Theo thông tin từ Sở Nội vụ Hà Nội, thành phố sẽ tổ chức xét tuyển thông qua hồ sơ để thăng hạng CDNN giáo viên thay vì thi tuyển như kế hoạch trước đó.
Cụ thể, Sở Nội vụ Hà Nội yêu cầu các đơn vị phối hợp triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến việc xét thăng hạng CDNN cho giáo viên.
Theo Sở Nội vụ Hà Nội, trong những năm qua, thành phố đã quan tâm thực hiện việc nâng ngạch công chức, thăng hạng CDNN viên chức nhằm mục tiêu chuẩn hóa đội ngũ công chức, viên chức theo yêu cầu của vị trí việc làm. Đối với viên chức ngành giáo dục, thành phố đã tổ chức thăng hạng CDNN giáo viên từ năm 2020. Từ năm 2020 đến nay, các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện thăng hạng CDNN giáo viên đã có nhiều thay đổi.
Lương giáo viên khi thăng hạng chức danh nghề nghiệp, trước lúc cải cách tiền lương là bao nhiêu?
Từ ngày 1/7/2023, thực hiện tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức lên mức 1,8 triệu đồng/tháng. Do vậy lương giáo viên cũng đã được điều chỉnh từ thời điểm này.
Lương hiện nay của giáo viên như sau: Ở các bậc Tiểu học, THCS, THPT, lương thấp nhất là 4,212 triệu đồng và cao nhất là 12,204 triệu đồng.
Với giáo viên bậc Mầm non, lương thấp nhất là 3,780 triệu đồng và cao nhất là 11,484 triệu đồng.
Mới đây, Hà Nội và các tỉnh thành tiếp tục tổ chức xét và thi thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II. Lương giáo viên sau khi thăng hạng chức danh nghề nghiệp cao bao nhiêu đang là mối quan tâm của nhiều người.
Theo quy định, giáo viên từ Tiểu học đến THPT nằm trong nhóm bậc 3-6 đang có các mức lương tương ứng từ 4,470-5,945 triệu đồng sẽ được thăng hạng lên bậc 1 hạng II với mức lương mới 7,2 triệu đồng.
Giáo viên Mầm non bậc 1 hạng III lên bậc 1 của hạng II là từ 3,780 lên 4,212 triệu đồng.
Cải cách chính sách tiền lương: Sau thăng hạng chức danh, lương giáo viên cao bao nhiêu?
Trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội chính thức thông qua việc cải cách tiền lương từ 1/7/2024. Theo đó, lương của giáo viên cũng sẽ tăng trong thời gian tới.
Cũng trong kỳ họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã cho biết trước Quốc hội, tiền lương của giáo viên sẽ được ưu tiên xếp cao nhất trong thang bảng lương khối hành chính sự nghiệp khi cải cách tiền lương. Vậy, dự kiến thang bảng lương mới của giáo viên sẽ được xếp thế nào?
Chia sẻ trên Dân Việt, ông Trần Minh Thịnh, Vụ trưởng Vụ Nhà giáo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng: "Thiết kế thang bảng lương theo vị trí việc làm cho công chức, viên chức ngành giáo dục là xứng đáng, tránh tình trạng như lâu nay 'tuổi cao lương càng cao', không hợp lý. Thế nhưng thiết kế tiền lương theo vị trí việc làm cũng phải linh hoạt, tùy từng ngạch, tùy từng bậc. Trong cùng 1 vị trí việc làm cũng cần có sự phân cấp. Muốn tạo ra được sự công bằng trong cách tính tiền lương thì đương nhiên phải đánh giá chất lượng của công chức đó. Muốn đánh giá chất lượng thì đương nhiên phải có thi hoặc xét nâng bậc thăng hạng chức danh nghề nghiệp".
Tương tự, công chức làm ngành giáo dục cũng vậy, có những người cùng dạy một môn, công tác ở 1 vị trí nhưng năng lực chuyên môn khác, thâm niên giảng dạy khác, thì phải thiết kế bảng lương theo vị trí việc làm phù hợp.
"Bởi vậy, tôi cho rằng tới đây dù có cải cách tiền lương thì vẫn cần thi hoặc xét nâng ngạch thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho công chức, viên chức ngành giáo dục, vì mỗi vị trí vẫn nên có cấp bậc khác nhau và tiền lương khác nhau", ông Thịnh chia sẻ thêm.
Trong báo cáo số liệu của Sở Nội vụ Hà Nội từ 33 cơ quan, đơn vị, xét chức danh nghề nghiệp giáo viên năm 2023 có 32.167 hồ sơ đăng ký thăng hạng từ hạng III lên hạng II. Trong đó, giáo viên mầm non là 20.392 người, giáo viên tiểu học là 5.716 người, giáo viên THCS là 2.790 người, giáo viên THPT là 3.269 người. Vừa qua, Sở GD&ĐT Hà Nội có công văn hoả tốc tới các đơn vị trực thuộc Sở. Theo đó, đối tượng xét thăng hạng giáo viên năm 2023 có lưu ý "mở rộng" hơn so với công văn trước đó. Ngay sau khi công văn "hỏa tốc" này được gửi tới các trường, nhiều giáo viên bày tỏ vui mừng vì đã nằm trong danh sách xét thăng hạng năm 2023, thay vì chỉ ưu tiên cho giáo viên cốt cán. |
Bảo An(T/h)