sán trong trẻ còn phụ thuộc vào nhiều nguyên nhân.
Nói về trách nhiệm khi để xảy ra sự việc, thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh cho biết: “Trách nhiệm đầu tiên là của những người nhận đồ ăn vào, khi nhận đồ ăn vào trường phải kiểm tra giám sát. Thứ hai, hiệu trưởng nhà trường là người chịu trách nhiệm chính, có thể không kiểm tra thường xuyên nhưng một ngày ít nhất hiệu trưởng phải một lần đảo qua kiểm tra. Nếu là người để xảy ra sự cố đáng tiếc, nếu là người tự trọng và nếu bản thân tôi là hiệu trưởng, tôi sẽ từ chức ngay và luôn”.
Có nhiều ý kiến cho rằng hội phụ huynh ở các lớp học chưa phát huy được hết vai trò hiệu quả của mình, đặc biệt trong khâu kiểm tra, giám sát thực phẩm vào trường. Phân tích ý kiến này, thạc sĩ Thịnh cho hay: “Bình thường chi hội phụ huynh không giám sát được, bởi không phải ngày nào chi hội phụ huynh cũng chạy vào trường để xem chuyện ăn uống, điều này không phù hợp. Nếu phụ huynh muốn kiểm tra bữa ăn của con, điều đó không khó.
Ai cũng bày tỏ sự lo lắng cho sức khoẻ của các con. |
Có thể phụ huynh sẽ lên lịch, ví dụ ngày hôm đó sẽ có 2 hoặc 3 người kiểm tra và thông báo giờ kiểm tra sẽ là giờ nào. Ví dụ giờ kiểm tra là 9h sáng để cho nhà bếp họ kịp chuẩn bị đồ ăn trưa cho học sinh. Mỗi nhóm như vậy sẽ luân phiên nhau giám sát. Ngày nào giám sát sẽ có một quyển sổ, sẽ ghi lại ngày hôm nay các con ăn những món gì, đã kiểm tra bằng cách nào, ghi nhận là đạt yêu cầu hay chưa...
Và nếu sau này có sự cố xảy ra, thì những người trong ca trực ngày hôm đó cũng phải chịu trách nhiệm với hiệu trưởng. Tôi nghĩ rằng, phụ huynh cũng không cần phải giám sát thường xuyên, mà một tuần chỉ cần 1-2 lần kiểm tra bếp ăn, thực phẩm đột xuất”.
Cũng theo, thạc sĩ Phạm Phúc Thịnh, sự cố nêu trên chỉ là 1 trong 1000 trường trên toàn quốc có ăn bán trú.
“Đây là vấn đề về niềm tin, tôi nghĩ rằng nếu sự việc này được cơ quan pháp luật vào cuộc xử lý một cách thích đáng thì sẽ không có vấn đề gì xảy ra”, thạc sĩ Thịnh bày tỏ.
Nhóm PV
Theo Người Đưa Tin