Trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Triệu Vân được khắc họa là một chiến tướng vô địch. Ông cùng Quan Vũ, Trương Phi, Mã Siêu và Hoàng Trung được liệt vào danh sách ngũ hổ tướng trong doanh trại Thục Hán.
Triệu Vân là một chiến tướng vô địch thời Tam Quốc |
Trong trận chiến Hán Thủy, Triệu Vân anh dũng kiên cường, khiến quân Tào khiếp sợ, đích thân Lưu Bị phải khen ngợi, trong doanh trại gọi ông là "Hổ uy tướng quân". Danh tiếng của Triệu Tử Long trong dân gian cũng rất tốt, có thể được gọi là hoàn mỹ. Họ nói rằng Triệu Vân đã đóng một vai trò quan trọng trong triều đại Thục Hán và được Lưu Bị trọng dụng. Nhưng thực tế trong lịch sử, Triệu Vân lại không được trọng dụng như lời đồn. Tại sao lại nói như vậy?
Đầu tiên là địa vị thấp. Trong lịch sử hoàn toàn không có danh xưng "Ngũ Hổ tướng", đó hoàn toàn là tình tiết hư cấu trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa". Thực tế là sau khi Lưu Bị xưng vương, Tiền Hậu Tả Hữu bên cạnh ông chỉ có Quan Vũ, Trương Phi, Hoàng Trung và Mã Siêu. Chiến thần vô địch Triệu Vân chỉ được phong làm một Dực Quân tướng quân."Dực" có nghĩa là "phò tá", đủ để thấy địa vị của chức tướng quân này không hề cao, còn danh xưng "Hổ uy tướng quân" chỉ như tiếng sấm trong mưa mà quân sĩ dành cho ông thôi.
Thời Hán Triều, quan chức võ tướng được phân loại như sau: Đứng đầu là Đại tướng quân, thứ hai là Xa Kỵ tướng quân, thứ ba là các vị trí Tiền Hậu Tả Hữu tướng quân, bên dưới nữa là một số cấp độ thấp hơn như Hộ quân, Võ Vệ. Vậy mà chức quan của Triệu Vân còn xếp bên dưới nữa, vì thế địa vị của ông thật sự quá đáng thương.
Ngay cả trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, so với những người cùng thuộc hàng Ngũ Hổ Tướng như Quan Vũ, Trương Phi, Hoàng Trung, Mã Siêu đều là Tiền Hậu Tả Hữu tướng quân, thì chức quan của Triệu Vân thực sự không thể so sánh cùng, chỉ như hữu danh vô thực.
Triệu Vân trí dũng hơn người nhưng lại không được trọng dụng |
Một điểm quan trọng khác nữa là bất kể trong "Tam Quốc Diễn Nghĩa" hay trên thực tế lịch sử, Quan Vũ hay Trương Phi hoặc những người khác đều được làm thống soái một phương, đều thống lĩnh đại quân đi chinh chiến. Ngược lại với Triệu Vân, chỉ được chỉ huy những trận chiến có quy mô không quá lớn như trận chiến Hàn Thủy, hoặc giúp người khác thực hiện những kế hoạch tập kích, chi viện, chứ hoàn toàn không được đặt lên hàng đầu.
Thực sự mà nói trong quân đội Thục Hán, nếu dựa theo mức độ được coi trọng mà nói, đến Ngụy Diên còn hơn Triệu Vân. Sau khi nương nhờ Lưu Bị, Ngụy Diên được phong làm Nha Môn tướng quân, sau đó được giao làm Hán Trung thái thú, được phong Trấn Viễn tướng quân. Đến khi Lưu Bị xưng đế, thì Ngụy Diên được phong làm Trấn Bắc tướng quân, tương đương với chức quan nhị phẩm. Thậm chí nếu thâm niên lâu hơn thì Ngụy Diên có thể được làm Đại tướng quân rồi.
Vậy nên Triệu Vân hoàn toàn không được trọng dụng. Việc Triệu Vân có thực sự là võ lực vô địch hay không tạm thời không bàn tới, nhưng tại sao Lưu Bị lại không trọng dụng Triệu Vân?
Trước khi lâm trung, Lưu Bị đã có nhận xét và truyền di ngôn dặn dò Triệu Vân |
Mọi người đều biết, Lưu Bị rất giỏi nhìn thấu nội tâm, thu phục nhân tài. Nếu không như vậy thì Trương Phi và Quan Vũ đã không một lòng một dạ đi theo ông. Lưu Bị trước khi lâm trung, đã dùng bốn từ để đánh giá Triệu Vân với Gia Cát Lượng:"Bất kham đại nhậm". Ý muốn nói Triệu Vân tuy trí dũng hơn người, nhưng lại trẻ người non dạ, chưa đủ tư cách nắm quyền chỉ huy đại quân.
Cũng trong lúc Lưu Bị truyền lại di ngôn tại Bạch Đế, có dặn dò Triệu Tử Long cùng Gia Cát Lượng một lòng phò tá bảo vệ Lưu Thiện. Có thể thấy Lưu Bị không phải không trọng dụng Triệu Vân, mà muốn Triệu Vân rèn luyện mài giũa thêm để có thể chuyển giao nhân tài cho thế hệ kế cận. Một khi đại nghiệp bắc phạt có thể thành công, thiên hạ thống nhất, Triệu Vân ắt sẽ có được địa vị xứng đáng.
Hoa Anh Thịnh (Theo QQ)