Theo bản tin Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, áp thấp nhiệt đới hoạt động ở phía Đông Philippines đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 3 (bão Ma-on).
Hồi 13 giờ ngày 24/8, vị trí tâm bão ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 116,7 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc Biển Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 420km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 170km tính từ tâm bão.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25km và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 39km/giờ).
Cảnh báo mưa lớn: từ chiều ngày 25/8 đến đêm 26/8, ở khu vực Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to và dông kèm gió giật mạnh, lượng mưa phổ biến 100-200mm, có nơi trên 250mm; Thanh Hóa 50-100mm, có nơi trên 150mm.
Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai Nguyễn Hoàng Hiệp đã ký văn bản gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Phú Yên; Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quốc phòng, Thông tin và Truyền thông, Giao thông Vận tải, Ngoại giao… đề nghị triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 3.
Để chủ động ứng phó với bão, Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố; các bộ, ngành chỉ đạo triển khai theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới được xác định từ phía Bắc vĩ tuyến 16,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 115,5 độ Kinh Đông (vùng nguy hiểm được điều chỉnh trong các bản tin dự báo).
Tổ chức theo dõi, kiểm đếm tàu, thuyền đang hoạt động trên biển; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Thông tin, hướng dẫn các chủ cơ sở sản xuất để điều chỉnh kế hoạch sản xuất trên biển, ven biển phù hợp với diễn biến của bão. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Bộ Y tế (Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn) yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi, khu vực miền núi phía Bắc, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ thực hiện các nội dung sau:
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại Công điện số 25/CĐ-QG ngày 22.8.2022 về việc chủ động ứng phó với diễn biến của bão Ma-on.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin để có phương án chuẩn bị phòng, chống.
Tổ chức trực chuyên môn, trực cấp cứu 24/24, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân do mưa, bão gây ra; không để gián đoạn công tác cấp cứu, điều trị cho người dân.
Các tỉnh ven biển, miền núi đề phòng nguy cơ úng lụt, sạt lở đất do mưa bão gây ra. Rà soát kế hoạch phòng chống lụt bão, các phương án bảo vệ các cơ sở y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, sẵn sàng sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng có nguy cơ bị ngập úng, sạt lở đất.
Chỉ đạo các cơ sở y tế thuộc quyền chuẩn bị lực lượng, phương tiện cơ động sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có yêu cầu; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, kịp thời bổ sung lượng dự trữ thuốc, hoá chất, vật tư dự trữ phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Duy trì các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch sốt xuất huyết, dịch Covid-19 trong quá trình tổ chức phòng chống lụt bão.
Bộ Y tế đề nghị các đồng chí Giám đốc Sở Y tế, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và các đơn vị có liên quan khẩn trương, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 3, UBND thành phố các tỉnh ven biển yêu cầu, các sở, ban, ngành thành phố và các quận, huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão.
Khẩn trương rà soát, sẵn sàng thực hiện các phương án, kế hoạch ứng phó với bão, phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai đã được phê duyệt.
Thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để kịp thời cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến.
Chủ động điều tiết nước phòng chống ngập úng, triển khai các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp; sẵn sàng tiêu úng khu vực trũng thấp, khu đô thị và khu công nghiệp.
Kiểm tra, rà soát hệ thống đê điều, công trình phòng chống thiên tai, các công trình cao tầng đang thi công, các khu nhà cũ, yếu, các khu vực núi có nguy cơ sạt lở; sẵn sàng thực hiện xử lý các sự cố theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và tài sản.
Thông tin, hướng dẫn các chủ cơ sở sản xuất để điều chỉnh kế hoạch sản xuất trên biển, ven biển phù hợp với diễn biến của bão.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố) thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về diễn biến của bão, kết quả triển khai thực hiện của các ngành, địa phương và các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai; kịp thời tham mưu UBND thành phố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố các nội dung cần chỉ đạo để ứng phó và khắc phục hậu quả của bão.
Tư Viễn