Mới đây, HĐQT của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (MCK: HBC, sàn HoSE) đã thông qua đơn xin từ nhiệm chức vụ thành viên HĐQT độc lập của ông Nguyễn Công Phú từ ngày 13/2.
Phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 sắp tới sẽ xem xét chính thức thông qua đơn xin từ nhiệm của ông Phú.
Ngoài việc từ nhiệm, ông Phú ủy quyền cho ông Lê Viết Hải- Chủ tịch HĐQT tham dự, thảo luận, biểu quyết tại tất cả cuộc họp, lấy ý kiến biểu quyết bằng văn bản hoặc hình thức khác của HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.
Đây là động thái mới nhất liên quan đến cuộc "nội chiến" vương quyền ở Tập đoàn Hòa Bình xung quanh vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải và Nguyễn Công Phú từ cuối năm 2022 đến nay.
Trước đó, ngày 14/12/2022, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình công bố thông tin về việc chấp thuận đơn xin từ nhiệm của ông Lê Viết Hải, ông Hải sẽ giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng sáng lập từ ngày 1/1/2023.
Ông Hải từ nhiệm nhằm tạo điều kiện cho ông Lê Viết Hiếu (con trai ông Hải) nắm giữ ghế Tổng Giám đốc nhằm đáp ứng quy định hiện hành: người nắm giữ chức vụ Tổng Giám đốc không được có quan hệ gia đình với người quản trị doanh nghiệp.
Đồng thời, bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm Chủ tịch HĐQT từ ngày 1/1/2023.
Tuy nhiên, cuối năm 2022, HĐQT HBC ban hành nghị quyết hoãn thi hành việc bầu ông Phú làm Chủ tịch, ông Hải tiếp tục là người lãnh đạo cao nhất của HBC.
Những quyết định này đã vấp phải sự phản đối của 4 thành viên HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình gồm: ông Nguyễn Công Phú, ông Lê Quốc Duy, ông Dương Văn Hùng và ông Albert Antoine. Những thành viên này đề nghị ông Lê Viết Hải không được phép thực hiện bất kỳ hành động nào mang tính cản trở việc kế nhiệm của Chủ tịch HĐQT được bầu là ông Nguyễn Công Phú.
Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP .HCM đã ban hành quyết định buộc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tạm dừng thi hành các nghị quyết trước đó và ông Lê Viết Hải vẫn là Chủ tịch Hòa Bình cho đến khi vụ việc được giải quyết bằng quyết định hay phán quyết có hiệu lực của Hội đồng Trọng tài thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC).
Bạch Hiền (t/h)