+Aa-
    Zalo

    Sáp nhập 10 tỉnh, 3-4 bộ: Thần chú “khắc nhập, khắc xuất” có ứng nghiệm?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Liên quan đến một số ý kiến cho rằng, có thể sáp nhập khoảng 10 tỉnh và 3-4 bộ, nhiều ĐBQH vẫn còn tỏ ra băn khoăn về tính khả thi.

    Liên quan đến một số ý kiến cho rằng, có thể sáp nhập khoảng 10 tỉnh và 3-4 bộ, nhiều ĐBQH vẫn còn tỏ ra băn khoăn về tính khả thi.

    Tại phiên thảo luận về cải cách bộ máy hành chính của Quốc hội tuần qua, nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) băn khoăn khi nhắc đến câu chuyện tách-nhập các cơ quan, đầu mối.

    ĐBQH Trần Văn Lâm (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang) nêu quan điểm: “Có nơi sau khi chia tách, sáp nhập mất cả quá trình dài để ổn định tổ chức, thiết lập sự đoàn kết, thống nhất nội bộ.

    Do vậy, tôi đề nghị thời gian tới việc này càng phải thận trọng, đặc biệt quyết định thay đổi tổ chức bộ máy phải dựa trên cơ sở vững chắc của nghiên cứu khoa học một cách bài bản, đánh giá, tổng kết vấn đề thấu đáo như tinh thần của Nghị quyết Trung ương 6 vừa rồi đã yêu cầu.

    Đó là phải đảm bảo kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định và đổi mới phát triển. Phải thực hiện những bước đi vững chắc, phải có thí điểm, không nóng vội. Xin hãy để câu chuyện cây tre trăm đốt mãi đi vào cổ tích, câu thần chú "khắc nhập, khắc xuất" không còn ứng nghiệm trong việc chia tách, sáp nhập, cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước của đất nước ta trong giai đoạn hiện nay”.

    ĐBQH Trần Văn Lâm. Ảnh: Quochoi.vn

    ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên) thẳng thắn nói: “Việc sáp nhập các cơ quan, đơn vị thời gian qua thực chất chỉ mang tính cơ học, chưa đáp ứng được mục tiêu của cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước. Thêm nữa, chỉ giảm đầu mối, thực chất tổ chức bộ máy, biên chế không thay đổi. Ví dụ như mô hình bên trong chi cục lại có các đơn vị sự nghiệp trực thuộc với tư cách pháp nhân đầy đủ từ đó làm cho bộ máy tiếp tục cồng kềnh”.

    ĐBQH Nguyễn Ngọc Phương (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) nêu quan điểm, cần phải có lộ trình trong tinh giản biên chế.

    “Nhưng nhập các đầu mối thì phải hết sức cẩn thận. Bài học chúng ta nhập tỉnh và tách tỉnh, nhập học viện Chính trị Quốc gia, học viện Hành chính… nhập vào rồi tách ra, tách ra rồi nhập vào. Vấn đề tách nhập ở các tổ chức là cần phải hết sức thận trọng”, ông nói.

    ĐBQH Cao Đình Thưởng (đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ) thì cho rằng: “Điều quan trọng là việc hợp nhất sáp nhập cơ quan Đảng và Nhà nước cần phải được luật hóa để tránh chồng chéo, nhầm lẫn nhiệm vụ, bao biện làm thay hoặc lấn sân nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Phải tinh gọn thực chất tránh tình trạng như trước đây điều mà dân gian hay nói "tách ra là để chuyên sâu, nhập vào là để giảm đầu mối đi””.

    ĐBQH Phan Viết Lượng (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước) bày tỏ: “Mặc dù qua nhiều lần tiến hành sắp xếp, sáp nhập, chia tách nhưng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ còn chồng chéo đan xen. Điều này dẫn đến sự phân tán trong chỉ đạo điều hành, phân tán trong bố trí sử dụng nguồn lực và dẫn đến đùn đẩy trách nhiệm đối với việc khó, với các sai phạm”.

    Một trong những khó khăn mà ĐBQH Phương Thị Thanh (đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) nêu ra là: Địa phương muốn xây dựng đề án sáp nhập, giải thể một tổ chức nào đó, nhưng đang bị vướng mắc bởi các quy định của  nghị định, thông tư quy định về tổ chức bộ máy. Vì vậy, trong quá trình thực hiện phải xin ý kiến được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền mới được thực hiện.

    Tuy nhiên, bà bày tỏ đồng tình việc sáp nhập tổ chức bộ máy như Văn phòng HĐND, UBND với Văn phòng đoàn ĐBQH, hoặc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã để đảm bảo theo tiêu chí cần được cân nhắc thận trọng.

    “Quan trọng hơn là tạo được sự đồng thuận của đối tượng chịu sự tác động trong quá trình tổ chức thực hiện”, bà nói.

    Trước đó, ĐBQH Phạm Văn Hòa, đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đã nêu đề xuất cá nhân cho rằng, có thể tính toán sáp nhập khoảng 10 tỉnh có quy mô dân số nhỏ. “Nếu đã sáp nhập tỉnh thì cũng có thể sáp nhập khoảng 3-4 bộ để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế hiệu quả”, ông nói.

    Dương Thu

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/sap-nhap-10-tinh-3-4-bo-than-chu-khac-nhap-khac-xuat-co-ung-nghiem-a208087.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.