Phán quyết của PCA bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh liên quan đến “đường 9 đoạn” có thể tác động đến tranh chấp biên giới Arunachal Pradesh giữa Ấn Độ-Trung Quốc.
Binh sĩ Ấn Độ tại khu biên giới tranh chấp Arunachal Pradesh. |
Ngày 14/7, báo “The Economic Times” đưa tin phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) có trụ sở ở La Hay (Hà Lan) bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh liên quan đến yêu sách “đường 9 đoạn” có thể tác động đến tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ-Trung Quốc ở khu vực Arunachal Pradesh.
Báo trên lập luận, không chỉ tuyên bố chủ quyền lịch sử trên biển, Trung Quốc còn tuyên bố chủ quyền lịch sử đối với bang Arunachal Pradesh, nhất là ở Tawang (lãnh thổ thuộc Ấn Độ), mà Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng. Tuyên bố yêu sách này là trung tâm của cuộc tranh chấp biên giới kéo dài hàng thập kỷ giữa Ấn Độ và Trung Quốc.
Nhà phân tích chiến lược về Trung Quốc Claude Arpi nói: "Lần đầu tiên, một phán quyết quốc tế đã bác bỏ một trong vô số yêu sách của Trung Quốc. Điều này có thể quan trọng đối với Ấn Độ. Phán quyết quan trọng nhất của PCA là bác bỏ yêu sách 'đường 9 đoạn'".
Trong khi đó, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học JNU (Ấn Độ), Giáo sư Srikanth Kondapalli cho rằng yêu sách lịch sử của Trung Quốc không được áp dụng đối với Arunachal Pradesh. Ông Kondapalli cho biết thêm, Hội nghị Simla năm 1914 đã thảo luận và nhất trí phân định biên giới Ấn –Trung theo đường MacMahon, nhưng ý định này đã không được thúc đẩy thành một hiệp ước theo luật pháp quốc tế. Vì vậy, lập luận lịch sử không thể được mở rộng đến Arunachal Pradesh. Điều này là cơ sở để Ấn Độ đấu tranh với Trung Quốc về vấn đề thị thực và giải quyết tranh chấp chủ quyền đối với khu vực Arunachal Pradesh.
Nguồn: TTXVN
Xem thêm video tin tức: [mecloud]HfkbtTb1gx[/mecloud]