Sáng 29/10, sở GD&ĐT TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học và triển khai nhiệm vụ năm học mới 2021-2022.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM cho biết, Sở sẽ đề xuất UBND TP.HCM cho học sinh lớp 9 và 12 đã tiêm đủ 2 mũi vaccine được đi học trực tiếp vào đầu tháng 12.
Căn cứ vào cấp độ dịch của từng địa bàn, Sở sẽ đề xuất tiếp với UBND TP.HCM về thời gian cho học sinh các khối khác trở lại trường học trực tiếp. UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức căn cứ tình hình thực tế dịch bệnh trên địa bàn để xây dựng kế hoạch cụ thể cho học sinh đi học lại.
Ông Hiếu cho biết thêm, trong tuần này, các địa phương sẽ hoàn tất việc tiêm vaccine cho học sinh THPT và tiếp tục lộ trình tiêm chủng theo độ tuổi hạ thấp dần. Các cơ sở giáo dục phục vụ công tác phòng, chống dịch đang được trao trả dần để sửa chữa.
Theo thống kê đến ngày 28/10 của Sở Y tế TP.HCM, tổng số trẻ ở TP.HCM đã được tiêm vaccine là 39.756. Số lượng hoãn tiêm là 167, chống chỉ định tiêm 1 người. 44 trẻ được chuyển lên bệnh viện để tiêm.
Trong kế hoạch tổ chức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ 12-17 tuổi tại TP.HCM, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP.HCM đề xuất tiêm cho 780.000 trẻ đang đi học từ lớp 6 đến lớp 12. Lộ trình là khoảng 5-7 ngày để tiêm mũi 1 và 7 ngày để tiêm mũi 2.
Trước đó, ngày 27/10, sở GD&ĐT TP.HCM đã trình UBND TP dự thảo về kế hoạch tổ chức việc học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục theo từng cấp độ dịch ở địa phương.
Đối với địa bàn cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình), được tổ chức dạy học trực tiếp, không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường. Những cơ sở giáo dục ngoài công lập, nếu đảm bảo các điều kiện an toàn, có thể bố trí nội trú, bán trú, xe đưa rước học sinh.
Những nơi được tổ chức dạy trực tiếp phải đảm bảo giãn cách, đảm bảo đánh giá an toàn theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn COVID-19 do UBND thành phố ban hành. Đồng thời củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang hình thức dạy học qua internet khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Các cơ sở giáo dục đại học được tổ chức dạy học trực tiếp nếu đáp ứng bộ tiêu chí an toàn trường học, đảm bảo đội ngũ nhà giáo và sinh viên tham gia dạy học trực tiếp đã được tiêm đủ liều vaccine, đảm bảo các quy định phòng chống dịch của địa phương.
Đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 3 (nguy cơ cao) thì tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình, không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài lớp học.
Căn cứ điều kiện thực tế, các địa phương quyết định việc học, dạy học cho từng lớp, khối lớp. Với cấp phổ thông ưu tiên dạy trực tiếp các lớp 1, 2, 6, 9 và lớp 12.
Khi tổ chức học trực tiếp cho học sinh, sinh viên phải bố trí lệch giờ lệch ca, không tập trung đông người, giãn cách tối đa đảm bảo giới hạn về số người học/lớp theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn COVID-19 của thành phố.
Đối với các địa bàn được xác định ở cấp độ 4 nguy cơ rất cao, tổ chức dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài tự học.
Với cấp học mầm non và phổ thông, giáo viên hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ giúp đỡ trẻ em, học sinh học tập vui chơi tại nhà theo hình thức phù hợp, phối hợp với phụ huynh để hướng dẫn học sinh sử dụng hiệu quả an toàn các thiết bị phục vụ học tập trực tuyến, học trên truyền hình.
Cũng theo dự thảo này sở GD&ĐT sẽ chủ động phối hợp với Sở Y tế xây dựng phương án an toàn, phòng COVID-19 trong trường học, rà soát, tham mưu việc điều chỉnh bộ tiêu chí an toàn đối với cơ sở giáo dục.
Triển khai các hướng dẫn chuyên môn về phương án tổ chức học tập trực tiếp phù hợp với từng cấp học, bậc học và chuyển hình thức học tập ngay khi thay đổi cấp độ dịch tại địa phương.
Thủy Tiên (T/h)