Lực lượng cứu hộ, cứu nạn Yên Bái đã tìm thấy thi thể của phóng viên Đinh Hữu Dư, người bị lũ cuốn trôi sau khi cầu Thia bị gãy sập. Nhiều người cho rằng, có thể xem xét công nhận Liệt sĩ đối với trường hợp này.
Chiều ngày 13/10, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy xác nhận, các cơ quan chức năng, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của tỉnh đã tìm thấy thi thể của nhà báo Đinh Hữu Dư, phóng viên thường trú TTXVN tại tỉnh, bị lũ cuốn trôi khi tác nghiệp tại khu vực cầu Thia (thị xã Nghĩa Lộ) vào trưa 11/10.
Theo ông Duy, thi thể của anh Dư được tìm thấy tại khu vực thành phố Yên Bái, cách nơi xảy ra sự cố theo đường suối hàng trăm km.
Cầu Thia bị sập khiến nhiều người rơi xuống sông |
Hiện tại, lực lượng chức năng và gia đình đang tiến hành làm các thủ tục cần thiết cho việc đưa thi thể anh Dư về quê mai táng.
Tại buổi làm việc với tỉnh Yên Bái, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng đề nghị TTXVN tặng bằng khen và các chế độ phù hợp theo quy định cho phóng viên Đinh Hữu Dư.
Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, Luật sư Lê Hồng Hiển (đoàn Luật sư Hà Nội) chia buồn với gia đình PV Dư và TTXVN. Dưới góc độ pháp lý, luật sư Hiển cho rằng, Nhà nước đã có các quy định rất rõ về việc công nhận Liệt sĩ.
Theo đó, tại 1 Điều 11 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 04/2012/UBTVQH13 quy định:
Liệt sĩ là người đã hy sinh vì sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc vì lợi ích của Nhà nước, của nhân dân được Nhà nước truy tặng Bằng "Tổ quốc ghi công" thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Chiến đấu hoặc trực tiếp phục vụ chiến đấu; Trực tiếp đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận có tổ chức với địch.
Hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tra tấn vẫn không chịu khuất phục, kiên quyết đấu tranh hoặc thực hiện chủ trương vượt tù, vượt ngục mà hy sinh;
Làm nghĩa vụ quốc tế;Đấu tranh chống tội phạm. Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh; dũng cảm cứu người, cứu tài sản của Nhà nước và nhân dân;
Do ốm đau, tai nạn khi đang làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ở địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;
Khi đang trực tiếp làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do cơ quan có thẩm quyền giao;
Trực tiếp làm nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu hoặc diễn tập phục vụ quốc phòng, an ninh có tính chất nguy hiểm;
Thương binh hoặc người hưởng chính sách như thương binh quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 19 của Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13 chết vì vết thương tái phát;
Người mất tin, mất tích trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản 6 Điều 1 Pháp lệnh 04/2012/UBTVQH13.
Theo luật sư Hiển, các cơ quan chức năng cần xem xét cụ thể về trường hợp của PV Dư để đảm bảo quyền lợi chính đáng nhất để bù đắp một phần nào đó sự hy sinh, cống hiến của PV này.
Phóng viên bị cuốn trôi khi tác nghiệp trong lũ dữ ở Yên Bái. Ảnh: Trang cá nhân của anh Đinh Hữu Dư. |
Liên quan đến câu chuyện này, nhiều ý kiến đề nghị, xem xét công nhận liệt sĩ đối với Nhà báo Đinh Hữu Dư.
Theo điểm e khoản 1 Điều 11 Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng số 04/2012/UBTVQH13 quy định: Dũng cảm thực hiện công việc cấp bách, nguy hiểm phục vụ quốc phòng, an ninh thì được công nhận là liệt sĩ.
Đối chiếu với điểm này có thể thấy phóng viên Dư được lãnh đạo phân công đi tác nghiệp ghi nhận tình hình mưa lũ trên địa bàn, trong bối cảnh mưa to gió lớn, PV Dư cùng đồng nghiệp không quản ngại thực hiện nhiệm vụ được giao.
Những phóng viên tác nghiệp tại những nơi nguy hiểm như hỏa hoạn, cháy nổ, bão lụt... là những người rất dũng cảm. Họ thực hiện nhiệm vụ để chuyển tải thông tin đến với người dân nhằm cung cấp cho xã hội những thông tin khách quan đa chiều. Trong trường hợp PV Dư các cơ quan chức năng cần xem xét công nhận liệt sĩ để ghi nhận sự đóng góp cũng như hy sinh của PV.
Tại Điều 3, 4, 5 Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân quy định về thủ tục xác định liệt sỹ như sau: + Giấy báo tử (Mẫu LS1); + Giấy tờ làm căn cứ cấp giấy báo tử: Do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy báo tử trong thời gian 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, có trách nhiệm: Kiểm tra, xác minh, cấp giấy báo tử và chuyển hồ sơ xác nhận liệt sĩ đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, có trách nhiệm kiểm tra và có văn bản đề nghị kèm hồ sơ gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để thẩm định. Trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, có trách nhiệm thẩm định hồ sơ, lập tờ trình và danh sách kèm theo trình Thủ tướng Chính phủ cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”; Trong thời gian 10 ngày kể từ ngày nhận Bằng “Tổ quốc ghi công”, có trách nhiệm chuyển hồ sơ kèm Bằng “Tổ quốc ghi công” đến cơ quan đề nghị thẩm định để trả về cơ quan, đơn vị cấp giấy báo tử. Cơ quan, đơn vị cấp giấy báo tử trong thời gian 15 ngày kể từ ngày nhận Bằng “Tổ quốc ghi công” và hồ sơ, có trách nhiệm thông báo cho thân nhân liệt sĩ và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thân nhân liệt sĩ cư trú tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ, trao Bằng “Tổ quốc ghi công”, sau đó bàn giao hồ sơ xác nhận liệt sĩ về sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi gia đình liệt sĩ cư trú để thực hiện chế độ. |
Xuân Hòa