Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên tổ chức tuyên truyền chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), hướng dẫn mở tài khoản chi trả DVMTR cho các chủ rừng thuộc lưu vực thủy điện Nậm Núa.
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới, thuộc khu vực đầu nguồn của sông Đà, sông Mã, sông Mê Kông. Tổng diện tích tự nhiên của tỉnh là 954.125 ha, trong đó diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp 694.753 ha, chiếm 72,8% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; diện tích đất có rừng tính đến ngày 31/12/2019 là 403.135,64 ha; tỷ lệ che phủ của tỉnh năm 2019 của tỉnh 42,25%.
Toàn tỉnh hiện có 4.322 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nằm trong lưu vực có diện tích cung ứng DVMTR. Những năm qua, thực hiện chính sách chi trả DVMTR không chỉ giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng mà còn góp phần tăng thu nhập, tạo động lực để người dân gắn bó với rừng. Đến nay, Quỹ tỉnh đã tuyên truyền, vận động 2.156 chủ rừng mở tài khoản để nhận tiền chi trả DVMTR/4.322 chủ rừng, đạt trên 50% số chủ rừng được cung ứng tiền DVMTR.
Lưu vực thủy điện Nậm Núa nằm trên địa bàn các huyện Điện Biên, Điện Biên Đông và thành phố Điện Biên phủ là lưu vực mới. Sau khi UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt kết quả ranh giới lưu vực và diện tích rừng trong lưu vực, Quỹ tỉnh đã tiến hành rà soát các chủ rừng đủ điều kiện chi trả DVMTR và tổ chức xây dựng Kế hoạch số 366/QBVR-BĐH, ngày 07/10/2020; Số 368/QBVR-BĐH, ngày 08/10/2020 của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên về tuyên truyền chính sách chi trả DVMTR, hướng dẫn mở tài khoản chi trả DVMTR cho các chủ rừng trên địa bàn huyện Điện Biên Đông và thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Điện Biên phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, UBND các xã tổ chức tuyên truyền các nội dung văn bản liên quan đến chính sách chi trả DVMTR, hướng dẫn làm thủ tục mở tài khoản chi trả DVMTR, cụ thể: Huyện Điện Biên Đông tổ chức được 03 buổi, với sự tham gia của 114 lượt người, làm thủ tục mở tài khoản được 13 tài khoản cộng đồng và 74 tài khoản hộ gia đình, cá nhân; Thành phố Điện Biên Phủ tổ chức được 06 buổi, với sự tham gia của 186 lượt người, làm thủ tục mở tài khoản được 185 tài khoản.
Tuyên truyền tại Phường Noong Bua, thành phố Điện Biên Phủ |
Tại buổi tuyên truyền, các đồng chí cán bộ Quỹ tỉnh đã truyền tải các nội phổ biến các văn bản quy định về chính sách chi trả DVMTR như: Loại DVMTR, nguyên tắc chi trả DVMTR của Luật Lâm nghiệp; Mức chi trả DVMTR theo Nghị định 156/2018/NĐ-CP...; Tuyên truyền lợi ích từ việc chi trả tiền DVMTR qua hệ thống tài khoản Ngân hàng Chings sách xã hội và các ngân hàng thương mại trên địa bàn.
Cùng với việc được tiếp nhận thông tin mới trong thực hiện chính sách chi trả DVMTR, chủ rừng còn được hướng dẫn cách quản lý, sử dụng tiền chi trả DVMTR có hiệu quả. Hình thức tuyên truyền trực tiếp giúp chủ rừng có thể đặt câu hỏi về những vấn đề, nội dung còn thắc mắc, chưa hiểu rõ. Cán bộ tuyên truyền giải thích về chính sách, qua đó cũng hiểu hơn tâm tư, ý kiến đóng góp của người dân tại các buổi tuyên truyền để tham mưu với lãnh đạo Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đề xuất, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Cán bộ Quỹ và Ngân hàng CSXH hướng dẫn chủ rừng đủ điều kiện chi trả làm thủ tục mở tài khoản |
Qua các buổi tuyên truyền trực tiếp, các chủ rừng đã có những kiến thức cơ bản về chính sách chi trả DVMTR, nắm được nguồn gốc của tiền DVMTR, cách thức, hình thức chi trả tiền DVMTR; giải đáp được những thắc của người dân như: Tổng số tiền DVMTR thay đổi theo từng năm, đơn giá chi trả của từng năm cho 1 ha rừng là khác nhau. Nhiều ý kiến của đại diện chủ rừng rất mong muốn thời gian tiếp theo sẽ có nhiều đợt tuyên truyền đến từng cộng đồng để người dân hiểu rõ hơn về các chính sách chi trả DVMTR.
Cùng với việc tổ chức các buổi tuyên truyền trực tiếp, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau như: xây dựng chuyên mục chi trả dịch vụ môi trường vì tương lai xanh phát thường kỳ 1 số/tháng trên Đài PT-TH tỉnh, các bài viết trên báo Trung ương, địa phương…để người dân dễ dàng hiểu thêm về các chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
H.T