+Aa-
    Zalo

    Sẽ hỗ trợ 1.710 tỷ đồng cho số hóa truyền hình

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Bên cạnh cam kết không tăng giá của các hãng sản xuất TV, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ cho các hộ trong diện ưu tiên nhằm triển khai quá trình số hóa truyề

    (ĐSPL) - Bên cạnh cam kết không tăng giá của các hãng sản xuất TV, Nhà nước cũng có chính sách hỗ trợ cho các hộ trong diện ưu tiên nhằm triển khai quá trình số hóa truyền hình.

    TV tích hợp số hóa sẽ không tăng giá

    Bắt đầu từ ngày 1/4, theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, toàn bộ TV nhập khẩu hoặc sản xuất tại Việt Nam có kích thước từ 32 inch trở lên đều phải tích hợp chuẩn DVB-T2. Còn sau ngày 1/4/2015, việc tích hợp này sẽ áp dụng cho toàn bộ TV từ 32-inch trở xuống, không có ngoại lệ.

    Ước tính tới thời điểm này, hiện trên thị trường có khoảng gần 100 mẫu TV đã được tích hợp chuẩn DVB-T2 được bán ra. Trong đó LG có khoảng 30 sản phẩm, TCL 12 mẫu, Sharp có 5 loại, Toshiba 3 loại, Panasonic có 12 loại.

    Sẽ hỗ trợ 1.710 tỷ đồng cho số hóa truyền hình
    Các mẫu TV mới tích hợp chuẩn DVB-T2 sẽ vẫn giữ nguyên không tăng giá.

    Theo thông tin từ phía Samsung, một trong những thương hiệu TV lớn nhất tại thị trường Việt Nam, ngay từ cuối năm 2013 hãng đã dừng hoàn toàn việc sản xuất các loại TV cũ, các sản phẩm mới được sản xuất trong năm 2014 đều được tích hợp chuẩn DVB-T2.

    Còn theo Sony, trong 26 mẫu TV mà hãng hiện phân phối tại Việt Nam đã có 23 mẫu đã tích hợp DVB-T2. Theo dự kiến đến hết tháng 4/2014, toàn bộ các sản phẩm của Sony có mặt trên thị trường đều được tích hợp đúng chuẩn mới theo yêu cầu.

    Được biết, để tích hợp chuẩn DVB-T2, các nhà sản xuất phải chi thêm khoảng 30 USD (hơn 600.000 đồng) cho mỗi TV. Chính bởi vậy, điều được nhiều người quan tâm nhất lúc này là liệu trong thời gian tới TV tích hợp chuẩn mới có tăng giá?

    Trả lời cho câu hỏi trên, các hãng TV lớn như LG hay Sony cho biết, hiện họ không gặp bất cứ khó khăn nào trong việc tích hợp DVB-T2 vào sản phẩm của mình, chính bởi vậy đều chưa có kế hoạch tăng giá TV thế hệ mới trong thời gian tới.

    Mặt khác các hãng này cũng công bố thêm, sẽ có những mẫu TV giá rẻ được tung ra thị trường 1-2 tháng tới. Theo đó, mức giá của những sản phẩm này chỉ tầm từ 6-7 triệu đồng.

    Đứng về phương diện quản lý, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Lê Nam Thắng khẳng định việc sử dụng TV tích hợp DVB-T2 sẽ giúp người dùng tiết kiệm chi phí, không phải mua thêm đầu thu. Mặt khác, hiện giờ là thời điểm thích hợp để Việt Nam triển khai công nghệ truyền hình mới, bởi giá thành sản phẩm và công nghệ trên thế giới đã giảm mạnh, đủ rẻ để tiệm cận với số đông người dùng.

    Cũng theo Bộ này, tất cả những mẫu TV đã tích hợp DVB-T2 trên thị trường đều phải dán nhãn biểu trưng số hóa truyền hình. Việc này sẽ giúp người dùng dễ dàng nhận biết đâu là những mẫu TV đã được tích hợp chuẩn mới.

    Sẽ hỗ trợ hộ nghèo

    Khi nói đến vấn đề số hóa truyền hình, nhiều chuyên gia đã cho rằng đây là một sự chuyển đổi lớn, có tác động mạnh đến hàng chục triệu hộ đang sử dụng truyền hình tại Việt Nam. Quá trình này cần sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan chính sách, nhà đài, các hãng sản xuất TV và người dân, yếu tố đóng vai trò quyết định trong việc áp dụng công nghệ truyền hình mới.

    Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện Việt Nam đã có hơn 22 triệu hộ gia đình có TV, trong đó có 2,6 triệu hộ dùng truyền hình cáp và 3,3 triệu hộ dùng truyền hình qua vệ tinh; còn lại 12,5 triệu hộ dùng truyền hình analog và 3,5 triệu hộ đang dùng đầu thu mặt đất DVB-T (là chuẩn công nghệ cũ), chủ yếu tập trung ở nông thôn, miền núi.

    Sẽ hỗ trợ 1.710 tỷ đồng cho số hóa truyền hình
    Các hộ trong diện ưu tiên sẽ được hỗ trợ kinh phí để mua đầu thu số hóa truyền hình.

    Khi triển khai quá trình số hóa, sẽ có ít nhất 16 triệu hộ không thể thu hình được. Trong số này có khá nhiều các hộ không đủ điều kiện để mua một bộ thu truyền hình số chứ chưa nói đến đến việc sở hữu một chiếc TV có tích hợp công nghệ này. Đây là thực trạng phổ biến ở các địa phương vùng sâu, vùng xa.

    Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Nhà nước dự kiến sẽ trích ra khoảng 1.710 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích để hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách đã có TV sở hữu thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình khi chuyển sang số hóa.

    Nhà nước sẽ lập đề án điều tra phương thức thu xem của các hộ dân và đối tượng hỗ trợ. "Có thể ngay đầu năm 2015 sẽ phối hợp cùng các địa phương, Bộ ngành tiến hành triển khai trên diện rộng nhằm xác định cụ thể tại mỗi địa phương có bao nhiêu hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách đã có TV hoặc TV đã sở hữu có thu được truyền hình số hay không", Thứ trưởng cho biết.

    Ngoài ra, việc hỗ trợ không phải được thực hiện ngay lập tức trên cả nước, mà theo địa bàn theo đúng như kế hoạch số hóa truyền hình đề ra. Những gia đình nghèo, cận nghèo đã sở hữu TV mới thuộc diện được nhận hỗ trợ, ông Thắng nói thêm.

    Được biết, theo lộ trình số hóa, ngay trong năm 2014, tại 5 thành phố thuộc Trung ương gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Cần Thơ và Bắc Quảng Nam sẽ số hóa. Sang năm 2015 sẽ mở rộng ra 26 tỉnh thành ở nhóm 2 của Đề án số hóa.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/se-ho-tro-1710-ty-dong-cho-so-hoa-truyen-hinh-a27778.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    TV phải gắn biểu trưng số hóa từ 1/5

    TV phải gắn biểu trưng số hóa từ 1/5

    (ĐSPL) - Cụ thể, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu TV và thiết bị giải mã tín hiệu truyền hình (set-top box) theo chuẩn DVB-T2 đều phải dán biểu trưng số hóa.