Cây bút chuyên về chính sách đối ngoại Josh Cohen của Reuters cho rằng Mỹ cần phải nhìn nhận rõ một điều: Dù cho bất cứ mâu thuẫn nào giữa Mỹ và Nga đang tồn tại, một mối quan hệ hòa dịu với Moscow luôn có lợi cho Washington.
TT Trump từng bị chỉ trích là "điệp viên của Điện Kremlin"
Trong chiến dịch tranh cử của mình, những phát biểu đầy thiện cảm mà Tổng thống Donald Trump dành cho người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã khiến nhóm chính trị truyền thống của Washington buông lời chỉ trích nhà tỷ phú là "điệp viên của Điện Kremlin" hay mỉa mai ông Trump chỉ là một “ tên khờ có lợi” cho người Nga.
Nhưng 100 ngày đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Trump đã chứng minh rằng những cáo buộc trên hoàn toàn không phải sự thật. Sau khi Mỹ ra lệnh tấn công tên lửa vào Syria, rõ ràng Washington và Moscow đang rơi vào nguy cơ một cuộc xung đột khắc nghiệt, theo Reuters.
Quan hệ tốt với Nga, Mỹ chỉ có lợi mà không có hại? |
Washington đã đổ lỗi cho Nga về vụ tấn công hóa học ở Syria trong khi Moscow cáo buộc ngược lại Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế khi tấn công căn cứ quân sự của chính quyền Assad, đồng thời đình chỉ kênh liên lạc "tránh xung đột" trên không giữa hai nước.
Ông Trump nói rằng, mối quan hệ Mỹ-Nga dường như đang ở ngưỡng thấp nhất trong lịch sử, trong khi ông Putin thừa nhận, mối quan hệ này đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức.
Trong khi những chính khách "diều hâu" của đảng Cộng hòa và thậm chí một số đảng viên đảng Dân chủ đã ca ngợi thái độ cứng rắn của Trump với Nga thời gian qua, ngược lại cây bút chuyên về chính sách đối ngoại Josh Cohen của Reuters lại cho rằng Mỹ cần phải nhìn nhận rõ một điều: Dù cho bất cứ mâu thuẫn nào giữa Mỹ và Nga đang tồn tại, một mối quan hệ hòa dịu với Moscow luôn có lợi cho Washington.
Với kho vũ khĩ hạt nhân của cả hai lên tới con số khổng lồ: 14.000. Một khi xung đột xảy ra, không chỉ Nga-Mỹ bị xóa sổ mà một phần thế giới cũng bị liên lụy với những hậu quả không tưởng.
Cả hai bên đều đang hiện đại hóa vũ khí hạt nhân theo chiều hướng nguy hiểm hơn và nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh hạt nhân vô tình cũng đang gia tăng.
Cohen cho rằng Tổng thống Trump dường như là người đã quên mất điều này, trong khi các hiệp ước về giảm trừ vũ khí hạt nhân giữa hai nước đang trở nên lỗi thời.
Theo Cohen, nếu Tổng thống Trump thực sự hướng theo chính sách đối ngoại "nước Mỹ là trên hết", ông ta nên tập trung vào việc giảm nguy cơ chiến tranh hạt nhân Mỹ-Nga có thể nổ ra. Và điều này chỉ có hiệu quả nếu Washington chịu đàm phán với Moscow.
Ngoài ra, nếu nhìn theo chiều hướng tích cực, hai nước đang có nhiều vấn đề đòi hỏi một sự hợp tác chung để giải quyết thay vì đối đầu nhau một cách vô ích.
Bên cạnh cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu, Mỹ cũng cần Nga giúp đỡ một phần nào đó trong các cuộc khủng hoảng lớn đang diễn ra tại một số điểm nóng trên thế giới.
Ví dụ, ở Syria, mối quan hệ giữa Moscow với Chính phủ Assad đang cho thấy, Mỹ sẽ không có giải pháp nào chấm dứt cuộc nội chiến mà không có bàn tay của Nga sắp đặt nội tình, đặc biệt nếu chính quyền Trump muốn Tổng thống Assad rời khỏi chiếc ghế quyền lực.
Nga đã tăng cường liên kết kinh tế với Bình Nhưỡng trong những năm gần đây và là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ có thể giúp đỡ hoặc cản trở bất kỳ nỗ lực nào của Mỹ trong việc áp đặt trừng phạt Triều Tiên về kinh tế hoặc chính trị.
Nga nắm trong tay một trong những chìa khóa giúp Mỹ giải quyết vấn đề Triều Tiên. |
Việc Moscow chặn lại bản dự thảo trong việc lên án vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên một lần nữa chứng tỏ khả năng ảnh hưởng không nhỏ đến những quyết định của Mỹ.
Bên cạnh đó, Washington và Moscow cũng chia sẻ lợi ích chung trong việc giảm nguy cơ một cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và NATO ở châu Âu.
Tuy nhiên, các kênh liên lạc Nga-Mỹ đã ngừng trệ kể từ khi Nga sáp nhập Crimea. Điều này làm tăng nguy cơ, thậm chí một sự cố nhỏ giữa hai bên có thể vượt qua tầm kiểm soát dẫn đến xung đột.
Lý do cuối cùng, Cohen cho rằng, Washington sẽ là bên chịu thiệt nặng nề nhất một khi Nga và Trung Quốc liên thủ chống lại nước này
"Ngoại giao Tam giác"
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Ngoại trưởng Henry Kissinger đã theo đuổi cái gọi là " Ngoại giao Tam giác", nơi mà Washington tìm cách phát triển quan hệ tốt đẹp hơn với cả Bắc Kinh và Moscow thay vì để hai cường quốc này có cơ hội xích lại gần nhau.
Tuy nhiên, sự suy thoái hiện nay trong mối quan hệ Mỹ-Nga có thể đưa đẩy Nga rời vào vòng tay Trung Quốc, làm cho Mỹ trở thành "người đàn ông lẻ loi" trong khuôn khổ "tam giác ngoại giao" mới.
Với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong vai trò một đối thủ địa chính trị hàng đầu của Mỹ trong những năm tới, Washington nên cố gắng tránh tình huống này - và một mối quan hệ Nga-Mỹ được cải thiện có thể là giải pháp tốt nhất.
Trên thực tế, đang có những rào cản lớn tồn tại trong nỗ lực xây dựng lại quan hệ với Moscow. Nhiều nhân vật cấp cao của Trump - chẳng hạn như đề cử vị trí đại sứ Mỹ tại NATO Richard Grenell, chuyên gia về Nga trong Hội đồng An ninh Quốc gia - Fiona Hill và Cố vấn An ninh Quốc gia McMaster đều là những gương mặt "chống Nga" nhiều hơn ông Trump tưởng.
Cohen cũng chỉ ra rằng, cuộc điều tra đang tiếp diễn về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử đã làm cho Trump khó có thể theo đuổi mối quan hệ tốt đẹp hơn với Moscow, ngay cả khi ông muốn.
Một số suy đoán nói rằng lập trường cứng rắn của ông Trump về chính quyền Assad xuất phát từ việc nhà lãnh đạo Mỹ muốn giải tỏa những nghi ngờ nói rằng ông đang quá thân thiết với Nga.
Nhưng ngay cả khi Trump có thể vượt qua những trở ngại này ở Washington, vẫn không có gì bảo đảm ông có thể đồng ý với Tổng thống Putin về nhiều vấn đề chính giữa hai nước. Từ hệ phòng thủ tên lửa cho đến Syria hay Ukraine, quan điểm của hai bên dường như là quá xa để một "cây cầu" có thể nối lại gần.
Quốc Vinh