+Aa-
    Zalo

    Số phận Dương Chí Dũng ra sao sau khi Tướng Ngọ qua đời?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Liệu Dương Chí Dũng có thoát án tử hình trong phiên toà phúc thẩm theo lịch sẽ diễn ra vào ngày 22/4 tới?

    (ĐSPL) - Liệu số phận Dương Chí Dũng được định đoạt ra sao phiên toà phúc thẩm theo lịch sẽ diễn ra vào ngày 22/4 tới, khi mà sau phiên toà xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm với lời khai chấn động của Dương Chí Dũng,đã xảy ra một số sự kiện gây chú ý dư luận. 

    Theo lịch, ngày 22/4 tới đây, tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) tại Hà Nội sẽ tiến hành xét xử vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm theo trình tự phúc thẩm. Trước đó, "cựu chủ tịch" Vinalines cùng đồng phạm bị truy tố 2 tội danh "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản".

    Theo bản án của TAND TP. Hà Nội, trong vụ án này, Dương Chí Dũng có vai trò chủ mưu trong việc mua ụ nổi 83M gây thiệt hại 367 tỷ đồng và tham ô 1,666 triệu USD. Trong đó, Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc (nguyên Tổng Giám đốc Vinalines) được chia mỗi người 10 tỷ đồng. HĐXX sơ thẩm đã tuyên phạt Dương Chí Dũng án tử hình về tội "Tham ô tài sản", 18 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng"; tổng hợp hình phạt là tử hình. Mai Văn Phúc cũng bị tuyên án tử hình cho cả 2 tội trên. 

     Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc bị tuyên án tử hình tại phiên toà sơ thẩm.

    Lời khai mang tính "chiến thuật"?

    Có thể thấy, tại phiên tòa sơ thẩm, Dương Chí Dũng liên tục kêu oan. Dù đứng trước mức án cao như vậy nhưng ông Dũng tỏ ra rất bình tĩnh và thái độ không giống với những bị cáo bị tuyên án tử hình. Một số ý kiến cho rằng, liệu điều đó có phải là do sự tỉnh táo hay khôn ngoan đối đáp trước cơ quan pháp luật của vị "cựu chủ tịch"? Liệu việc khai báo có mang tính "chiến thuật", trước phiên tòa xét xử mình thì không khai việc "chạy tội", chờ bản án, rồi đến phiên tòa xét xử em trai Dương Tự Trọng thì khai rất nhiều, liên quan đến việc đưa tiền cho một cán bộ cao cấp ở Bộ Công an để lo lót "chạy tội"?

    Trước ngày xét xử phúc thẩm vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm, PV báo Đời sống và Pháp luật đã có cuộc trao đổi với luật sư Trần Đình Triển (một trong ba luật sư bào chữa cho Dương Chí Dũng). Luật sư Triển cho biết: "Trong buổi làm việc gần đây, thân chủ của tôi vẫn bày tỏ những quan điểm giống như từ trước đến nay về vấn đề mà anh Dũng khai về việc người "mật báo" cho anh biết và đề nghị anh trốn đi một thời gian. Việc này anh Dũng cũng đã khai lại với cơ quan có thẩm quyền trong các buổi làm việc sau khi tham dự phiên tòa xét xử Dương Tự Trọng và đồng phạm".

    Những lời khai của Dương Chí Dũng trước phiên tòa rất nhạy cảm, rất nghiêm trọng nhưng lại không nhất quán, thay đổi nhiều lần. Vì vậy, dư luận cho rằng, cần xem xét lại lời khai, điều tra triệt để những lời khai trên để làm rõ đúng - sai, lý do hay động cơ gì mà Dương Chí Dũng lại thay đổi? Vì sao ông Dũng phải chờ đến phiên tòa xét xử em trai mình mới khai ra nhiều điều "bí mật" như thế, liệu có dụng ý gì không? Theo một chuyên gia pháp lý, tuy đó là vụ án khác nhưng ông Dũng hoàn toàn có thể tố giác ngay trong vụ án của mình. Vấn đề "đưa tiền" liên quan trực tiếp đến việc "chạy tội" chứ không liên quan trực tiếp đến việc bỏ trốn, tại sao ông Dũng không khai ở thời điểm diễn ra phiên tòa sơ thẩm xét xử mình? Liệu ông Dũng có "chiến thuật" hay "trông chờ" gì không?

    Đến thời điểm này, cả bị cáo Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, vẫn không thừa nhận hành vi tham ô. Đồng thời, hai bị cáo này tiếp tục đề nghị được làm rõ về lời khai của bị cáo Trần Hải Sơn, nguyên Giám đốc Công ty TNHH Sửa chữa tàu biển Vinalines, thành viên Đoàn khảo sát ụ nổi 83M tại Nga, về việc đưa cho Dũng và Phúc mỗi người 10 tỷ đồng khoản “lại quả” sau khi Vinalines mua ụ nổi 83M với giá 9 triệu USD.

    Trước án tử của Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc, nhiều ý kiến luật sư cho rằng, căn cứ vào hướng dẫn tại Nghị quyết 01/2001 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, các bị cáo hoặc gia đình bị cáo bồi thường cho Nhà nước một phần khoản tiền mà Nhà nước bị thiệt hại, đồng thời phải thành khẩn nhận tội thì “có thể không xử phạt tử hình”. 

    Về thông tin này, luật sư Trần Đình Triển đã nói rõ trên báo Đất Việt: "Nghị định 01 cũng nằm trong Điều 46 của Bộ luật Hình sự, có nghĩa nếu họ khắc phục hậu quả thì được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Nhưng ở đây giảm nhẹ cái gì, ông Dũng có xin giảm nhẹ đâu, vì ông Dũng khẳng định mình không phạm tội tham ô, trong khi đó tội tham ô là mức án tử hình". Ông Triển nhấn mạnh rất nhiều lần rằng: ông Dũng khẳng định mình không phạm tội thì bồi thường cái gì? Dựa vào điều đó làm gì?.

     Luật sư Trần Đình Triển trò chuyện về vụ án Dương Chí Dũng.

    Còn theo quan điểm của Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Ủy viên Hội đồng Khen thưởng Kỷ luật (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Nghị quyết 01/2001 của Tòa án Tối cao về việc bồi thường thiệt hại đến nay vẫn có giá trị thực hiện. Do vậy, việc áp dụng theo Nghị quyết này đối với vụ án Dương chí Dũng cũng hoàn toàn hợp lý.

    Luật sư Tiến cũng chỉ rõ rằng, việc gia đình ông Dương Chí Dũng cũng như bản thân ông Dũng cần phải nhận thấy cái sai của mình và tích cực thực hiện việc bồi thường ngân sách đã tham ô của Nhà nước. Theo đó, căn cứ vào Nghị quyết 01/2001 của Tòa án Tối cao và Điểm b Khoản 1 của Điều 46 Bộ luật hình sự thì đương nhiên Dương Chí Dũng phải được giảm mức án tử hình của tội tham ô xuống mức chung thân.

    Sẽ có một phiên toà đầy kịch tích?

    Vẫn tại cuộc trao đổi giữa PV báo Đời sống và Pháp luật với luật sư Trần Đình Triển, ông Triển cho biết: "Về hành vi liên quan đến tham ô, anh Dũng cũng đề nghị ông Goh (Goh Hoon Seow, Giám đốc công ty AP, Nga - PV) cũng phải có ý kiến. Ngay bản thân ông Goh cũng không thừa nhận là có liên hệ với anh Dũng. Điều nữa là, phải làm rõ việc phía Nga, ai là người thương thảo liên quan đến 1,666 triệu USD. Anh Dũng cho rằng anh ấy không hề biết về số tiền 1,666 triệu USD và không được hưởng phần nào trong số tiền này. Tòa cần làm rõ lời khai của ông Sơn bởi, trong lời khai của ông này có rất nhiều mâu thuẫn trong việc nhận tiền và đưa tiền. Tại tòa, ông Sơn khai không có liên lạc gì với phía Nga và ông Goh, nhưng trên thực tế, đã có nhiều cuộc gặp thông qua người phiên dịch là ông Quang. Cần làm rõ việc gặp đó, nội dung thỏa thuận những gì...".

    Trước đó, trong quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Trần Hải Sơn khai, Sơn là người được "uỷ quyền" đứng ra nhận số tiền "lại quả" 1,666 triệu USD từ việc mua ụ nổi M83. Số tiền này đã được chuyển về Việt Nam thông qua tài khoản của Công ty Phú Hà (do em gái Sơn làm chủ). Sau khi nhận được tiền, Sơn đã chuyển cho bị cáo Dũng và Phúc mỗi người 10 tỷ đồng, đưa cho Trần Hữu Chiều, Phó Tổng Giám đốc Vinalines 340 triệu đồng… Sơn cho biết đã đưa tiền cho bị cáo Dũng 2 lần, tổng cộng 10 tỷ đồng. Đối với bị cáo Phúc, Sơn khai đưa ba lần, tổng cộng 10 tỉ đồng; trong đó có lần Sơn đưa 2,5 tỷ tại nhà của Phúc tại huyện An Dương, Hải Phòng.

    Theo luật sư Trần Đình Triển, tại phiên toà xét xử sơ thẩm Dương Chí Dũng và đồng phạm, toà mới chỉ căn cứ vào các lời khai của các cấp dưới của ông Dũng. Tại sao tòa không thực hiện thu thập chứng cứ ở các đối tác của Vinalines ở Nga và Singapore. Việt Nam với Nga, với Singapore đều đã ký văn bản tương trợ tư pháp về mặt hình sự. Phải có trả lời từ các đối tác của Vinalines ở nước ngoài thì mới đủ bằng chứng để xử nghiêm minh và đúng người đúng tội.

    Theo tin tức trên báo Pháp luật Việt Nam, trước phiên tòa phúc thẩm, bà Ngô Thị Vân, vợ bị cáo Mai Văn Phúc, đồng thời là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án, đã có đơn gửi đến Tòa và một số cơ quan “xin cứu xét” cho chồng. Bà Vân cho rằng, việc quy kết bị cáo Phúc nhận 10 tỷ chỉ căn cứ vào lời khai của bị cáo Sơn và lời khai của anh chị em Sơn là chưa thỏa đáng và cần xem xét lại động cơ khai báo này.

    Về chi tiết Sơn khai “mang va ly đựng 5 tỷ đến nhà bị cáo Phúc nhưng Phúc không có nhà, chỉ có một người phụ nữ ra mở cửa. Sơn ngồi đợi ở phòng khách khoảng 45 phút thì Phúc về cùng một người khách…”, bà Vân đã “xin cho đối chất” với bị cáo Sơn và đề nghị làm rõ “người phụ nữ ấy là ai”.

    Ngoài ra, bà Vân còn khẳng định, dịp gần Tết âm lịch 2008, nhà bà không có giỗ hay sinh nhật nào cả. Trong khi đó, theo lời khai của bị cáo Sơn thì hôm Sơn mang 2,5 tỷ đến nhà bị cáo Phúc tại xã An Hồng, huyện An Dương, Hải Phòng thì nhà Phúc có rất đông người, có thể đó là đám giỗ hoặc mừng thọ.

    Theo thông tin PV cập nhật được, phần còn lại liên quan đến sai phạm của Dương Chí Dũng đối với dự án đóng tàu trong việc mua ụ nổi, còn một mảng nữa là mảng chi cho các nhà môi giới khoản tiền rất lớn, hơn 4,3 triệu USD. Hoặc các vấn đề khác tại Vinalines chưa được điều tra, làm rõ trong vụ án này như quản lý, khai thác cảng biển, đầu tư ngoài... Cơ quan điều tra của Bộ Công an vẫn tiếp tục xác minh, khi có đủ căn cứ sẽ khởi tố, điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/so-phan-duong-chi-dung-ra-sao-sau-khi-tuong-ngo-qua-doi-a29911.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan