Theo VietNamNet, chiều 4/9, tại cuộc họp ứng phó với bão số 3 (bão Yagi) do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên Phòng (BĐBP) cho biết, Bộ Tư lệnh BĐBP đã có 2 công điện chỉ đạo BĐBP các tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát nhằm ứng phó với bão số 3 và bổ sung cơ sở vật chất để đón nhân dân tránh trú.
Đại tá Nguyễn Văn Khanh - Phó tham mưu trưởng BĐBP nêu rõ, đơn vị đã yêu cầu BĐBP các tỉnh hỗ trợ địa phương kiểm tra, nắm chắc những địa điểm dễ ngập úng, lũ quét, di dời nhân dân đến nơi an toàn, chằng chống nhà cửa, lồng bè.
Tại các tỉnh như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, TP.Đà Nẵng... là những địa phương có số lượng lớn tàu thuyền. Do đó, BĐBP các địa phương sẽ trực tiếp gặp gỡ các chủ tàu, thuyền, kiên quyết kêu gọi di chuyển để đảm bảo an toàn.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư lệnh BĐBP cũng chỉ ra thực trạng một số ngư dân hoạt động ở vùng biển xa thường dựa vào “kinh nghiệm” của bản thân để tự dự đoán bão, từ đó nhiều trường hợp giữ tư tưởng chủ quan, không chấp hành các hướng dẫn, chỉ đạo của lực lượng chức năng.
Trong khi đó, đại diện Cục Cứu hộ - Cứu nạn (Bộ Quốc phòng) cho biết, trước diễn biến bão số 3, Bộ Quốc phòng đã ban hành 3 công điện cho toàn quân thực hiện ứng phó với bão, gồm: Duy trì ứng trực, tham mưu địa phương rà soát các điểm nguy hiểm, sẵn sàng di dời người dân; sẵn sàng lực lượng để ứng phó khi bão vào...
Báo Công an nhân dân thông tin, theo đại diện Cục Cứu hộ - Cứu nạn, hiện Bộ Quốc phòng đã sẵn sàng hơn 425.000 cán bộ, chiến sĩ với hơn 4.000 lượt phương tiện tàu thuyền, máy bay,... để ứng phó với bão số 3; tích cực chỉ đạo các Quân khu từ 1 đến 5 quyết liệt triển khai các chỉ đạo của Chính phủ, tập trung nỗ lực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương ứng phó với bão.
Trước thực trạng nhiều ngư dân chủ quan trước bão và những cảnh báo, yêu cầu của lực lượng chức năng, đại diện Cục Cứu hộ - Cứu nạn cho rằng vẫn phải tuyên truyền với tinh thần "mưa dầm thấm lâu", đặc biệt là phải tuyên truyền mạnh với các chủ tàu, kiên quyết di dời nhân dân từ nơi nguy hiểm đến an toàn.
Cũng tại cuộc họp, ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai nhấn mạnh, các địa phương cần kiên quyết kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú, trong đó nắm vững thông tin chi tiết từng tàu trong khu vực nguy cơ ảnh hưởng của bão.
Tùy theo diễn biến của bão, chủ động cấm biển, nhất là các tỉnh, thành phố từ Quảng Ninh đến Nghệ An. Kiên quyết không để người dân ở lại trên các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ và có phương án đảm bảo an toàn cho khách du lịch và người dân trên các đảo.
Đối với vùng đồng bằng, ven biển cần rà soát cụ thể, sẵn sàng phương án sơ tán dân đối với nhà ở không đảm bảo an toàn, khu vực trũng thấp cửa sông, ven biển và có phương án cho học sinh nghỉ học trong thời gian bão đổ bộ.