Với lợi thế 1 năm học chương trình lớp 11 ở nước ngoài, cô bạn Ngọc Điệp sau khi trở về nước đã bắt tay ngay vào việc xin học bổng tại Đại học Rice - ngôi trường lọt top 16 trên bảng xếp hạng đại học ở Mỹ.
Ngọc Điệp sẽ sang Mỹ nhập học vào tháng 9 tới. Ảnh: Dân Trí. |
Vũ Hoàng Ngọc Điệp (học sinh lớp 12 Anh, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam) đã có trải nghiệm quý giá sau 1 năm học lớp 11 tại trường trung học Waynflete ở thành phố Portland, Maine, Mỹ.
Sau khi về Việt Nam, Ngọc Điệp ngay lập tức dành thời gian hoàn thành yếu tố cuối trong bộ hồ sơ du học đại học Mỹ: bài luận.
Em viết những cuộc đối thoại ở Mỹ và sử dụng đối thoại để giải quyết những vấn đề xã hội.
“Chủ đề bài luận em nói về sự phân biệt đối xử và cuộc tranh cãi gay gắt về việc có được sử dụng súng trong cuộc sống ở Mỹ hay không. Vì thực tế ở nước Mỹ, có những vụ nổ súng trong và ngoài trường, gây rúng động dư luận, gây sợ hãi cho người dân.
Em nhớ thời gian ở Mỹ có những lúc em đã phải thử tham gia các cuộc diễn tập để học cách xử lý thế nào khi có nổ súng diễn ra. Em thấy khá đáng sợ nhưng nếu mọi người không ngồi xuống đối thoại sẽ không có giải đáp nào cho vấn đề đó mà chỉ đi mãi vào lối cụt”, Điệp chia sẻ.
Nữ sinh Việt cho rằng, chính sự im lặng, không sẵn sàng nói ra những điều mình suy nghĩ, bức xúc, vướng mắc góp phần dẫn đến tình trạng trầm trọng hơn các khúc mắc, vấn đề xã hội.
Chỉ với 2 tháng nhưng Ngọc Điệp đã hoàn thành tốt bài luận cá nhân nhờ có trải nghiệm và sự tập trung cao độ.
Đến giờ, em vẫn không thể quên được kỷ niệm viết luận: “Em nhớ mãi thời gian viết luận. Tóc em rụng mất gần một nửa tại vì stress quá, nhiều lúc không ăn uống nổi vì lo lắng”.
Điệp khuyên các bạn trẻ ấp ủ ước mơ du học nên chuẩn bị sớm. Trường hợp của Điệp, em phải hoàn thành bài luận trong thời gian ngắn nhưng điểm chuẩn hóa đã xong. Thời gian gấp nói về góc độ tinh thần nhiều hơn còn tiến độ em vẫn đảm bảo theo kịp.
Theo tân sinh viên Đại học Rice, bí quyết để đạt thành quả chính là sự chuẩn bị sớm và phải giữ vững tinh thần.
“Chuẩn bị hồ sơ apply nước rút là giai đoạn tâm lý khá nhạy cảm. Nhiều lúc em cũng tự ti vì các bạn quanh mình đạt điểm chuẩn hóa cao, bài luận thú vị thế.
Chỉ với tinh thần ổn, chúng ta mới có thể tập trung 100% sức lực, trí tuệ của mình vào mục tiêu, sau này gặt thành quả sẽ xứng đáng”, Điệp chia sẻ kinh nghiệm từ thực tế bản thân.
Ngoài giành tấm vé vào Đại học Rice, cô gái Việt còn trúng tuyển vào một số trường đại học Mỹ khác.
Nói về lý do nộp đơn vào Đại học Rice ở đợt Early Decision - ED (ứng viên chỉ được phép nộp đơn cho một trường trong đợt ED và khi được nhận vào trường theo đợt ED cũng như được hỗ trợ tài chính thì phải rút toàn bộ hồ sơ đã nộp ở các trường khác (nếu có) và phải nhập học ở trường theo đợt ED), Điệp chia sẻ: “Qua tìm hiểu em biết trường có nhiều cơ hội về ngành nghề, học tập để em tận dụng hết khả năng của mình trong 4 năm tới. Ngoài cung cấp hỗ trợ tài chính, trường có nhiều cơ hội nghiên cứu.
Sau này, em muốn thử sức trao đổi học tập ở Hồng Kông hoặc Anh. Ngoài ra, Đại học Rice có giá trị cộng đồng lớn, em sẽ hỗ trợ cả về mặt học thuật và xã hội từ cộng đồng này”.
Tháng 9 tới, Ngọc Điệp sẽ sang Mỹ nhập học. Trái với tâm trạng hồi hộp, em vô cùng háo hức.
Không chỉ riêng Ngọc Điệp có thành tích ấn tượng, mới đây, nam sinh Lưu Minh Dũng từng là thủ khoa đầu vào kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam đã tiếp tục đạt được thành tích đáng ngưỡng mộ khi sắp tới sẽ sang Mỹ du học tại trường Đại học Dartmouth - một trong 12 trường đại học hàng đầu nước Mỹ.
Cụ thể, vào đầu năm 2019, Dũng đã được trúng tuyển Đại học Dartmouth với học bổng 293.000 USD trong 4 năm (khoảng 6,7 tỷ đồng).
Được biết, Đại học Dartmouth xếp hạng thứ 12 trong số các trường “khó vào nhất” theo đánh giá của The Princeton Review trong nhiều năm và luôn giữ thứ hạng cao trong top 5 những trường xuất sắc nhất nước Mỹ do US News & World Report bình chọn. Tỷ lệ hồ sơ được nhận của trường vào khoảng 13%, hầu hết đều là những sinh viên ưu tú nhất của những trường THPT mà họ từng.
Thanh Tùng (T/h)