Tam Quốc là thời kỳ binh đao thiết mã, thiên hạ loạn lạc, dân chúng lầm than, những cũng là lúc thời thế sinh anh hùng, mưu sĩ mãnh tướng lần lượt xuất hiện. Để nói về những danh tướng thời Tam Quốc, nhân gian có câu: Nhất Lữ nhị Triệu tam Điển Vĩ, tứ Quan ngũ Mã lục Trương Phi.
Thứ nhất: Lữ Bố
Lữ Bố sở hữu Phương Thiên Họa Kích và ngựa Xích Thố, thiên hạ vô song |
Lữ Bố tự Phụng Tiên, là danh tướng vào cuối thời kỳ Đông Hán, sở hữu Phương Thiên Họa Kích và ngựa Xích Thố, được dân gian ca tụng là "nhân trung Lữ Bố, mã trung Xích Thố".
Lữ Bố trước làm nghĩa tử của Đinh Nguyên sau vì ngựa Xích Thổ mà lại bái Đổng Trác làm nghĩa phụ, từng trợ lực giúp Viên Thiệu. Sau này cùng mưu sĩ Trần Cung chiếm được Từ Châu, tạo thành thế lực một phương.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Lữ Bố được cho là mãnh tướng mạnh nhất thời Tam Quốc, thiên hạ vô song. Ông từng tại Hổ Lao Quan đại chiến ba anh em Lưu Quan Trương, còn đơn thương độc đấu sáu viên đại tướng của Tào Tháo. Mặc dù đều bị thất bại và bỏ chạy nhưng duy nhất chỉ có Lữ Bố có được bản lĩnh như vậy, và được công nhận là võ nghệ đệ nhất trong Tam Quốc Diễn Nghĩa.
Trong nguyên tác "Tam Quốc Trí" của Trần Thọ đã miêu tả Lữ Bố rằng:" Lữ Bố dũng mãnh như hổ, nhưng thiếu trí lược anh tài, mưu đồ phản phúc, ham lợi trước mắt. Từ cổ chí kim, phạm những điều này ắt sẽ diệt vong".
Vì thế nếu chỉ xét về dũng, Lữ Bố đích thị là thiên hạ vô song.
Thứ hai: Triệu Vân
Triệu Vân là một chiến tướng tài ba, võ trí song toàn |
Triệu Vân tự Tử Long, danh tướng nhà Thục Hán, vũ khí là Bạo Vũ Lê Hoa Thương, cưỡi Bạch Long mã. Ông thân cao tám thước, dảng vẻ hùng vĩ. Triệu Vân đi theo Lưu Bị gần ba mươi năm, tham gia những trận chiến Bác Vọng, trận chiến Trường Bản và trận chiến bình định Giang Nam.
Đáng chú ý nhất là trong trận chiến Trường Bản, Triệu Vân một ngựa phá vây cứu Ấu Chúa, vang danh thiên hạ. Lưu Bị nghe chuyện hết lời tán dương anh dũng can đảm, quân sĩ gọi ông là Hổ Uy Tướng Quân.
Hơn nữa là trong lúc bình định Ích Châu, nhiều người kiến nghị chia nhà cửa ruộng vườn làm phần thưởng cho các tướng sĩ nhưng Triệu Vân kịch liệt phản đối, trích dẫn câu chuyện của Hoắc Khứ Bệnh để khuyên Lưu Bị trả lại nhà cửa ruộng đất cho bá tánh. Ngoài ra, sau khi Quan Vũ Trương Phi chết, chính Triệu Vân là người can ngăn Lưu Bị không nên dẫn binh đánh Đông Ngô, chỉ tiếc Lưu Bị một lòng báo thù không nghe.
Triệu Vân quả thực là một vị tướng tài ba, võ trí song toàn.
Thứ ba: Điển Vi
Điển Vi một mình xả thân cứu Tào Tháo |
Ông là viên tướng dưới quyền Tào Tháo thời cuối Đông Hán, nổi tiếng về võ lực cao cường, tướng mạo vạm vỡ, sức lực hơn người, có chí hướng, thích làm chuyện nghĩa hiệp, vũ khí sử dụng là song kích nặng 40 cân, cưỡi Đại Uyển mã.
Ban đầu ông là người của Trương Mạo sau mới đi theo Tào Tháo. Trong lúc Tào Tháo chinh phạt Lữ Bố bị bao vây tam hướng, chính sự trí lực và dũng cảm của Điển Vi đã giải vây giúp Tào Tháo, lập được đại công, được Tào Tháo giao cho 500 quân tinh nhuệ, phong làm Đô Úy, hộ vệ bên cạnh.
Kiến An năm thứ hai, Trương Tú phản bội Tào Tháo, Điển Vi một mình chống lại phản quân bảo vệ chủ công, giết chết rất nhiều kẻ địch, nhưng cuối cùng vì quân địch vây hãm quá đông mà tử trận, nhưng trên thực tế Điển Vi tử trận một phần là do lúc đó ông không cầm theo binh khí. Giả sử có binh khí trong tay, không chừng lịch sử sẽ có một kết quả khác.
Thứ tư: Quan Vũ
Quan Vũ là một trong số ít những mãnh tướng được nhân gian sùng bái và thần thánh hóa |
Quan Vũ tự Vân Trường. Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa ông là anh em kết nghĩa Đào Viên với Lưu Bị, một trong năm nhân vật Ngũ Hổ Tướng, thân cao chín thước, mặt đỏ như gấc, sở hữu Thanh Long Yển Nguyệt Đao, sau được Tào Tháo tặng lại cho ngựa Xích Thố.
Quan Vũ theo Lưu Bị lang bạt khắp nơi từ rất sớm, có thời gian bị bắt sống và làm việc cho Tào Tháo. Quan Vũ từng một đao chém Hoa Hùng, giết Nhan Lương ở Quan Độ trong trận Bạch Mã, được người đời gọi là Vạn Nhân Địch.
Vào năm Kiến An 24, Quan Vũ vây hãm Tương Phàn, Tào Tháo phái Vu Cấm đi chi viện, nhưng sau đó Quan Vũ bắt sống Vu Cầm, chém Bàng Đức, uy trấn Hoa Hạ. Tào Thào liền phải phái Từ Hoảng đi tăng viện, đồng thời lúc đó Đông Ngô Lã Mông tập kích Kinh Châu, Quan Vũ tiến thoái lưỡng nan, bại trận và bị xử tử.
Sau khi Quan Vũ chết, ông đã được thần thánh hóa, dân gian gọi ông là "Quan Công", lập miếu thờ thần, người đời sùng bái.
Thứ năm: Mã Siêu
Mã Siêu là một trong những danh tướng lập quốc Thục Hán |
Mã siêu tự Mạnh Khởi, con trưởng của Mã Đằng, là một trong những nhân sĩ quần hùng cuối thời Hán và là danh tướng lập quốc Thục Hán. Trong trận chiến Bình Dương, Mã Siêu đại phá liên quân Tinh Châu Cao Cán và Nam Hung Nô Hô Trù Tuyền, sau đi theo Lưu Bị, giúp Lưu Bị đoạt lấy Ích Châu, đăng cơ xưng đế.
Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa và văn hóa dân gian ca ngợi Mã Siêu là "Tam Quốc anh hùng toán Mã Siêu", ngoại hình ưu tú với phong cách phi phàm mũ sư giáp bạc, được gọi là "Cẩm Mã Siêu", dũng mãnh không thua kém Lữ Bố.
Thứ sáu: Trương Phi
Cùng với Quan Vũ, Trương Phi cũng được xưng là Vạn Nhân Địch |
Trương Phi tự Dực Đức, sử dụng vũ khí Trượng Bát Xà Mâu, cưỡi ngựa Ô Truy, là tam đệ kết nghĩa của Lưu Bị và Quan Vũ, một trong năm Ngũ Hổ Tướng nhà Thục Hán.
Năm Kiến An 13, Lưu Bị bại trận Trường Bản tháo chạy, Trương Phi dẫn 20 kỵ binh yểm hộ phía sau, đứng chặn trên cầu, Tào quân không ai dám lại gần. Đến năm Kiến An 18, trong lúc cùng Gia Cát Lượng và Triệu Vân càn quét Tây Xuyên, Trương Phi bắt được và thuyết phục Nghiêm Nhan, chiêu mộ được một đại tướng quân cho Thục Hán. Kiến An năm thứ 22, Trương Phi trong trận chiến Hán Trung đánh bại Trương Cáp, giúp Lưu Bị dành được điểm mấu chốt trong trận chiến Hán Trung.
Trương Phi dựa võ xưng danh, cùng với Quan Vũ được người đời gọi là "Vạn Nhân Địch".
Bên trên là sáu vị chiến tướng mạnh mẽ nhất trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, không biết trong lòng bạn đọc ai mới là chiến tướng bất bại?
Hoa Anh Thịnh ( Theo Eastday )