(ĐSPL) - Nhiều ý kiến về nội dung mới của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi đã được đưa ra tại phiên họp thứ 30 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 13/8.
Rút đề xuất tuổi nghỉ hưu
Nhằm đảm bảo cân đối quỹ bảo hiểm hưu trí, dự luật Bảo hiểm xã hội đưa ra tại kỳ họp Quốc hội tháng 6 vừa qua đã đề xuất tăng dần tuổi nghỉ hưu từ năm 2016 cho đến khi nữ đủ 60 và nam đủ 62.
Tuy nhiên, tại phiên họp Thường vụ Quốc hội sáng nay (13/8), đa số đại biểu không đồng tình với đề xuất này. Vì vậy, theo dự thảo mới nhất vẫn giữ nguyên như quy định hiện hành. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của nam vẫn là đủ 60 và nữ là 55. Những trường hợp làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm... được nghỉ trước thời hạn.
Bổ sung lao động dưới 3 tháng tham gia BHXH
Tại phiên họp, đa số các đại biểu đồng ý với việc bổ sung đối tượng lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ hoặc một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia Bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc nhằm mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động khi không còn khả năng lao động. Bởi đây là nhóm lao động có quan hệ lao động nhưng trên thực tế thường bị người sử dụng lao động vận dụng hình thức ký hợp đồng lao động dưới ba tháng để tránh thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm xã hội.
Người lao động theo hợp đồng từ 1 đến dưới 3 tháng phải tham gia BHXH. |
Thể hiện sự đồng tình cao với chủ trương này, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng cho rằng cần phải quan tâm đến chính sách, chế độ cho những người lao động có hợp đồng dưới 3 tháng.
Theo tin tức trên TTXNV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng để đảm bảo tính khả thi, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức công đoàn và bảo hiểm xã hội Việt Nam phải tăng cường tuyên truyền, vận động, đổi mới công tác quản lý, thực hiện khai trình lao động theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Việc làm, Luật Doanh nghiệp; xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội và có biện pháp cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động thực hiện quy định này.
Người không chuyên trách ở xã sẽ đóng BHXH bắt buộc
Về bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường và thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành việc áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho đối tượng này, đồng thời khuyến khích các địa phương, căn cứ vào khả năng ngân sách để hỗ trợ việc thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc đầy đủ 5 chế độ (hưu trí, tử tuất, ốm đau, thai sản, tại nạn lao động và bệnh nghề nghiệp)
Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết, nếu thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc với hai chế độ hưu trí và tử tuất cho nhóm này thì nhà nước sẽ hỗ trợ đóng 14\% mức tiền lương cơ sở và người lao động sẽ đóng 8\% còn lại.
Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý và nhiều ý kiến khác trong Ủy ban thường vụ Quốc hội lại không đồng quan điểm với cơ quan thẩm tra về vấn đề này.
Dẫn lời Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền, báo VTC News cho biết: Qua tiếp xúc cử tri, rất nhiều ý kiến mong muốn được đóng BHXH. Nói là bán chuyên trách nhưng họ làm việc cả ngày, mức phụ cấp lại tuỳ điều kiện kinh tế địa phương, những nơi vùng sâu, vùng xa họ không có chế độ gì, họ thực sự là "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Về lâu dài, nay mai xây dựng Luật chính quyền địa phương phải xem xét, có thể đưa họ vào công chức.
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng kiến nghị việc xử lý vấn đề cán bộ bán chuyên trách xã phường tham gia BHXH theo hướng tiếp cận hiện đại. “Phải trên cơ sở trả lương bao nhiêu thì đóng bấy nhiêu” – ông Đặng Ngọc Tùng nhấn mạnh.
Về điều chỉnh mức hưởng lương hưu hàng tháng, theo tin tức trên VOV, nhiều ý kiến tán thành với phương án điều chỉnh tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng theo lộ trình, từ năm 2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính bằng 45\% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội tương ứng với 15 năm đóng bảo hiểm xã hội của lao động nữ và 20 năm đóng bảo hiểm xã hội của lao động nam. Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2\%, mức tối đa bằng 75\%. Đồng thời, đề nghị quy định lộ trình nâng số năm đóng BHXH của nam giới từ 15 năm lên 20 năm để đạt 45\% mức bình quân tiền lương tháng tính lương hưu. Lộ trình này tạo điều kiện để lao động nam có thời gian thích ứng với các thay đổi chính sách theo hướng cân đối đóng – hưởng như mục tiêu xây dựng Luật đã đặt ra.
Ủng hộ phương án trên, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ông Đặng Ngọc Tùng góp ý thêm: “Cứ áp dụng mức 45\% như hiện nay thì không bao giờ vỡ quỹ miễn đừng lấy quỹ này trả cho người đóng thấp mà hưởng cao”.
Về thời gian áp dụng đóng tiền lương tháng BHXH bắt buộc, nhiều ý kiến tán thành quy định từ ngày 01/1/2018 (dù Luật có hiệu lực từ 1/7/2015) trở đi mới áp dụng cách tính tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên hợp đồng lao động theo pháp luật lao động.
Thảo luận về thời điểm áp dụng cách tính tiền lương, phụ cấp để đóng BHXH, ông Đặng Ngọc Tùng thẳng thắn: “Cứ lấy lý do doanh nghiệp khó khăn thì cuối cùng người thiệt là người lao động. Phải cố thực hiện điều 91 Bộ Luật lao động, để ngày nào lao động thiệt ngày đó. Hứa 2018 thì phải là 2018, không thể kéo dài”.