Từ khi sinh ra, cháu Đỗ Bảo An ở thôn Sông Công (sinh năm 2016, xã Trung Giã, Sóc Sơn, Hà Nội) đã phải gánh chịu căn bệnh não úng thủy quái ác. Nhìn con vật vã trong đau đớn, gia đình chỉ biết gạt đi giọt nước mắt bất lực để bươn chải, kiếm tiền chữa trị với hi vọng còn nước còn tát…
Nhìn cháu An dù đau đớn nhưng lặng lẽ ngồi chơi, PV ĐS&PL bất giác thấy xót xa |
Hạnh phúc ngắn chẳng tày gang
Mỗi khi nhắc đến hoàn cảnh gia đình cháu Đỗ Bảo An, người dân thôn Sông Công, xã Trung Giã, Sóc Sơn chỉ biết thở dài thương xót khi cháu phải “làm bạn” với những cơn đau “xé thịt” dù tuổi đời còn quá nhỏ.
Theo chân một cán bộ xã, PV ĐS&PL đến gia đình cháu An. Đó là căn nhà đơn sơ nằm khuất trong con ngõ nhỏ vắng người qua lại. Rảo bước chân dọc theo ngõ nhỏ, nhìn những mái nhà đơn sơ, mộc mạc cùng không gian có chút gì đó u buồn, tâm trạng chúng tôi bỗng nặng nề hơn. Người đón tiếp chúng tôi là bà Đỗ Thị Gia và cháu An. Thấy có người lạ, An rụt rè ngước đôi mắt ngấn lệ ngơ ngác. Dáng người nhỏ bé, gương mặt xanh xao, cau có vì đau đớn của An khiến tim chúng tôi như bóp nghẹt. Căn nhà cấp 4 của gia đình chỉ vỏn vẹn khoảng 20m2 đã có dấu hiệu xuống cấp với những mảng tường hoen ố, bong tróc nhiều nơi. Không gian chật hẹp, phòng khách của gia đình cũng được tận dụng làm phòng ngủ với hai cái giường được kê sát nhau. Đây là nơi sinh hoạt chung của đại gia đình bà (ba thế hệ cùng chung sống- PV) suốt nhiều năm qua: “Vợ chồng tôi, vợ chồng thằng Sơn (con trai bà Gia-PV) và hai cháu nhỏ đều ở đây. Tôi và các con cũng muốn sửa lại căn nhà cho rộng rãi để gia đình sinh hoạt được thoải mái hơn nhưng lực bất tòng tâm bởi điều kiện kinh tế không cho phép”.
Theo bà Gia, dù ba thế hệ cùng sống chung một mái nhà nhưng không ai cảm thấy phiền hay xảy ra mâu thuẫn gì bởi các thành viên đều biết nhường nhịn, san sẻ cho nhau. “Hoàn cảnh gia đình tôi không được may mắn như người khác. Đã nghèo còn mắc cái eo. Ngày xưa, chúng tôi phải chạy vạy khắp nơi để chữa trị cho Sơn (bố cháu An- PV), giờ đây cả gia đình làm đủ mọi cách để kiếm tiền chữa bệnh cho cháu trai”.
Vỗ về đứa cháu tội nghiệp đang nép trong lòng, bà cho biết, An là con đầu lòng của vợ chồng anh Đỗ Văn Sơn (SN 1992) và chị Ngô Thị Quý (SN 1994). Lúc mới chào đời, An bụ bẫm, khỏe mạnh và phát triển bình thường như bao đứa trẻ khác. Kể từ khi cháu An ra đời, căn nhà tuy chật chội nhưng luôn đầy ắp niềm vui, tiếng cười. Tưởng chừng cuộc sống êm đềm cứ thế trôi qua cho đến một ngày, An liên tục quấy khóc bất thường nên gia đình đưa đi khám và chết lặng khi biết tin cháu mắc căn bệnh hiểm nghèo: Não úng thủy.
Nén nỗi đau vào tận đáy lòng, bà Gia bỏ công việc bán nước để trông cháu và động viên các con làm việc cật lực kiếm tiền chạy chữa cho An. Nhìn đôi vai gầy run run cùng những giọt nước bất lực mắt lăn dài trên gương mặt người bà khắc khổ, chúng tôi bỗng cảm thấy xót xa vô cùng. Không nén được nỗi đau, bà thở dài rồi chia sẻ trong xót xa: “Ước gì tôi có thể thay cháu gánh chịu nỗi đau này. Có lúc cháu đang bình thường bỗng lịm đi. Tôi phải đưa cháu ra sân cho thoáng hoặc đưa đi cấp cứu. Mỗi lúc thấy cháu đau đớn, tôi chỉ biết chảy nước mắt”.
Nhìn những giọt mồ hôi đang chảy dài trên gương mặt nhăn nhó của An, chúng tôi hiểu được “chú lính chì dũng cảm” đang khổ sở vô cùng. Như muốn nói việc bị đau, An ngước nhìn chúng tôi và ê a vài từ vô nghĩa. “Cháu dù đã lên 4 nhưng vì căn bệnh này nên chưa biết nói, biết đi. Hàng ngày tôi phải ẵm cháu để vợ chồng con trai yên tâm đi làm”, bà Gia tâm sự.
Chỉ mong phép màu đến với con
Đang lặng lẽ nép trong lòng bà, An bỗng nhiên nhổm dậy, ánh mắt hướng về phía cửa. Nở nụ cười đôn hậu, bà Gia cho biết, con trai bà, anh Sơn đã đi làm về.
Sửa lại mái tóc có phần lộn xộn, anh Sơn tâm sự, số anh đã khổ nên chẳng mơ đến cuộc sống an nhàn hay sung sướng chỉ mong con được khỏe mạnh, sống vui tươi nhưng không ngờ tai ương lại đến. “Cuộc đời tôi vốn dĩ đã khổ từ nhỏ. Khi mới sinh ra, tôi khuyết đi hậu môn, gia đình mất bao nhiêu tiền của để tôi phẫu thuật. Khi An ra đời lành lặn, tôi hạnh phúc lắm. Ngờ đâu, ông trời lại bắt cháu phải chịu căn bệnh quái ác này”, anh Sơn buồn rầu nói.
Làm nghề xe ôm, dù thương con nhưng với thu nhập không ổn định, anh Sơn không biết làm cách nào ngoài việc cố gắng nhiều hơn. Từ khi An bị bệnh, anh gần như cả ngày ngoài đường, chắt góp từng đồng tiền ít ỏi để trang trải cuộc sống và chữa bệnh cho con. “Ngày xưa, tôi bị bệnh, không được đi học nên không biết chữ. Ngoài công việc chạy xe ôm, tôi không biết làm gì khác. Nhiều lúc cũng thấy tủi thân, bất lực nhưng vì con tôi phải cố gắng”, anh Sơn thở dài.
Theo anh Sơn chia sẻ, vợ anh, cũng chỉ học đến lớp 7 rồi nghỉ học, làm thuê cho đến tận bây giờ nên kinh tế khá eo hẹp. Hàng tháng, bao nhiêu tiền của mà vợ chồng tích góp được đều dành hết cho việc chữa trị, thuốc thang cho An. “Thuốc thang cho con hàng tháng cũng tốn khoảng hơn 2 triệu. Vì vậy, thi thoảng chúng tôi mới mua ít thịt, cá về cải thiện bữa ăn. Còn lại đa số, bữa cơm của gia đình chỉ có rau và ít trứng”, anh Sơn bộc bạch.
Cố gắng kiềm chế xúc động, anh Sơn cho biết dù thế nào cũng phải cứu con: “Tôi sẵn sàng nhịn đói, sống khổ nữa cũng được. Chỉ mong sao con mình được chữa trị, không còn đau đớn”.
Trao đổi với PV ĐS&PL, ông Đỗ Văn Hào, Trưởng thôn Sông Công: “Hoàn cảnh gia đình bà Gia rất khó khăn, người con trai và con dâu không có công ăn việc làm ổn định, cháu Đỗ Bảo An lại mắc bệnh như vậy, chúng tôi cũng xót lắm, thương lắm. Những ngày lễ Tết, chúng tôi vẫn cho những phần quà để động viên, giúp đỡ phần nào đó cho gia đình bà Gia”. |
Tôi sẽ cố đi làm để kiếm tiền chữa bệnh cho cháu Dưới cái nắng như thiêu của một trưa tháng Bảy, ông Trần Văn Chi (ông nội cháu An) cũng vừa đi làm về. Ở cái tuổi đáng lẽ phải được an hưởng tuổi già nhưng ông vẫn phải làm thuê để kiếm từng đồng phụ giúp con trai chữa bệnh cho cháu: “ ôi năm nay cũng đã lớn tuổi nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, cháu An lại bị bệnh nên hàng ngày ai thuê bốc vác tôi đều nhận. Dẫu có đau mỏi đấy nhưng không sao. Vì con, vì cháu tôi chịu được hết, miễn sao cháu tôi được khỏi bệnh”. |
Uông Đàm Linh
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số 113