Trong 24 mẫu sinh phẩm từ người nhà và hàng xóm của bệnh nhân bạch hầu đầu tiên cuả tỉnh Gia Lai, thì 9 mẫu cho kết quả dương tính.
Nhiều chốt chặn được lập tại các vùng dịch để ngăn ngừa dịch bệnh. Ảnh: Người Đưa Tin |
Chiều 5/7, ông Mai Xuân Hải – Giám đốc Sở Y tế Gia Lai cho biết, tính tới nay, Gia Lai đã ghi nhận 10 ca nhiễm bệnh bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong là cháu V. (4 tuổi, trú tại làng Bông Hiot, xã Hải Yang, huyện Đak Đoa).
9/24 người tiếp xúc gần với bệnh nhi V. được xác định dương tính với bệnh bạch hầu, gồm có cha, mẹ của bệnh nhi, các ca còn lại là họ hàng, người quen ở làng Bông Hiot.
“Việc bệnh nhi V. đã được tiêm vắc xin bạch hầu vào tháng 3/2018 nhưng vẫn nhiễm bệnh này là do tỉ lệ thành công chỉ đạt 80%”, một cán bộ Sở Y tế Gia Lai cho biết.
Trước đó, ngày 3/7, Bệnh viện nhi Gia Lai tiếp nhận bệnh nhân V. trong tình trạng sốt, ho, đau họng. Theo kết quả xét nghiệm vào ngày hôm sau, cháu V. bị bệnh bạch hầu.
Mặc dù các bác sĩ tỉnh Gia Lai đã nỗ lực cứu chữa nhưng bệnh nhân V. đã tử vong lúc 2h30 sáng 5/7 do bạch hầu thanh quản ác tính tổn thương đa cơ quan.
Trước tình hình dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, sáng 5/7, đoàn công tác của Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên cùng ngành Y tế tỉnh Gia Lai đã khảo sát và triển khai các biện pháp khẩn cấp chống dịch.
Trước mắt, đoàn tập trung khám sàng lọc và điều trị kháng sinh dự phòng cho toàn bộ người dân xã Hải Yang. Ngoài ra, tiến hành điều tra dịch tễ, khoanh vùng các trường hợp có tiếp xúc gần với bệnh nhân hoặc nghi ngờ mắc bệnh để lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm khẳng định.
Tại khu vực cửa ngõ ra vào làng Bông Hiot, huyện Đak Đoa đã thành lập chốt kiểm dịch, hạn chế người ra vào để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
Theo báo VnExpress, TS Đặng Thị Thanh Huyền, Phó Trưởng Văn phòng Chương trình tiêm chủng quốc gia, cho biết: Qua điều tra kết quả tiêm chủng của các trường hợp mắc bệnh bạch hầu cho thấy hầu hết không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vaccine phòng bệnh, trong đó có những trường hợp đã tiêm 3-4 mũi nhưng vẫn mắc bệnh.
Lý giải điều này, thạc sĩ Huyền cho biết các trường hợp này sau một thời gian khả năng miễn dịch đã giảm. Hơn nữa, nhóm những người lớn tuổi có thể chưa tiêm vaccine trước đây hoặc đã tiêm nhưng quá lâu nên khả năng miễn dịch giảm. Vì vậy tỷ lệ mắc bệnh ở những người lớn đang có dấu hiệu tăng lên.
Trước tình hình dịch bệnh bạch hầu diễn biến phức tạp, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế vừa tổ chức lớp tập huấn công tác điều trị bệnh dịch bạch hầu, sốt xuất huyết và Covid-19 cho các bệnh viện khu vực Tây Nguyên.
Tại lớp tập huấn, ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, lưu ý, đây là bệnh lây nhiễm theo đường hô hấp nên các bệnh viện phải chuẩn bị khu vực cách ly, có thể sử dụng khu vực cách ly đã chuẩn bị cho dịch Covid-19, rà soát các phương tiện phòng hộ, thuốc, vật tư, trang thiết bị để thu dung, điều trị ca bệnh, hạn chế lây nhiễm và tử vong. Cùng với đó, tăng cường công tác tiêm chủng vaccine, tăng độ bao phủ, tiêm vét, tiêm bổ sung; tổ chức uống thuốc phòng dịch cho người dân ở khu vực có dịch.
Bên cạnh đó, các chuyên gia khuyến cáo, các triệu chứng bệnh bạch hầu rất rõ ràng nhưng dễ bị nhầm lẫn và bỏ qua bởi nhiều năm nay, các ca mắc bệnh hiếm. Nếu có dấu hiệu ho, sốt, sổ mũi kèm lẫn máu, họng có màng trắng đục thì người bệnh nên nghĩ đến bạch hầu đầu tiên và đi khám ngay.
Việc phát hiện và điều trị kịp thời đóng vai trò rất quan trọng. Trong vòng 24-48 tiếng sau khởi phát triệu chứng, độc tố bạch hầu chưa phóng thích ồ ạt, thì can thiệp bằng kháng sinh chống nhiễm khuẩn và huyết thanh trung hòa độc tố sẽ phát huy tác dụng. Bệnh thuyên giảm dần, không xảy ra các biến chứng nghiêm trọng.
Mộc Miên (T/h)