Trước tình hình bệnh bạch hầu vẫn diễn biến phức tạp, một bộ phận người dân đã đổ dồn đi tiêm vắc-xin. Tuy nhiên, chuyên gia y tế cho rằng, không nên quá hoang mang, lo lắng để tránh tụ tập, không đảm bảo phòng chống dịch Covid-19 và một số bệnh truyền nhiễm khác.
Lo lắng vì bệnh bạch hầu, người dân TP.HCM kéo nhau đi tiêm vắc-xin. |
Nở rộ nhu cầu phòng bệnh
Trong một tháng qua, bệnh bạch hầu đã lan rộng đến 4 tỉnh Tây Nguyên với hơn 70 trường hợp dương tính, 3 ca tử vong. Vì thế, nhiều người dân tại TP.HCM cũng có tâm lý lo lắng, kéo nhau đi tiêm vắc-xin phòng bệnh. Chị Lê Thị Bạch Mai (28 tuổi, công nhân) lo lắng: “Thấy nhiều người bị bệnh bạch hầu, tôi cùng gia đình đến trung tâm Y tế phường Tân Thuận Tây (quận 7, T.HCM) để tìm hỏi tiêm vắc-xin. Nhưng cán bộ cho biết không có vắc-xin dịch vụ. Chỉ có loại nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia miễn phí dành cho trẻ em. Lên trung tâm y tế quận 7 hỏi thì nhận được thông báo, tất cả vắc-xin liên quan tới bạch hầu đã hết sạch, phải qua tuần sau mới có hàng nhập về”.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Tạo (56 tuổi, mẹ chồng của chị Mai) cũng bày tỏ nỗi bất an: “Trẻ con trong nhà đã được tiêm vắcxin đầy đủ ngay từ lúc sinh ra. Chỉ có người lớn là chưa từng được tiêm gì nên chúng tôi có phần không yên tâm”.
Tại viện Pasteur TP.HCM, những ngày đầu tháng Bảy luôn đã đông nghẹt người đến đăng ký tiêm vắc-xin bệnh bạch hầu. Tới thời điểm này, đơn vị này chỉ còn các loại vắc-xin như INFANRIX HEXA và HEXAXIM (6 trong 1) niêm yết giá 970.000 đồng/mũi, TETRAXIM (4 trong 1) giá 480.000 đồng/mũi, BOOSTRIX (4 trong 1) giá 700.000 đồng/mũi. Còn nhân viên tư vấn của hệ thống trung tâm tiêm chủng VNVC cho hay, do nhu cầu tiêm vắc-xin bạch hầu thời gian này rất cao, có thể khan hiếm bất cứ lúc nào. Hiện nay, trung tâm này phải nhập vắc-xin liên tục mỗi ngày mới kịp cung ứng. Nếu chịu giá chênh lệch thêm 20%, vắc-xin sẽ được giữ cho khách hàng, bảo quản ở trung tâm trong vòng 12 tháng.
Đại diện ban giám đốc VNVC nhận định, thời gian gần đây, lượng khách hàng có nhu cầu tiêm loại vaccine bạch hầu tăng đột biến. Cụ thể, mỗi ngày, trung tâm tiếp đón hàng chục nghìn lượt khách trên toàn hệ thống, tăng gấp ba lần so với trước. Số cuộc gọi về tổng đài tư vấn tăng 2.000 lần, trước đây chỉ vài cuộc gọi về bạch hầu, nay tăng đặc biệt. Đối tượng chủ yếu là gia đình cùng đi tiêm và nhóm người đang đi làm, di chuyển nhiều và tiếp xúc với nhiều người. Nhóm gia tăng chủ yếu là người lớn vì họ đã có những khoảng trống trong tiêm chủng trong thời gian dài.
Hiện, VNVC đang còn vắc-xin 3 trong 1 BOOSTRIX (xuất xứ Bỉ) giá 735.000 đồng/liều. Loại này tiêm được cho cả người lớn và trẻ em. Vắc-xin 6 trong 1 INFARIX HEXA của Bỉ (dành cho trẻ hai tháng tuổi trở lên) giá 1.015.000 đồng/liều. Cuối cùng là vắc-xin 4 trong 1 TETRAXIM giá 458.000 đồng/liều (dành cho trẻ từ 2 tháng tới 13 tuổi).
Không nên quá hoang mang
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp Luật, Ths, BS Lê Hồng Nga - Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM) - cho hay, bệnh bạch hầu lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác. Người không có miễn dịch bảo vệ nếu tiếp xúc với người có mầm bệnh sẽ bị cảm nhiễm, có khả năng bị bệnh.
Tại TP.HCM, hằng năm, tỉ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em đều đạt trên 95%. Có thể khẳng định, miễn dịch cơ bản của người dân sống ở TP đã được phổ quát suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, Thành phố có số lượng dân nhập cư khá lớn và có thể họ không được bảo vệ. Bản thân họ cũng mang theo trẻ em chưa được tiêm chủng đầy đủ. Đó là những đối tượng làm tăng số người bị cảm nhiễm. Cho nên, nguy cơ xuất hiện ca nhiễm bệnh bạch hầu tại TP.HCM vẫn tồn tại nhưng ở mức khá thấp.
Đại diện trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM cũng nói thêm, số liệu tính toán, quản lý được chỉ là tỉ lệ tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, tức là bắt đầu từ năm 1981 thực hiện thí điểm và năm 1986 triển khai toàn quốc. Mặc dù như vậy nhưng chưa có số lượng người lớn (chưa tiêm chủng mở rộng) bị cảm nhiễm. Những người chưa được tiêm chủng hoàn toàn đều 40 tuổi trở lên.
“Cộng đồng dân cư TP.HCM hầu hết đều đã được bảo vệ. Nên những người chưa tiêm chủng từ nơi khác đến thì nguy cơ nhiễm bệnh của họ cũng không cao. Khác với cộng đồng không ai được tiêm vắc-xin phòng bệnh. Ngoài tiêm chủng còn có các biện pháp dự phòng khác, người dân thành phố không nên quá hoang mang, kéo nhau đi tiêm vắcxin”, BS Nga chia sẻ. Ngành y tế vẫn khuyến khích tiêm chủng định kỳ, trẻ em sau khi tiêm 3 mũi cơ bản sẽ tiêm mũi nhắc khi 18 tháng. Trước khi đi học tiểu học và trước khi kết thúc trung học cơ sở (từ 12 – 15 tuổi) sẽ được tái tiêm chủng 1 mũi tiếp theo. Sau đó, cứ mỗi 10 năm sẽ tái chủng một liều cho người lớn. Nếu chúng ta có tiền sử tiêm chủng sẽ hình thành ký ức miễn dịch, kháng thể vẫn còn trong cơ thể.
Bác sĩ Nga thông tin thêm, trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19, công tác tiêm chủng bị tạm ngưng, nay đã được khôi phục bình thường theo hướng dẫn của bộ Y tế. Để vừa đảm bảo an toàn tiêm chủng vừa phòng chống dịch, các cơ sở tiêm chủng được yêu cầu tuân thủ các tiêu chí về mặt vệ sinh, giãn cách,... Người đến tiêm chủng được đề nghị đăng ký theo khung giờ, đảm bảo không tập trung đông người.
Biến chứng nguy hiểm nếu không phát hiện sớm Bác sĩ Nguyễn Trần Nam - Trưởng khoa Nhiễm (bệnh viện Nhi đồng TP.HCM) - cho biết, khi người bệnh hoặc người mang vi khuẩn bạch hầu ho hoặc hắt hơi sẽ làm văng vi khuẩn ra môi trường xung quanh, người khác hít phải hoặc đụng dính dịch tiết rồi đưa tay lên mũi, mặt. Một đường lây truyền khác hiếm hơn là dịch tiết chứa vi khuẩn dính vào vết xước ở da. Bệnh bạch hầu do vi khuẩn bạch hầu gây ra với độc tố cực kỳ mạnh (ngoại độc tố) có khả năng gây nên các thể bệnh như bạch hầu họng, bạch hầu thanh quản, bạch hầu mũi, bạch hầu ác tính... Riêng bạch hầu ác tính gây viêm cơ tim, suy tim cấp. Nếu chủ quan, phát hiện muộn, không khẩn trương cấp cứu, khả năng tử vong rất cao. Do đó, biện pháp phòng bệnh bạch hầu hiệu quả nhất hiện nay là chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh đầy đủ. Song, việc tiêm chủng vắc-xin bạch hầu không mang lại miễn dịch suốt đời, vì vậy việc tiêm nhắc cho trẻ lớn và người lớn là cần thiết. |
Hà Nhân
Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số 112