Bước ra từ chương trình Siêu tài năng nhí phát sóng trên truyền hình vào cuối tháng Bảy vừa qua, câu chuyện của cô bé Phạm Thị Hoàn (13 tuổi) đã “chạm đến trái tim” và lấy đi nước mắt của nhiều khán giả. Bị cha ruột bỏ rơi ngay từ khi mới lọt lòng, Hoàn sống với người mẹ câm điếc và bà ngoại già yếu. Cuộc xoay vần mưu sinh với nghề làm nón tuy vất vả nhưng cô bé “nghệ nhân tý hon” này luôn tràn ngập niềm tin yêu và khát khao “giữ lửa” nghề truyền thống...
Cả mẹ lẫn con bị 2 người đàn ông ruồng rẫy vì... đẻ con gái
Vượt quãng đường gần 30km từ Hà Nội, chúng tôi tìm về thôn Liên Tân, xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP.Hà Nội để gặp em Phạm Thị Hoàn, mọi người vẫn thường hay gọi em bằng cái tên thân thương, “nghệ nhân nhí xuất sắc nhất làng Chuông”. Hỏi dân làng này không ai là không biết hoàn cảnh đặc biệt của gia đình em Hoàn. Nhờ sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân, chúng tôi tìm được đến căn nhà mái ngói đơn sơ nơi gia đình em đang sinh sống.
Thấy có khách đến thăm nhà, bà Trần Thị Hoa (bà ngoại của Hoàn – PV) nở nụ cười hiền hậu mời chúng tôi vào nhà uống nước. Ngồi ngay bên cạnh bà, chị Hương (mẹ của Hoàn – PV) rót nước mời chúng tôi nhưng ú ớ không thành lời. Bà Hoa chia sẻ, gia đình bà 8 đời nay đều mưu sinh bằng nghề làm nón truyền thống. Dù công việc có vất vả, cuộc sống vẫn còn khó khăn, nhưng chưa một giây phút nào bà có ý định bỏ nghề để tìm kiếm một công việc khác.
Gia đình em Hoàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ảnh: Người Đưa Tin Pháp Luật |
Tựa lưng vào tường nhà, hướng ánh mắt về đứa con gái, bà Hoa thở dài kể, chị Hương sinh ra đã không được may mắn như bao bạn bè cùng trang lứa. Chị đã bị bố ruột “hắt hủi” bởi một lý do hết sức vô lý, chị là con gái. Năm chị lên 3 tuổi, một cơn sốt thập tử nhất sinh đã khiến chị bị liệt chân. Tai họa này chưa qua thì hung tin lại ập đến khi bác sĩ kết luận, chị Hương bị mất hoàn toàn khả năng nghe, nói. Sau một thời gian kiên trì uống thuốc, chân chị dần dần đỡ, chỉ có chứng câm điếc là vĩnh viễn không thể chữa khỏi.
“Nhìn đứa con thơ dại thiệt thòi đủ đường, tôi xót xa nhưng chẳng thể làm được gì. Tôi vẫn nghĩ hai vợ chồng tôi có thể đồng lòng, dốc sức bù đắp phần nào những thiệt thòi của con gái. Nhưng nghiệt ngã thay, chưa đầy 1 năm sau ông ấy bỏ mẹ con tôi đi lấy vợ hai, từ đó bặt vô âm tín”, bà
Hoa nghẹn ngào kể.
Từ khi chồng bỏ đi, người đàn bà ấy chưa một lần tìm cách liên lạc vì bà cho rằng, duyên số không thể cưỡng cầu. Cứ thế, hai mẹ con nương tựa nhau, mưu sinh bằng bằng nghề làm nón truyền thống của gia đình. Đến năm 33 tuổi, chị Hương bén duyên và có bầu với một người đàn ông ngoại tỉnh lên Hà Nội làm ăn. Thế nhưng, ông trời một lần nữa lại đưa ra “phép thử” cho gia đình chị, bé Hoàn vừa chào đời lại bị người cha ruột ruồng bỏ, lý do cũng chỉ em là con gái. Nỗi đau chồng chất nỗi đau, bà Hoa dù thương con, thương cháu nhưng đành ngậm đắng nuốt cay, cố gắng mạnh mẽ để làm chỗ dựa cho cả gia đình. Cứ thế, mẹ con, bà cháu cùng đan nón, cậy nhờ nhau mà sống qua ngày.
Những tưởng đi qua bao giông bão sẽ cập bến bình yên, thế nhưng tai họa lại ập đến khi đứa cháu gái nhỏ chưa tròn 5 tuổi bà Hoa phát hiện bị mắc bệnh viêm tuyến sữa dẫn đến hoại tử một bên ngực. Mặc gia đình, hàng xóm khuyên nhủ bà Hoa nhất định không làm phẫu thuật cắt bỏ. Khi hỏi lý do bà thở dài chia sẻ, một phần vì hoàn cảnh khốn khó không có tiền chữa trị, một phần vì tỉ lệ thành công của ca mổ cũng không cao. Người đàn bà này không sợ chết, nhưng bà sợ con gái câm điếc và đứa cháu nhỏ bơ vơ, lạc lõng giữa dòng đời.
Chật vật mưu sinh nhưng quyết “giữ lửa” nghề
Trò chuyện với chúng tôi, Hoàn cho biết, em sinh ra trong gia đình có truyền thống nên dường như “lửa nghề” đã ngấm vào máu em từ khi còn bé. Lên 5 tuổi, em đã được bà và mẹ dạy cho những kỹ thuật đan nón truyền thống. Bà Hoa chia sẻ: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cháu cũng phải tập làm nón để mưu sinh từ tấm bé.
Đến giờ cháu đã thành thục hầu hết tất cả các khâu làm nón từ vức vòng, quay nón, thắt nón, nức nón,... Đặc biệt trong gia đình tôi cháu là người thắt nón khéo léo nhất”.
Xong công đoạn khâu chùm, Hoàn hồ hởi khoe chúng tôi một chiếc nón vừa hoàn thành. Cầm chiếc nón trên tay, chúng tôi không khỏi trầm trồ vì độ tinh xảo, “không dư đến 1mm chỉ” dù tất cả chỉ làm bằng tay.
Kỳ công là thế nhưng lời lãi chẳng được bao nhiêu, một chiếc nón hoàn chỉnh được bán với giá 80.000 đồng, trừ hết chi phí thì tiền lãi còn lại 50.000 đồng. Tính ra số tiền hàng tháng của gia đình Hoàn thu được nhờ vào nghề làm nón chỉ gần 2 triệu đồng, đây cũng là nguồn thu nhập chính nuôi sống ba mảnh đời trong suốt nhiều năm nay. Với số tiền thu nhập ít ỏi từ nghề làm nón, cả nhà em Hoàn dù ăn uống dè sẻn vẫn trong cảnh thiếu trước hụt sau.
Bữa cơm hàng ngày của gia đình ba người phụ nữ chỉ có đĩa rau, một chút lạc rang. Nếu hôm nào đi chợ mua 30 nghìn đồng tiền thịt thì phải ăn 2 ngày. Tuy cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng em Hoàn vẫn siêng năng học tập và đạt nhiều thành tích tốt. Như để chứng minh cho thành tích học tập của mình, Hoàn chạy vào trong tủ mang ra một tập giấy khen, em hớn hở khoe từ lớp 1 đến lớp 7 năm nào em cũng được giấy khen học sinh Giỏi. Hướng mắt nhìn bà ngoại và mẹ, em nghẹn ngào:
“Nhìn thấy bà đau yếu liên miên, sức khoẻ mẹ cũng yếu, em thương lắm. Em sẽ cố gắng chăm chỉ học để sau cho bà và mẹ không còn khổ nữa”.
Bà Tạ Thị Nhung – làm công tác Văn hoá - Xã hội ở UBND xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội cũng cho biết: “Gia đình em Hoàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thuộc hộ nghèo của xã. Vừa qua, em tham gia chương trình Siêu tài năng nhí và được các nghệ sĩ trao học bổng giá trị hơn 60 triệu đồng. Với trường hợp của gia đình, xã cũng làm trợ cấp cho bà Phạm Thị Hoa (bà ngoại Hoàn – PV) nhận bảo trợ thương tật 1.800.000 đồng/tháng, còn cô Phạm Thị Hương (mẹ Hoàn -PV) cũng được nhận hỗ trợ người khuyết tật là 525.000 đồng mỗi tháng”. |
Phương Ly
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống & Pháp luật số thứ Hai (131)