+Aa-
    Zalo

    Ông Võ Kim Cự trao đổi về Formosa: "Tôi rất buồn và đau"

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Từ những diễn biến mới liên quan việc xả thải của Formosa, phóng viên Tiền Phong đã liên hệ làm việc với ông Võ Kim Cự, đại biểu Quốc hội khóa 14.

    Từ những diễn biến mới liên quan việc xả thải của Formosa, phóng viên Tiền Phong đã liên hệ làm việc với ông Võ Kim Cự, đại biểu Quốc hội khóa 14 (hiện là Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh).

    Cá chết dạt vào bờ biển huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình (ảnh lớn). Ông Võ Kim Cự (ảnh nhỏ). Ảnh: AFP - Lê Anh Đạt.

    Khoảng 6h sáng Chủ nhật, 24/7 (sau một tuần kể từ ngày đặt lịch làm việc), ông Cự liên lạc lại với chúng tôi đồng ý gặp tại phòng làm việc (số 4 Dương Đình Nghệ, Hà Nội). Nội dung cuộc trao đổi gần 4 tiếng đồng hồ nhằm làm rõ những thông tin về Formosa và cá nhân ông Võ Kim Cự, những từ khóa mà bạn đọc cả nước đang quan tâm.

    Chắc ông suy nghĩ kỹ về việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói sẽ nhắc ông không nên né tránh báo chí?

    Tôi lúc nào cũng sẵn sàng tiếp báo chí. Nhưng, một số anh em báo chí cũng cần lắng nghe, suy xét thấu đáo, đừng phiến diện, quy chụp và phán xét thái quá.

    Vậy, sao những ngày qua ông không gặp báo chí, mặc dù các phóng viên rất muốn gặp ông để trao đổi?

    Nói thật, tôi cũng định im lặng. Vì các báo cũng đã nêu hết rồi. Không hỏi tôi họ cũng nêu. Một số báo khai thác theo hướng cắt ghép, đưa tin chưa chính xác. Khi người ta đã nghĩ như vậy thì gặp cũng chẳng giải quyết gì, vì nói gì họ cũng viết theo ý mình. Hơn nữa, hôm tổ chức Đại hội Liên minh Hợp tác xã có báo còn thành lập cả nhóm “truy lùng” tôi (mặc dù khi đó tôi đang có việc lớn là lo đại hội), có phóng viên còn chạy theo quay video, có phóng viên nhắn tin đe dọa, chửi bới. Ứng xử như vậy là không nên!

    Vậy, sao lần này ông quyết định gặp chúng tôi?

    Sau khi nghĩ lại tôi thấy cần thiết phải trao đổi với báo chí, tránh để thông tin thiếu chính xác, một chiều về dự án, về cá nhân tôi xuất hiện trên các báo với tần suất ngày càng nhiều. Hơn nữa, trao đổi để sáng tỏ vấn đề cũng rất cần thiết vào lúc này.

    Tôi muốn trao đổi thẳng thắn trên tờ báo chính thống.

    70 năm cho Formosa đúng hay sai?

    Chúng tôi cần xác minh thông tin đầy đủ từ chính ông về việc Formosa được cấp phép 70 năm. Có phải Hà Tĩnh tự ý cấp phép cho Formosa khi chưa được Chính phủ đồng ý?

    Dư luận nghĩ thật đơn giản. Một dự án lớn như vậy sao Hà Tĩnh tự ý được.

    Chuyện này không còn là dư luận nữa mà tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 của Thanh tra Chính phủ, đại diện Thanh tra Chính phủ khi trả lời báo chí cho rằng, Hà Tĩnh cấp phép 70 năm cho Formosa là chưa đúng, cần rút kinh nghiệm. Một số báo đã đề cập trách nhiệm của ông trong việc này. Ông nghĩ sao?

    Trước đây, khi Formosa mới vào Hà Tĩnh, Thanh tra Chính phủ cũng đã thanh tra định kỳ và kết luận cấp phép 70 năm là đúng luật.

    Ông có thể chứng minh cụ thể hơn về việc Hà Tĩnh cấp phép 70 năm cho dự án Formosa là đúng luật?

    Khi xin chủ trương đầu tư, Hà Tĩnh nhận được ý kiến của nhiều bộ, ngành. Sau đó, ngày 4/3/2008 (tại văn bản số 323 do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh, các bộ: KH&ĐT, Công Thương, Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường), nêu rõ “Đồng ý chủ trương Tập đoàn Công nghiệp nặng Formosa Đài Loan lập Dự án đầu tư Nhà máy liên hiệp thép tại Khu kinh tế Vũng Áng và Cảng nước sâu Sơn Dương tỉnh Hà Tĩnh như đề nghị của UBND tỉnh…”.

    Ngày 30/1/2015, Văn phòng Chính phủ có văn bản (số 926 về việc công bố kết luận thanh tra) gửi Thanh tra Chính phủ, các bộ: Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên - Môi trường, UBND tỉnh Hà Tĩnh. Văn bản nêu ý kiến của Chính phủ: “Đồng ý với đề nghị của Bộ Kế hoạch & Đầu tư tiếp tục giữ nguyên quy định thời hạn 70 năm trong giấy Chứng nhận đầu tư đã cấp cho dự án và kiến nghị của Bộ Tài chính cho phép giữ nguyên tiền thuê đất, thuê mặt nước mà Công ty Formosa đã nộp theo giấy phép đầu tư và hợp đồng thuê đất đã ký”.

    Như vậy, là Chính phủ đã đồng ý.

    Ngoài ra có căn cứ nào nữa không, thưa ông?

    Theo Quy định tại khoản 3, Điều 67 Luật Đất đai, thời hạn giao đất, cho thuê đất đối với tổ chức kinh tế để thực hiện các dự án đầu tư được xem xét, quyết định trên cơ sở dự án đầu tư hoặc đơn xin giao đất, thuê đất nhưng không quá 50 năm; đối với dự án có vốn đầu tư lớn nhưng thu hồi vốn chậm, dự án đầu tư vào địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà cần thời hạn dài hơn thì thời hạn giao đất, cho thuê đất là không quá 70 năm. Vì vậy, Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh được ký hợp đồng thuê đất với thời hạn 70 năm là phù hợp với quy định pháp luật.

    Tôi nhấn mạnh thêm, thời điểm năm 2007, 2008, nước ta ưu tiên kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực như hạ tầng cảng biển, luyện thép, sản xuất điện... Theo Quyết định 72 của Chính phủ, Khu kinh tế Vũng Áng được thành lập và ban hành cơ chế ưu đãi đầu tư (cho vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng mức cao nhất của quy định ưu đãi thời điểm ấy). Sau khi Formosa có đơn đăng ký vào đầu tư tại Khu kinh tế Vũng Áng, Chính phủ có văn bản đồng ý về nguyên tắc để tiến hành các thủ tục hồ sơ. Căn cứ Quyết định 72 của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ Nghị định 108 về căn cứ ban hành quy định chi tiết thực hiện Luật Đầu tư, sau khi có các văn bản của các bộ, ngành chức năng T.Ư và địa phương có liên quan, đồng thời được Chính phủ có văn bản lần thứ hai đồng ý, Khu kinh tế Vũng Áng mới cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Tập đoàn Formosa. Như vậy, căn cứ Luật Đầu tư, Luật Đất đai, căn cứ Quyết định 72, căn cứ Nghị định 108 của Chính phủ và các văn bản pháp luật liên quan đầu tư trực tiếp nước ngoài lúc đó Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng mới chính thức cấp phép đầu tư.

    Thêm một căn cứ nữa, theo Nghị định 36 và Luật Đầu tư quy định rõ, những dự án có quy mô lớn, thời gian thu hồi vốn chậm và có các tiêu chí như: đầu tư vào các ngành ưu tiên như cảng biển, luyện thép, điện và có quy mô trên 5.000 lao động trở lên sẽ được hưởng mức ưu đãi cao nhất. Dự án Formosa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí và được cấp chứng nhận đầu tư thời gian 70 năm.

    Như vậy là không có chuyện Hà Tĩnh vượt rào cấp phép 70 năm cho Formosa sau đó mới tìm cách hợp lý hóa?

    Đã có 2 lần kiểm tra sau khi Formosa được cấp phép. Các bộ, ngành cũng đã có ý kiến. Chính phủ đã họp hai lần và kết luận: Cấp phép 70 năm là phù hợp. Như tôi trình bày ở trên, với các quy định rõ ràng, sự tham gia có nhiều bộ, ngành và sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Hà Tĩnh có thể tự làm được không?!

    Ông Võ Kim Cự trao đổi với PV Tiền Phong ngày 24/7, tại Hà Nội. Ảnh: Võ Minh Châu.

    Hai nỗi đau

    Ông đánh giá thế nào về báo cáo đánh giá tác động môi trường của Formosa?

    Báo cáo tác động môi trường là do Bộ Tài nguyên - Môi trường duyệt, Hà Tĩnh chỉ tham gia hội đồng như một thành viên có liên quan thôi.

    Ông nghĩ sao khi Formosa gây ô nhiễm môi trường biển miền Trung, ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường sống và sinh kế của người dân?

    Nỗi đau này không của riêng ai. Có thể nói đó là nỗi đau của phía gây ra và người phải hứng chịu. Lãnh đạo Tập đoàn Formosa đã cúi đầu xin lỗi nhân dân và Chính phủ Việt Nam cũng là thể hiện nỗi đau của họ. Tôi rất buồn và đau. Xin chia sẻ với người dân miền Trung trong đó có quê hương tôi. Tôi chia sẻ với hai tư cách, một là người con quê hương, hai là lãnh đạo địa phương chủ trì đại dự án ấy.

    Việc kêu gọi nhà đầu tư là để phát triển, vì mục tiêu chung. Nhưng nhà đầu tư đã làm không đúng các quy định, gây hậu quả. Nhờ sự chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành đã vào cuộc sớm nên sự việc mới được giải quyết, kiểm soát. Ngay từ khi cá chết, nguyên nhân chưa công bố, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương vào cuộc hỗ trợ, động viên bà con. Cả hệ thống chính trị từ T.Ư tới địa phương đã nỗ lực rất cao kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm các sai phạm và đại diện Formosa đã cúi đầu nhận lỗi trước Chính phủ và nhân dân ta, hứa khắc phục và bồi thường 500 triệu USD. Bên cạnh đó, Chính phủ đang triển khai nhiều biện pháp ổn định đời sống người dân, trong đó có việc lên phương án đền bù.

    Formosa vẫn đổ thải lên bờ thời gian gần đây, ông có biết không?

    Tôi có biết nhưng cái này lỗi một phần do các Cty ký kết với Formosa. Cần phải xử lý các đơn vị chôn lấp rác thải không đúng quy định. Mình không ký hợp đồng với Formosa đổ rác thải kiểu đó nữa.

    Người dân đang lo lắng khi Formosa không có vùng chôn lấp, xử lý rác thải, ông nghĩ sao?

    Formosa có vùng chôn lấp rác thải, nhưng đây là giai đoạn vận hành thử nên mới như vậy. Đây là giai đoạn chạy thử, chỉnh sửa công nghệ xem có phù hợp hay không. Thời gian qua có thể cách pha hóa chất chưa chuẩn trong xử lý chất thải nên mới thế. Nếu xử lý đúng như đánh giá tác động môi trường thì hậu quả sẽ không xảy ra.

    Liệu có khả năng, Formosa chây lì trong khắc phục hoặc cố tình tái phạm?

    Với họ, càng để lâu càng thiệt hại về nhiều mặt nên họ cũng muốn khắc phục nhanh. Họ phải thay đổi các mục tiêu, điều chỉnh công nghệ cho phù hợp. Nếu không khắc phục họ sẽ bị thiệt hại nặng nề. Họ phải tự cứu mình thôi. Nhưng chúng ta cũng đừng đối xử theo kiểu thiếu nhân tình thế thái, khi mời vào thì trải thảm đỏ, khi có sai phạm thì phủ nhận sạch trơn, khiến Formosa cũng như các nhà đầu tư khác hiểu sai, ảnh hưởng môi trường đầu tư của chúng ta.

    Ông đánh giá thế nào về được mất khi đưa Formosa vào Việt Nam?

    Khi chưa có Formosa thì đây là vùng đất bạc màu, khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và các ngành khác. Có thể nói là vùng quê nghèo nhất nước. Nhưng, khi Formosa vào đầu tư dự án lớn thì hạ tầng cơ sở phát triển, từ giao thông, điện  nước đến cảng đều tốt. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào khen là tái định cư đàng hoàng nhất ở Việt Nam. Nhiều cựu Chủ tịch nước như Trần Đức Lương, Trương Tấn Sang vào thăm đều khen ngợi. Các loại dịch vụ mở ra thu hút hàng ngàn lao động. Những cái tốt đó đã tạo thêm động lực để thúc đẩy phát triển, tái cấu trúc các ngành kinh tế. Tại đây cũng hình thành thị trường tiêu thụ sản phẩm, giải quyết việc việc làm cho hàng vạn người, đưa kinh tế Hà Tĩnh nói riêng và khu vực phụ cận phát triển, tạo ra sự giao lưu hội nhập trên địa bàn.

    Tất nhiên, bên cạnh đó cũng xảy ra nhiều điều đáng tiếc, đặc biệt là việc Formosa xả thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng môi trường và sinh kế cũng như tâm lý người dân. Tôi rất băn khoăn vì việc này đã ảnh hưởng không chỉ Hà Tĩnh và cả các tỉnh lân cận. Tôi rất chia sẻ với hàng vạn người dân ở khu vực này.

    Nếu Formosa thực hiện đúng cam kết thì sau này môi trường có bị ảnh hưởng không, thưa ông?

    Nếu họ làm đúng cam kết, ta giám sát tốt thì sẽ không ảnh hưởng môi trường như thời gian vừa qua.

    Một góc khu tái định cư Formosa Hà Tĩnh.

    Formosa - Võ Kim Cự

    Nhắc đến Formosa người ta nghĩ ngay đến vai trò của ông. Ở đây có thể hiểu là vai trò (cũng là trách nhiệm) trong việc ông mời Formosa vào Việt Nam và gây ra hậu quả về môi trường?

    Tôi chia sẻ và lo lắng trước việc bà con bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường. Đó là điều đáng tiếc, không ai muốn xảy ra. Chúng ta cần phải bình tĩnh, công bằng, việc nào ra việc đó. Tôi cũng như mọi công dân Việt Nam khi kêu gọi đầu tư theo chủ trương tốt đẹp của Nhà nước, với mục đích phát triển kinh tế, vì cuộc sống tốt đẹp cho người dân. Các điều kiện, thủ tục đầu tư của chúng ta cả thế giới biết, công khai, rõ ràng, đâu phải làm lén lút. Đáp ứng đủ các yêu cầu thì các nhà đầu tư được chúng ta cấp phép, chào đón.

    Về việc vì sao chọn Formosa, vì tập đoàn này đáp ứng được các yêu cầu của chúng ta. Thời gian đó, có Tập đoàn Tata (Ấn Độ) và một số tập đoàn nữa cùng vào, nhưng khi đề nghị xây dựng cảng biển, luyện thép… (những lĩnh vực ưu tiên thời điểm đó) họ bỏ đi ngay.

    Cái sai ở đây là sai của nhà đầu tư. Xả thải gây ô nhiễm môi trường, họ sai, họ nhận sai, hứa sửa sai và tìm cách khắc phục. Mình cho họ thời gian khắc phục. Nếu không khắc phục thì theo luật mà làm thôi.

    Từ chuyện Formosa xả thải, theo ông, bài học nào cần rút 
    ra không?

    Có nhiều bài học. Hiện nay chúng ta cần kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân sai phạm trong lĩnh vực môi trường để làm gương. Sắp tới, chúng ta tổ chức kêu gọi đầu tư, quản lý đầu tư trên tất cả lĩnh vực, đảm bảo không phát triển kinh tế bằng mọi giá, mà phải đảm bảo môi trường, đảm bảo an ninh, văn hóa; đảm bảo đồng bào ở những khu vực có dự án có cuộc sống ổn định, phát triển bền vững.

    Cảm ơn ông!

    Khi phóng viên đặt vấn đề, có đại biểu Quốc hội cho rằng, Formosa là bài học đắt giá và cần phải xem xét dự án này nên dừng hay tiếp tục. Ông Cự cho rằng, đó là một ý kiến, một góc nhìn… Mọi việc không đơn giản thế đâu.

    Đại diện Formosa có trao đổi với ông khi xảy ra sự cố môi trường không?

    Có. Họ có trao đổi mấy lần. Tôi nói rõ, các ngài sai thì phải nhận, phải khắc phục. Còn cái nào bị hiểu nhầm thì các ngài phải giải thích lại cho đầy đủ, báo cáo Chính phủ và chịu trách nhiệm trước việc báo cáo của mình.

    LÊ ANH ĐẠT - VÕ MINH CHÂU

    Nguồn: Tiền Phong

    [mecloud]R9U011ZaM5[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/ong-vo-kim-cu-trao-doi-ve-formosa-toi-rat-buon-va-dau-a140962.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan