+Aa-
    Zalo

    Cận cảnh loài động vật mới chưa từng xuất hiện trên thế giới, vừa được phát hiện ở Việt Nam

    (ĐS&PL) - Loài động vật này được ghi nhận tại khu vực Vùng duyên hải Nam Trung Bộ, gồm Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và Ninh Thuận.

    Báo Dân Trí thông tin, theo một báo cáo khoa học được xuất bản trên tạp chí Zootaxa, các nhà khoa học và sinh vật học đến từ nhiều quốc gia đã tiến hành nghiên cứu thực địa tại một số khu rừng ven biển miền Nam Việt Nam trong năm 2023 để khảo sát các loài động vật hoang dã trong khu vực.

    Trong chuyến đi này, các nhà nghiên cứu đã phát hiện hàng chục cá thể rắn lục với đặc điểm nổi bật là đôi mắt màu vàng.

    Cận cảnh cá thể rắn lục mép xanh mới được tìm thấy tại Việt Nam. Ảnh: Nick Poyarkov và các cộng sự

    Cận cảnh cá thể rắn lục mép xanh mới được tìm thấy tại Việt Nam. Ảnh: Nick Poyarkov và các cộng sự

    Điều đặc biệt là một cá thể rắn lục dài khoảng 63cm, được tìm thấy trong khu rừng thuộc tỉnh Ninh Thuận. Cá thể này gây ấn tượng với đôi mắt vàng và cặp môi xanh. Các nhà khoa học đã phát hiện con rắn khi nó đang ẩn mình trên một cây.

    Ban đầu, các nhà nghiên cứu nghĩ rằng đây là một loài rắn đã được biết đến. Tuy nhiên, sau khi khảo sát kỹ lưỡng, họ nhận ra những cá thể này có các đặc điểm khác biệt rõ rệt và thuộc về một loài hoàn toàn mới.

    Rắn lục mép xanh dương (mẫu con cái trưởng thành).  Ảnh: Poyarkov NA

    Rắn lục mép xanh dương (mẫu con cái trưởng thành).  Ảnh: Poyarkov NA

    Các nhà khoa học đã đặt cho loài rắn mới này tên gọi rắn lục mép xanh, với tên khoa học Trimeresurus cyanolabris, trong đó "cyanolabris" bắt nguồn từ tiếng Latin "cyaneus", nghĩa là "xanh sẫm" và "labrum" có nghĩa là "môi", vì những mảng màu xanh đặc trưng trên môi của loài rắn.

    Theo nghiên cứu, loài rắn mới này khác biệt so với các loài rắn lục đã được biết đến về số lượng vảy, màu sắc và mắt. Phân tích DNA cũng cho thấy loài rắn này có ít nhất 6% sự khác biệt về di truyền so với các loài rắn lục khác đã được biết đến.

    Rắn lục mép xanh được xác định là loài có kích thước nhỏ, chỉ dài khoảng 60cm. Loài rắn này có cơ thể dài và mảnh, đầu hình tam giác phân biệt rõ với cổ. Trên mặt của loài rắn này nổi bật với đôi mắt màu vàng, to và sáng.

    Cận cảnh phần đầu một mẫu vật của loài rắn lục mép xanh được các nhà khoa học thu thập. Ảnh: ResearchGate.

    Cận cảnh phần đầu một mẫu vật của loài rắn lục mép xanh được các nhà khoa học thu thập. Ảnh: ResearchGate.

    Loài rắn này có cơ thể màu xanh lá, chuyển sang màu xanh vàng ở hai bên và bụng, đuôi có một vạch màu đỏ tối ở phần cuối. Đúng như tên gọi của loài rắn này, chúng có một vệt màu xanh da trời dọc theo môi, xương hàm và cổ họng.

    Phân tích DNA cho thấy rắn lục mép xanh dương có ít nhất 6% sự khác biệt về di truyền so với các loài rắn lục khác đã được biết đến. Ảnh: Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga

    Phân tích DNA cho thấy rắn lục mép xanh dương có ít nhất 6% sự khác biệt về di truyền so với các loài rắn lục khác đã được biết đến. Ảnh: Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga

    Rắn lục mép xanh sống hoạt động mạnh vào lúc hoàng hôn và trời tối.

    Hiện nay, loài động vật này mới chỉ ghi nhận ở các khu vực thuộc Vùng duyên hải Nam Trung Bộ (Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa và Ninh Thuận). Sinh cảnh sống của loài mới được ghi nhận tại các khu rừng khô nhiệt đới, độ cao từ thấp đến trung bình (khoảng 90-400 m so với mực nước biển), thường sống trên các hốc cây, cây bụi, cây gỗ nhỏ và thảm lá rụng.

    Loài này sống trong các khu rừng khô nhiệt đới, ở độ cao từ 90-400 mét so với mực nước biển và ăn các loài ếch và thằn lằn nhỏ. Ảnh: Species New to Science

    Loài này sống trong các khu rừng khô nhiệt đới, ở độ cao từ 90-400 mét so với mực nước biển và ăn các loài ếch và thằn lằn nhỏ. Ảnh: Species New to Science

    Trước đó, các nhà khoa học từ Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga cùng các cộng sự đã công bố hai loài mới, bao gồm Thằn lằn mù và Thằn lằn giun Núi Chúa, được phát hiện tại Vườn Quốc gia Núi Chúa, tỉnh Ninh Thuận.

    Phát hiện về loài Rắn lục mép xanh dương càng làm nổi bật tầm quan trọng của khu vực rừng nhiệt đới ven biển Nam Trung Bộ, một trung tâm đa dạng sinh học đáng chú ý với sự phong phú về động vật lưỡng cư và bò sát.

    Sinh cảnh sống của Rắn lục mép xanh dương, tại VQG Núi Chúa. Ảnh: Bragin AM

    Sinh cảnh sống của Rắn lục mép xanh dương, tại VQG Núi Chúa. Ảnh: Bragin AM

    Các nhà khoa học sẽ tiếp tục nghiên cứu về phân loại, phân bố, sinh thái và độc tính của các loài Rắn lục châu Á tại Việt Nam. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ triển khai các hoạt động giáo dục bảo tồn, nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về sơ cứu khi bị rắn cắn và bảo vệ các loài rắn tại Việt Nam, VnExpress thông tin.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/can-canh-loai-ong-vat-moi-chua-tung-xuat-hien-tren-the-gioi-vua-uoc-phat-hien-o-viet-nam-a484122.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan