(ĐSPL) - Chỉ đúng một ngày trước khi có quyết định chính thức nắm giữ chức vụ Chánh án TAND huyện Thanh Liêm (Hà Nam), ông Nguyễn Duy Hiệp (39 tuổi, thẩm phán, quyền Chánh án TAND huyện Thanh Liêm) bất ngờ bị bắt giữ để điều tra về hành vi nhận hối lộ.
Tuy nhiên, điều khiến người dân địa phương không ngờ là, Hiệp vướng vòng lao lý khi chèo kéo và “chạy án” cho một bị cáo vốn xuất thân trong gia đình thuộc diện nghèo của huyện Thanh Liêm.
|
Cơ quan điều tra VKSND Tối cao tiến hành bắt đối tượng Hiệp. |
Gục ngã “trước cửa thiên đường”
Theo tìm hiểu của PV báo Đời sống và Pháp luật, nguyên cớ ông Hiệp bị bắt giữ để điều tra bắt đầu từ việc năm 2008, khi đó, UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt dự án làm đường tại thôn Thanh Bồng, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm. Lúc này, tổ kiểm kê, xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ tái định cư được thành lập, do Vũ Thị Nguyệt (30 tuổi) làm tổ trưởng, Đỗ Đức Tuân (29 tuổi) là thành viên. Ngoài ra có Đinh Quang Hưng (lao động tự do, trú tại xã Thanh Nghị, Thanh Liêm) được thuê xây lắp giếng khoan ống nước.
Theo đó, trong quá trình kiểm kê đền bù tài sản, Nguyệt và Tuân đã cấu kết với Đinh Quang Hưng khai khống số lượng giếng khoan tại hạng mục B2B, chiếm đoạt của Nhà nước hơn 24 triệu đồng rồi chia nhau. Sự việc bị phanh phui, cơ quan điều tra (Công an huyện Thanh Liêm) đã khởi tố 3 đối tượng này về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Sau đó, VKSND huyện Thanh Liêm cũng truy tố các đối tượng về tội danh này và chuyển sang TAND huyện Thanh Liêm. Lúc đó, ông Nguyễn Duy Hiệp là thẩm phán được giao thụ lý xét xử vụ án này.
Thông qua lời giới thiệu của một cán bộ trong huyện, Đỗ Đức Tuân đã đến TAND huyện Thanh Liêm gặp Nguyễn Duy Hiệp xin thỏa hiệp. Tại đây, Hiệp đồng ý và hứa lo cho Tuân mức án thấp nhất. Đầu tiên, Hiệp yêu cầu Tuân nộp 80 triệu đồng để lo chi phí. Nhưng một thời gian sau, Hiệp lại gọi Tuân lên và yêu cầu nộp thêm tiền vì cho rằng chừng đó chưa đủ. Cuối cùng Hiệp đã nhận của gia đình Tuân tổng cộng 235 triệu đồng.
Ngày 12/6/2014, vụ án được đưa ra xét xử. Tòa tuyên Nguyệt 15 tháng tù, Tuân nhận 12 tháng tù còn Hưng được tuyên vô tội.
Bức xúc vì “tiền mất tật mang”, Tuân và bố đã nộp đơn tố cáo Hiệp. Nhận được báo cáo của VKS tỉnh Hà Nam, cơ quan điều tra của VKSND Tối cao lập tức vào cuộc. Quá trình xác minh tài liệu hồ sơ và lời khai nhân chứng, thấy có đầy đủ chứng cứ về tội nhận hối lộ, ngày 30/6, cục Điều tra của VKSND Tối cao đã bắt Nguyễn Duy Hiệp và khám xét nơi ở cũng như nơi làm việc của vị quan tòa này.
Bước đầu, Hiệp đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình. Cơ quan điều tra cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Duy Hiệp về tội nhận hối lộ. Điều đáng nói, nếu không xảy ra vụ bắt giữ này, chỉ đúng một ngày sau, ngày 1/7, Nguyễn Duy Hiệp sẽ chính thức giữ chức vụ làm Chánh án TAND huyện Thanh Liêm sau một thời gian dài giữ chức vụ quyền Chánh án.
Ngoài việc nhận tiền để tuyên nhẹ tội cho bị cáo Đỗ Đức Tuân, cơ quan điều tra cũng đang xúc tiến điều tra các dấu hiệu nghi vấn trong việc TAND huyện Thanh Liêm tuyên trắng án cho đối tượng Đinh Quang Hưng.
Theo tìm hiểu của PV, trong quá trình xét xử vụ tiêu cực tại dự án làm đường thôn Thanh Bồng, ông Nguyễn Duy Hiệp, với tư cách quyền Chánh án huyện và thẩm phán thụ lý vụ án đã một mực cho rằng Hưng không có tội. Trong khi đó, VKSND tỉnh Hà Nam và VKSND Tối cao cùng giữ quan điểm Hưng có phạm tội. Tuy vậy, khi xét xử vụ án, vị Chánh tòa huyện vẫn tuyên Đinh Quang Hưng trắng án. Theo ông Hiệp, Hưng không có chức vụ mà chỉ là lao động tự do, được thuê tham gia dự án, không thể phạm tội "lợi dụng chức vụ...".
Cơ quan điều tra cho biết, VKSND huyện Thanh Liêm đã có quyết định kháng nghị đối với phần tuyên án dành cho bị cáo Đinh Quang Hưng và đề nghị tuyên bị cáo này có tội trong phiên xử phúc thẩm. Ngoài ra, cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ động cơ của Hiệp trong việc tuyên Hưng không có tội.
|
Đối tượng Nguyễn Duy Hiệp. |
Trò câu kéo của vị quyền Chánh án
Nhằm tìm hiểu thêm thông tin liên quan đến vụ việc, PV báo Đời sống và Pháp luật đã tìm về làng Thòng, xã Thanh Tân, huyện Thanh Liêm để tìm gặp bố con ông Đỗ Minh Tý và Đỗ Đức Tuân – hai người được cho là bị quyền Chánh án Nguyễn Duy Hiệp “gợi ý chạy án” với số tiền 235 triệu đồng.
Trao đổi với PV, ông Tý cho biết: “Cứ tưởng với số tiền trên, con tôi (Tuân) sẽ được hưởng mức án thấp nhất như Hiệp đã hứa. Nếu biết trước là phải chịu 12 tháng tù giam thì gia đình tôi cũng chẳng phải chạy đôn chạy đáo, vay mượn tứ xứ để gom tiền cho anh ta. Hơn nữa, nếu không có sự gợi ý của cán bộ TAND huyện Thanh Liêm, cũng như bản thân anh Hiệp thì gia đình tôi cũng chẳng biết đâu mà lần”.
Theo trí nhớ của ông Tý, khoảng cuối tháng 5/2013, sau khi gia đình nhận được bản cáo trạng của VKSND huyện Thanh Liêm, gia đình ông và bản thân Tuân đã viết đơn trình bày hoàn cảnh và gửi lên TAND huyện Thanh Liêm. Cụ thể ông Tý đã gửi cho anh D., người vốn được biết đến là thư ký của TAND huyện Thanh Liêm. Khoảng 10 ngày sau, Tuân có nhận được một cuộc điện thoại, yêu cầu xuống trụ sở Tòa án huyện có người cần gặp. Sau đó, trở về nhà, Tuân nói lại với bố mình rằng: “Anh Hiệp bảo với con rằng về nói với gia đình chuẩn bị 80 triệu đồng để sau này khi xét xử sẽ có thuận lợi”. Nghe thế, cả gia đình ông Tý đã bàn nhau đi vay mượn anh em họ hàng đủ số tiền Hiệp nói và đưa lên trụ sở TAND huyện và đưa trực tiếp cho vị quyền Chánh án.
Lần thứ hai, vào khoảng cuối tháng 6/2013, Tuân lại nhận được “trát” từ tòa. Khi trở về anh này có về nói lại với bố mình: “Anh Hiệp bảo phải thêm 170 triệu đồng nữa thì mọi chuyện mới suôn sẻ hơn, tức là tòa sẽ xét mức án thấp nhất”. “Nói thật lúc đó tôi cũng rất hoảng bởi trước đó đã phải đi vay mượn khắp nơi mới đủ 80 triệu đồng, giờ thêm 170 triệu đồng thì không biết kiếm ở đâu. Tuy nhiên trước lời hứa của Hiệp, chúng tôi cũng chỉ biết nghe theo, mặc dù trong nhà không còn một đồng bạc lẻ” – ông Tý cho biết thêm.
Cũng theo ông Tý, để có tiền đưa cho Hiệp, không còn cách nào khác, gia đình ông đã phải mang sổ đỏ đi thế chấp ở ngân hàng để vay tiền chạy chọt cho con. Sau bốn ngày “vật lộn” xoay tiền, gia đình ông chỉ lo được 155 triệu đồng mang xuống đưa cho vị quyền Chánh án. ông Tý cho biết: “Cầm số tiền đó, tôi có nói với Hiệp: “Nói thật với anh, chúng tôi đã cố gắng hết mức mới chỉ lo được tầm này. Mong anh thông cảm”. Nghe thế, Hiệp chỉ nói: “Thôi được rồi, chú và em cứ để tôi lo””.
Cũng theo ông Tý, phải qua ba lần hoãn tòa, đến lần thứ tư, phiên tòa lưu động xét xử vụ án lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ được mới được tiến hành tại hội trường UBND xã Thanh Nghị.
Nói về quá trình đòi lại số tiền mà trước đó gia đình đã “trót” đưa cho Hiệp để chạy án, ông Tý cho hay: “Chiều 26/6, tôi đến gặp Hiệp tại TAND huyện Thanh Liêm và trình bày nguyện vọng gia đình từ sau hôm xử án 12/6. Sau khi nghe xong, Hiệp nói: “Chúng cháu không còn cách nào khác nên phải tuyên án như thế. Tuy nhiên, bác yên tâm chúng cháu sẽ tác động thêm”. Khi Hiệp nói thế, tôi đã đề nghị Hiệp tác động thêm để Tuân có cơ hội làm ăn và lo cho gia đình. Sau đó, tôi có nói về số tiền đã đưa cho Hiệp trước đó và nói xin lại số tiền này. Hiệp đã rất vui vẻ và nói: “Chúng cháu sẽ bố trí gửi lại cho gia đình số tiền trên”. Hiệp có nói số tiền này cháu đã chi phí một ít. Và hẹn gia đình tôi vào cuối tuần sau sẽ trả”.
Bị cáo Đỗ Đức Tuân, người nhận lại 185 triệu đồng do Hiệp trao trả, kể lại: “Sáng 30/6, tôi tới thì anh Hiệp có nhắn với anh D. bảo tôi vào phòng của một chị nấu ăn của TAND huyện, chút nữa có việc cần gặp. Nghe thấy thế, tôi cũng đi vào. Một lúc sau, anh Hiệp có vào nói: “Tuân ơi! Thật sự anh cũng muốn giúp em nhưng không còn cách nào khác. Số tiền 50 triệu anh đưa lên cấp trên thì không lấy lại được. Còn 30 triệu anh chuyển lên tỉnh thì anh cho em. Trước gia đình em đưa cho anh 235 triệu đồng, giờ anh trả lại 185 triệu đồng coi như xong. Thôi em cứ cầm tiền về đưa cho bố đi. Đừng kiện cáo gì mà bất lợi cho anh”.
Hiện vụ việc vẫn đang được điều tra làm rõ.
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/quyen-chanh-an-cau-keo-an-tung-dong-bac-le-cua-gia-dinh-bi-cao-a40232.html