(ĐSPL) - Bệnh thủy đậu là bệnh khá lành tính nhưng một số trường hợp có thể biến chứng nặng gây viêm phổi, não…Vì vậy, các bậc phụ huynh có con nhỏ không nên chủ quan.
Bệnh thủy đậu là gì?
Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm do virus Varicella zoster gây ra, bệnh chủ yếu ở trẻ em, nhưng cũng không ít người lớn vẫn mắc bệnh này, bệnh thường bùng phát thành dịch vào mùa xuân khi thời tiết ẩm ướt là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Bệnh có thể lây lan qua sự đụng chạm đến ban ngứa từ người bị thuỷ đậu hoặc qua những giọt nước nhỏ trong không khí từ miệng hay mũi của một người bị nhiễm. Bệnh phát triển trong vòng 10 – 21 ngày sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm bệnh. Khi đã mắc thủy đậu, cần cách ly ít nhất 5 - 7 ngày bởi dịch thường xảy ra trong nhóm thân cận gia đình, trường học.
Triệu chứng bệnh
Bệnh thủy đậu sẽ xuất hiện 10 - 14 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh. Ban đầu, ở trẻ em sẽ có biểu hiện sốt nhẹ, trẻ có thể biếng ăn, còn ở người lớn thường kèm sốt cao, đau đầu, nôn ói, cảm giác ngứa ngáy ở vị trí mụn mọc. Mụn nước nổi ở vùng đầu mặt, chi và thân, mụn nước xuất hiện rất nhanh trong vòng 12 - 24 giờ, có thể nổi toàn thân. Kích thước của mụn khoảng từ l - 3 mm đường kính, chứa dịch trong, tuy nhiên những trường hợp nặng mụn nước sẽ to hơn hay khi nhiễm thêm vi trùng mụn nước sẽ có màu đục do chứa mủ. Sau 2 – 3 ngày nữa, các mụn sẽ đóng vẩy, rụng dần nhưng nếu bị nhiễm trùng mụn nước có thể để lại sẹo.
Biến chứng
Mặc dù thủy đậu là bệnh lành tính nhưng nếu chủ quan thì bệnh có thể bị nặng, gây biến chứng nguy hiểm.
Biến chứng nhẹ của bệnh là bị nhiễm trùng da nơi mụn nước mọc, vi trùng có thể xâm nhập từ mụn nước vào máu gây xuất huyết ở các mụn thủy đậu.
Một số bệnh nhân biến chứng nặng như viêm phổi, viêm não, viêm thận, viêm gan…Đây là các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng hay để lại di chứng sau này.
Đối với phụ nữ mang thai nếu mắc bệnh thủy đậu sẽ rất dễ bị biến chứng nặng. Nếu mang thai ở 3 tháng đầu có thể gây sẩy thai, hoặc trẻ sinh ra dễ bị dị tật bẩm sinh: đầu nhỏ, bại não, sẹo bẩm sinh. Còn nếu bị trong những ngày sắp sinh hay sau sinh trẻ bị lây bệnh sẽ rất nặng với mụn nước nổi nhiều và dễ bị biến chứng
Cách xử lý
Khi thấy trẻ có các triệu chứng của bệnh cần cho trẻ đi đến các cơ sở y tế khám bệnh và chữa trị kịp thời. Không nên tự ý dùng thuốc mà phải theo chỉ dẫn của bác sĩ. Trẻ bị bệnh cần được chăm sóc đúng cách:
- Cho trẻ nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, mặc quần áo sạch sẽ, giữ vệ sinh cá nhân để phòng ngừa nhiễm trùng thêm
- Ăn uống tăng cường chất bổ để tạo sức đề kháng cho cơ thể, lựa chọn đồ ăn dễ tiêu
- Dùng thuốc hạ sốt nhưng lưu ý tuyệt đối không dùng aspirine.
- Khi lau người cho trẻ bằng nước ấm chú ý lau bằng vải mềm, không làm vỡ bóng nước.
- Cắt ngắn móng tay cho trẻ, dạy trẻ không được gãi, trẻ nhỏ nên được đeo găng tay để không tự làm vỡ bóng nước.
- Mặc quần áo dài để che kín các nốt thủy đậy, tránh để ruồi muỗi đậu vào
- Cách ly trẻ bệnh khoảng 5 – 7 ngày để tránh lây lan.
- Có thể dùng các thuốc chống virus: Acyclovir, Vidarabin, Lamivudin…hoặc một số thuốc chống ngứa
Cách phòng ngừa bệnh
Cách phòng bệnh tốt nhất là cho trẻ đi tiêm ngừa vắc xin chống thủy đậu. Vì đây là loại vắc xin có hiệu quả cao và lâu dài, giúp cơ thể tạo kháng thể chống lại virus thủy đậu. Tất cả trẻ em từ 9 tháng tuổi trở lên và người lớn đều có thể chích ngừa với loại thuốc này.
Ngoài ra, khi trong gia đình, trường học, công sở...có người bị bệnh thì cần cách ly bệnh nhân 7 - 10 ngày để tránh lây lan cho cộng đồng, tránh tiếp xúc với người bệnh trong giai đoạn đó. Nếu trẻ ở độ tuổi đi học, khi mắc bệnh phải nghỉ học và người lớn phải nghỉ làm 1 -2 tuần nhằm phóng tránh lây bệnh cho người xung quanh.
Minh Gianh (Tổng hợp)
Xem thêm clip Gia cảnh cậu bé lớp 7 mồ côi nuôi anh chị: