(ĐSPL) - Khởi điểm vay vốn ban đầu chỉ được dăm triệu, rồi dần dần, cứ trả rồi lại vay, vay rồi lại trả để phát triển mô hình chăn nuôi. Đến nay, nhiều gia đình nông dân ở xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Hà Nội đã có trong tay sản nghiệp lên tới vài tỷ đồng.
Mười lăm năm gắn bó với bò sữa, con bê thịt…đã giúp gia đình anh Chu Quang Văn (Hà Tân, Tản Lĩnh, Ba Vì, Hà Nội) vươn lên làm giàu từ trang trại. Từ nguồn vốn vay ban đầu chỉ vài triệu đồng từ ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Ba Vì.
Anh Văn cho biết, vợ chồng anh bắt đầu khởi nghiệp từ năm 2001. Thời điểm đó, trong tay chỉ có vài triệu, anh chị quyết định mua mấy con bò sữa để chăn nuôi. Nhưng ngặt nỗi, số tiền để mua bò không đủ, anh chị quyết định vay 3 triệu đồng ở Phòng Giao dịch (PGD) Tản Lĩnh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) Chi nhánh huyện Ba Vì. Sau khi mua được bò, 2 anh chị lại mò mẫm tự học cách chăm nuôi, học kinh nghiệm từ những người khác, với quyết tâm “mình nuôi bò thì sau này bò sẽ “nuôi” lại mình”. Cứ thế, vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm, khi thấy mấy con bò mua ban đầu sống khỏe, tăng trưởng bình thường, anh chị Văn, Nụ quyết định mua thêm bò, bê.
Mua thêm thì lại cần thêm vốn, anh chị Văn lại đến PGD Tản Lĩnh của Agribank Ba Vì. Lần này, anh chị được vay 12 triệu để phát triển đàn bò sữa. Tuy nhiên, đến năm 2006, công việc chăn nuôi không thuận lợi, gia đình anh chị đứng trên bờ vực phá sản. Nhờ được Agribank Ba Vì hỗ trợ lãi suất trong vòng 18 tháng, nên anh chị đã “vắt” hết công sức để chăm nuôi, phục hồi lại đàn bò sữa, lấy lại niềm tin không chỉ cho chính vợ chồng anh chị, mà cho cả ngân hàng, đơn vị đã hỗ trợ anh chị rất nhiều trong lúc khó khăn. Đến nay, gia đình anh đã có số vốn lên tới hơn 2 tỷ đồng và trở thành khách hàng thân thiết của Agribank.
Không riêng gì vợ chồng anh chị Văn, Nụ, nhờ vay vốn ban đầu, đến nay đã có cơ ngơi bạc tỷ, mà vợ chồng anh Nguyễn Văn Trung và chị Phùng Thị Chính, ở thôn Tam Mỹ, xã Tản Lĩnh, cũng giàu lên nhờ vào nguồn vốn vay từ Agribank.
Chị Nụ đang chăm sóc đàn bò sữa. |
Khác với anh Văn, gia đình anh Trung lại chuyên tâm vào nuôi đà điểu. Năm 2007, sau một thời gian nghiên cứu cách thức chăm sóc, điều kiện chăm sóc, chuồng trại, anh Trung thấy rằng, nuôi đà điểu là thích hợp nhất, bởi cách nuôi đơn giản, chuồng trại đơn giản. Đà điểu là giống 70\% gia cầm và 30\% gia súc, nên nuôi đà điểu kết hợp cho ăn cám và cỏ phay nhỏ.
Do đó, anh Trung quyết định mua 50 con đà điểu giống 1 tuần tuổi, với giá 2,7 triệu đồng/con. Thiếu vốn, anh Trung đã đến đặt vấn đề vay vốn tại PGD Tản Lĩnh, Agribank Ba Vì. Được sự chỉ dẫn nhiệt tình của nhân viên ngân hàng, anh đã nhanh chóng hoàn tất thủ tục và vay được 50 triệu (tương đương gần 50\% vốn đầu tư ban đầu).
Đến năm 2008, thấy khả năng có thể phát triển được đàn đà điểu, anh Trung lại vay vốn đầu tư, nâng đàn đà điểu lên thành 70 con. Đến năm 2009, nhận thấy mô hình nuôi đà điểu khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Ba Vì, chính quyền huyện Bà Vì bắt đầu nghiên cứu mô hình chăn nuôi đà điểu của gia đình anh chị Trung, Chính, để phổ biến rộng rãi tới bà con nông dân trên địa bàn huyện, khuyến khích chăn nuôi theo mô hình này.
Đàn đà điểu này mỗi năm cho anh Trung thu nhập trên 10 tỷ đồng. |
Khi nguồn cung cấp thịt đà điều đã đủ nhiều, vợ chồng anh Trung nghĩ ngay tới việc mở cửa hàng cung cấp thịt đà điểu cho những khách hàng có nhu cầu. Theo anh Trung, với giá 300 nghìn đồng/kg, với người dân địa phương thì hơi cao, nhưng với khách hàng ở khu vực nội thành Hà Nội và các tỉnh lân cận, đó là giá chấp nhận được. Chính vì thế, cửa hàng của anh cung cấp thịt đà điểu tươi sống chủ yếu cho đối tượng khách hàng cá nhân, các nhà hàng, quán ăn ở các quận nội thành Hà Nội. Ngoài ra, số lượng khách ở các tỉnh khác đặt hàng thông qua điện thoại hoặc người quen giới thiệu cũng không phải ít. Thế nên, theo anh Trung, hiện nay, bình quân mỗi năm gia đình anh cung cấp cho thị trường 40 - 50 tấn thịt đà điểu, thu về khoảng 12 - 15 tỷ đồng.