Ông Richard C. Johnson, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách hạt nhân và chống vũ khí hủy diệt hàng loạt cho biết: "Chúng ta hiện đang sống trong một thế giới phải đối mặt với nhiều đối thủ hạt nhân, nhiều quốc gia đang phát triển, đa dạng hóa và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của họ”.
Lời phát biểu trên mới được ông Johnson đưa ra tại một hội thảo ở Washington. Vị quan chức cho biết khi môi trường an ninh thay đổi, có thể cần phải điều chỉnh Đánh giá ưu thế hạt nhân năm 2022 để duy trì khả năng răn đe hạt nhân, trong bối cảnh năng lực hạt nhân của Trung Quốc và Nga được tăng cường và khả năng thiếu các thỏa thuận kiểm soát vũ khí hạt nhân.
“Logic cơ bản của răn đe hạt nhân vẫn vững chắc. Mỹ vẫn cam kết răn đe hạt nhân an toàn, bảo mật và đáng tin cậy", ông Johnson nói.
Tuy nhiên, quan chức này lưu ý nỗ lực hiện đại hóa hạt nhân, dù cần thiết nhưng có thể vẫn chưa đủ.
Ông Johnson cho biết Bộ Quốc phòng Mỹ, hợp tác với Cơ quan An ninh Hạt nhân Quốc gia, đã thực hiện các bước để nâng cao năng lực răn đe hạt nhân và tính linh hoạt, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho chương trình hiện đại hóa hạt nhân.
Các yếu tố chính bao gồm phát triển bom trọng lực B61-13, đồng thời tăng cường khả năng sẵn sàng của tàu ngầm lớp Ohio được trang bị vũ khí hạt nhân và chạy bằng năng lượng nguyên tử.
Lầu Năm Góc từng công bố việc phát triển một biến thể mới của bom B61 vào tháng 10/2023, cho biết rằng loại vũ khí này sẽ thay thế một số phiên bản cũ hơn và cung cấp cho Mỹ "các lựa chọn bổ sung để chống lại một số mục tiêu quân sự khó tấn công, diện tích lớn".
Tàu ngầm lớp Ohio cũng được nâng cấp để tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu. Những cải tiến này nhằm đảm bảo rằng lực lượng hạt nhân của Mỹ luôn sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra trong tương lai.
Theo ông Grant Schneider, Phó Giám đốc phụ trách ổn định chiến lược tại Bộ Tham mưu Liên quân Mỹ, Lầu Năm Góc cần hiện đại hóa lực lượng hạt nhân và hệ thống chỉ huy để có thể linh hoạt ứng phó với những thách thức mới đến năm 2030.
Ông Schneider cho rằng việc chuẩn bị cho những kịch bản xung đột tiềm tàng là rất cần thiết.
Động thái điều chỉnh chiến lược hạt nhân của Mỹ diễn ra trong bối cảnh Nga cũng vừa công bố học thuyết hạt nhân mới. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phê duyệt một tài liệu xác định rõ các tình huống mà Moskva có thể sử dụng vũ khí hạt nhân.