Trước việc liên tiếp mất an toàn thực phẩm tại trường học, Sở Y tế quy định rà soát, tổng kiểm tra hệ thống bếp ăn, các cơ sở cung ứng thực phẩm, đơn vị vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm.
>>Những đứa trẻ bị “đầu độc” ngay trong trường học: Cha mẹ có giật mình?
Mấy ngày qua, tại một số trường học ở Hà Nội liên tiếp để xảy ra việc mất ATTP. Cụ thể, tại trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (quận Ba Đình), trong bữa ăn trưa ngày 12/9, học sinh lớp 3D của trường đang ăn trưa thì phát hiện tại đĩa ăn của 2 học sinh có nhiều con dòi bò ngoe nguẩy trên đĩa. Nhiều học sinh lập tức bỏ ăn vì ghê sợ…
An toàn vệ sinh thực phẩm tại trường học luôn là mối lo của tất cả mọi người. Ảnh: báo Nhân Dân |
Sau đó, một nhóm phụ huynh đã lên gặp đại diện nhà trường làm rõ vụ việc. Nhà trường thừa nhận có vụ việc trên, nhưng giải thích không phải do nguồn thực phẩm mà do công đoạn rửa bát không sạch sẽ, 2 đĩa bị dính vào nhau và để qua ngày thứ Bảy, Chủ nhật nên phát sinh dòi.
Hay trước đó, một số học sinh trường Mầm non Lại Yên (huyện Hoài Đức) cũng có biểu hiện ngộ độc thực phẩm sau khi ăn trưa tại trường ngày 11/9. Ngay chiều cùng ngày, một số trẻ có biểu hiện bị sốt, buồn nôn; sau đó, một số trẻ khác cũng có biểu hiện tương tự. Trong số 31 trẻ nghỉ học ngày 12/9, 9 trẻ đã xác định rõ tình trạng rối loạn tiêu hoá, tiêu chảy cấp.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Chung cho biết, trước những sự việc mất ATTP xảy ra trong trường học, đơn vị sẽ quán triệt, chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã chú ý hơn vấn đề đảm bảo ATTP trong trường học.
Ông Chung cho biết: “Phải rà soát lại hệ thống bếp ăn tập thể của các trường, nguồn cung cấp thực phẩm vào trường bằng các cuộc thanh, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất. Trước đó, ngay từ đầu năm 2017, 2 Sở Y tế và GD&ĐT đã có những kế hoạch liên tịch về tăng cường đảm bảo ATTP trong trường học. Tới đây, TP sẽ tổng kiểm tra các cơ sở cung ứng thực phẩm cho trường học”.
Được biết, Nhà nước cũng đã có quy định về việc bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm trong trường, cụ thể tại Điều 6, Thông tư Liên tịch số 13/2016/TTLB-BYT-BGDĐT: Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm.
Theo đó nhà ăn, căng tin phải thông thoáng, đủ ánh sáng, cửa sổ phả có lưới để chống chuột, ruồi, nhặng, gián hoặc các côn trùng khác có hại; tường, trần nhà và sàn nhà phải nhẵn, bằng phẳng, hạn chế các khe rãnh, góc cạnh, gờ dễ bám bụi, chất bẩn, thuận tiện cho việc làm vệ sinh và khử trùng. Bàn ghế, dụng cụ, phương tiện phải được làm bằng vật liệu dễ cọ rửa. Có đủ các phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho việc làm vệ sinh và khử trùng.
Dụng cụ chứa thức ăn và sử dụng để ăn uống phải được làm bằng vật liệu dễ làm vệ sinh và không thôi nhiễm yếu tố độc hại. Có phương tiện bảo quản thực phẩm. Có hệ thống cung cấp nước sạch và chỗ rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Có phương tiện phân loại, thu gom và vận chuyển rác, thực phẩm, thức ăn thừa; các dụng cụ chứa đựng rác phải được làm bằng vật liệu chắc chắn, có nắp đậy và thuận tiện cho việc làm vệ sinh.
Nhà bếp ngoài việc đáp ứng các điều kiện đối với nhà ăn, căng tin như trên thì còn phải đáp ứng thêm các điều kiện Phải có hợp đồng nguồn cung cấp thực phẩm an toàn, thực hiện đầy đủ chế độ kiểm thực ba bước và chế độ lưu mẫu thực phẩm 24 giờ.
Nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, có thiết bị chống ruồi, muỗi, bọ, chuột, động vật và duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ. Có hệ thống thiết bị bảo quản thực phẩm, hệ thống nhà vệ sinh, rửa tay và thu dọn chất thải, rác thải hàng ngày sạch sẽ.
Nhân viên phục vụ phải được khám sức khoẻ, cấy phân định kỳ ít nhất 1 năm 1 lần; có Giấy chứng nhận đã được tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo đảm thực hành tốt về vệ sinh cá nhân. Người đang mắc các bệnh hoặc chứng bệnh thuộc danh mục các bệnh hoặc chứng bệnh truyền nhiễm mà người lao động không được phép tiếp xúc trực tiếp trong quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm đã được Bộ Y tế quy định thì không được tham gia trực tiếp vào quá trình chế biến thực phẩm.
Người trực tiếp chế biến thực phẩm phải mặc trang phục bảo hộ riêng, đội mũ, đi găng tay chuyên dùng, đeo khẩu trang.Người trực tiếp chế biến thực phẩm phải tuân thủ các quy định về thực hành đảm bảo vệ sinh: giữ móng tay ngắn, sạch sẽ và không đeo nhẫn, đồng hồ. Không hút thuốc, khạc nhổ trong khu vực sản xuất thực phẩm.
Quy định là vậy, nhưng việc thực hiện được thực thi đến đâu, cần có sự kiểm soát, kiểm tra từ cơ quan quản lý và phụ huynh học sinh.
Nhiều phụ huynh hy vọng, lần "ra quân" này sẽ giúp vấn nạn thực phẩm bẩn bị đẩy lùi nhưng cũng có phụ huynh nghi ngờ tính hiệu quả của đợt kiểm tra chỉ "khua chuông gõ mõ"?
Nguyễn Hà (T/h)