Loài động vật cực kỳ quý hiếm, cả thế giới chỉ Việt Nam có đó chính là Gà lôi lam mào trắng Việt Nam - danh pháp khoa học: Lophura edwardsi - là một loài chim thuộc họ Trĩ (Phasianidae). Đây là một loài gà lôi được phát hiện năm 1964 và đặt tên khoa học chính thức năm 1975, động vật đặc hữu ở miền trung Việt Nam.
Giống gà này có bề ngoài rất đẹp, gà đực trưởng thành có mào lông ở đỉnh đầu màu trắng với mút lông đen; đầu, cổ ngực và trên đuôi đen có ánh tím thẫm. Gà cái trưởng thành có kích thước nhỏ hơn con đực và nhìn chung bộ lông có màu hung nâu tối, chân và da màu đỏ, sừng màu đen.
Giống các loài gà lôi khác, gà lôi lam mào trắng ăn các loại quả, hạt quả, lá, mầm non một số loại cây trong rừng. Ngoài ra chúng ăn thêm giun đất, ốc nhỏ, nhiều loài côn trùng. Loài này thường sinh sống tại các sườn đồi thấp và các thung lũng ven suối có độ cao khoảng 50 - 200m trong các khu rừng ẩm thường xanh nguyên sinh và thứ sinh, ở những nơi có tán rừng có nhiều cọ, mây song và tre nứa nhỏ.
Trước đây, loài động vật xinh đẹp này được mô tả là khá phổ biến tại 4 tỉnh (Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế).
Lần đầu tiên loài gà lôi lam mào trắng được miêu tả là vào năm 1896. Khi ấy, 4 cá thể gà lôi lam mào trắng do các nhà truyền giáo Pháp thu được tại Quảng Trị (mẫu tại Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Quốc gia, Paris, Pháp), theo Tri thức và Cuộc sống,
Loài động vật này được ghi nhận trong tự nhiên gần đây nhất là từ năm 2000. Gà lôi lam mào trắng báo động tuyệt chủng ở một số khu vực khi đã lâu không ghi nhận xuất hiện trong tự nhiên.
Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, tổng số lượng gà lôi lam mào trắng Việt Nam trưởng thành tính cho đến nay (trong điều kiện nuôi nhốt) là dưới 49 con.
Gà lôi lam mào trắng đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam (1992, 2000), IUCN (1996, 2000), Nghị định 18/HĐBT (1992) và Nghị định 48/ NĐ-CP (2002). Sách Đỏ Châu Á (2001). Danh sách các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của công ước CITES. Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ đã được thành lập (1996) nhằm bảo vệ gà lôi lam mào trắng hữu hiệu.
Theo Người đưa tin, mới đây nhất, vào tháng 7/2024, Sách Đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã xếp gà lôi lam mào trắng Việt Nam vào phân hạng CR - Cực kỳ nguy cấp theo tiêu chuẩn D. Nghĩa là loài gà lôi lam mào trắng Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng, hoàn toàn biến mất trong tự nhiên trong một tương lai rất gần, khi quần thể loài này suy giảm đến 90%.
Vào ngày 18/12, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình thông tin mới phê duyệt khoản viện trợ Dự án “Hỗ trợ bảo tồn gà lôi lam mào trắng tại Việt Nam” do Hội Trĩ Thế giới (World Pheasant Association - WPA) tài trợ với số tiền tương đương gần 600 triệu đồng.
Dự án này hướng tới mục tiêu góp phần bảo tồn gà lôi lam mào trắng tại Việt Nam thông qua việc xây dựng chuồng, nhân nuôi bảo tồn gà lôi lam mào trắng tại Trạm nhân nuôi bảo tồn gà lôi lam mào trắng thuộc Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Một thành viên Bảo tồn Thiên nhiên Việt. Thời gian thực hiện dự án đến tháng 12/2024.