+Aa-
    Zalo

    Những chuyện ít người biết về tỷ phú Phạm Nhật Vượng

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Câu chuyện làm giàu từ hai bàn tay trắng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và khối tài sản "khổng lồ" của ông khiến không ít người tò mò về con đường xây dựng sự nghiệp

    (ĐSPL) - Câu chuyện làm giàu từ hai bàn tay trắng của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và khối tài sản "khổng lồ" của ông khiến không ít người tò mò về con đường xây dựng sự nghiệp của ông.

    Ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC) không chỉ là tỷ phú Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách do tạp chí Forbes của Mỹ công bố mà còn là một trong 10 tỷ phú mới xuất sắc nhất thế giới năm 2013. Liên tiếp 4 năm liền ông đứng đầu danh sách tỷ phú giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt.

    Trong danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2014, đến hết phiên giao dịch ngày 19/12, giá trị cổ phiếu của ông Vượng đạt tới 20.400 tỷ.

    Tài sản của ông Vượng cách khá xa so với 2 người đứng thứ 2 và thứ 3. Theo đó, ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai) có giá trị cổ phiếu đến hết phiên 19/12 là 7.781 tỷ và ông Trần Đình Long (Chủ tịch Hòa Phát) có giá trị tài sản 6.101 tỷ đồng.

    Ông Phạm Nhật Vượng.

    Câu chuyện mì gói

    Sinh năm 1968, quê gốc ở Hà Tĩnh nhưng sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, Phạm Nhật Vượng có tuổi thơ không được như các bạn đồng trang lứa khi được sinh ra vào đúng thời bao cấp khó khăn, lại sống trong gia đình đông anh em, cha là bộ đội.

    Cuộc sống nghèo khó khiến mẹ ông phải bán thêm quán nước chè để có thêm tiền trang trải và nuôi các con ăn học. Khi đỗ điểm cao vào trường Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội và được chọn đi du học ở Nga năm 1987, ông chỉ có duy nhất một ước mơ đó là làm sao cho gia đình bớt khổ.

    Năm 1992, sau khi tốt nghiệp trường Kinh tế địa chất lại Moscow, ông Vượng cưới bà Phạm Thu Hương rồi đôi vợ chồng trẻ quyết định đến Kharkov, Ukraine sinh sống.

    Thời điểm đó cũng là lúc Liên bang Xô Viết sụp đổ, nước Nga rơi vào vòng xoáy lộn xộn và trở nên kiệt quệ của giai đoạn tư bản hóa dưới thời Yeltsin. Và đây cũng là lúc câu chuyện khởi nghiệp mì gói huyền thoại của chàng trai nghèo bắt đầu. Ông Vượng vay mượn bạn bè được số tiền trị giá khoảng 10.000 USD và mở một nhà hàng tại Kharkov mang tên là Thăng Long.

    Sau đó, ông về Việt Nam mua một dây chuyền mỳ ăn liền hai vắt thô sơ và bắt đầu sản xuất mì ăn liền hiệu Miniva, bán cho dân bản địa. Technocom cũng ra đời từ đó, lúc đầu còn xa lạ với người dân Ukraine nhưng sau đó lại nhanh chóng được đón nhận.

    Những năm tháng tiếp sau đó Technocom kinh doanh rất thuận lợi, liên tục mở nhà máy mới mà vẫn không đủ sản phẩm để bán, khi đó sản phẩm mì gói Minava trở thành một thương hiệu đặc biệt hấp dẫn với người dân Ukraine.

    Tiếp tục mở rộng thị trường của mình bằng cách sản xuất thêm bột canh, Technocom lại một lần nữa làm hài lòng các bà nội trợ nơi đây. Nhưng cũng giống như bất kì doanh nghiệp mới khởi nghiệp nào khác, Phạm Nhật Vượng gặp những khó khăn về vốn đầu tư.

    Thời gian đầu, ông vay mượn gần 100.000 USD từ một số bạn bè là người Việt kinh doanh tại Nga với mức lãi suất lên tới 8\% mỗi tháng. Phải mãi vài năm sau này ông mới trả hết số vốn vay mượn được. Nhưng may mắn đã mỉm cười với ông khi ông vay được nguồn vốn dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ từ ngân hàng Tái cấu trúc Châu Âu với mức lãi suất 12\% một năm.

    Nhờ đó mà Technocom có cơ hội đẩy mạnh sản xuất hai thương hiệu mì và bột canh để trở thành ông vua thực phẩm ăn nhanh của Ukraine. Tập đoàn Technocom do Phạm Nhật Vượng thành lập năm 1993 đã liên tục mở thêm nhà máy và không ngừng khuếch trương quy mô.

    Chinh phục sàn chứng khoán Việt

    Năm 2007, cổ phiếu VIC niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM. Tổng giá trị VIC mà ông Vượng nắm giữ đạt 3.751 tỷ đồng. Khối tài sản khổng lồ này chỉ giúp ông đứng ở vị trí 2 sau ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch công ty Kinh Bắc.

    Tới năm 2008, cổ phiếu VPL của Vinpearl cũng niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Tp.HCM. Cộng với 49 triệu cổ phiếu VIC, 20 triệu cổ phiếu VPL đem lại khối tài sản trị giá 5.225 tỷ đồng cho ông Vượng. So với năm 2007, tài sản của ông chủ Vincom đã tăng 1.500 tỷ đồng.

    Sang năm 2009, ông Vượng có năm thứ 3 liên tiếp đứng ở vị trí á quân và năm thứ 2 liên tiếp đứng sau ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai dù tổng tài sản tăng vọt lên 9.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với 9.000 tỷ đồng, ông Vượng được kỳ vọng sẽ giành ngôi vị số 1 từ tay bầu Đức.

    Và đúng như dự báo, sang năm 2010, ông Vượng chính thức trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với tổng tài sản lên tới 15.800 tỷ đồng, tăng gần 7.000 tỷ đồng so với năm 2009. Kể từ năm 2010, ông Vượng “thống lĩnh” danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sản “chỉ” biết tăng mà không biết giảm.

    Năm 2011, thị trường chứng khoán chứng kiến một sự kiện lớn. Đó là Vincom và Vinpearl ra quyết định sát nhập và đổi tên thành Vingroup. Đợt sáp nhật này đã gia tăng sức mạnh của Vingroup và cộng thêm nhiều tiền vào tài sản của ông Vượng.

    Những dự án lớn của Tập đoàn Vingroup.

    Tại thời điểm cuối năm 2011, giá trị cổ phiếu VIC mà ông Vượng nắm giữ tăng 988 tỷ đồng lên 16.764 tỷ đồng. Sang năm 2012, khối tài sản này tăng lên 17.185 tỷ đồng. Kết thúc năm 2013, ông Vượng đánh dấu năm thứ tư liên tiếp giữ danh hiệu người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với 19.924 tỷ đồng.

    Giá trị cổ phiếu VIC góp một phần đáng kể trong tổng tài sản lên tới gần 1,5 tỷ USD và đưa ông trở thành tỷ phú đô la đầu tiên của Việt Nam. Đánh giá này do Fobes thực hiện.

    Trong danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2014, đến hết phiên giao dịch ngày 19/12, giá trị cổ phiếu của ông Vượng đạt tới 20.400 tỷ.

    Kiệm lời, kín tiếng và khát khao đóng góp cho cộng đồng

    Gắn liền với tên tuổi Phạm Nhật Vượng là những thương hiệu lớn trong ngành kinh doanh bất động sản như Vincom, Vinpearl, Vinhomes, hay y tế, giáo dục như Vinmec, Vinschool…

    Mới đây nhất, Vingroup công bố mua lại Ocean Mart từ Ocean Group và đổi tên siêu thị thành Vinmart.

    Không chỉ nổi danh trong nước, Vingroup còn được quốc tế đánh giá cao. Theo báo cáo mới công bố ngày 18/9 của Finance Asia, Vingroup được bình chọn là "tổ chức huy động vốn tốt nhất". Vingroup cũng vừa được Standard and Poor's (S&P) bình chọn vào Top 100 công ty hàng đầu ASEAN năm 2014.

    Tuy thành công là vậy nhưng tỷ phú Phạm Nhật Vượng rất ít khi xuất hiện hoành tráng trước công chúng hay có những phát ngôn đao to búa lớn.

    Một điểm chung đặc biệt của các thương hiệu là đều được bắt đầu bằng chữ "VIN" - chữ viết tắt của Việt Nam, thể hiện một khát vọng mà Phạm Nhật Vượng luôn khao khát được cống hiến trong cuộc đời, đó là có thể góp một phần nhỏ bé của mình để Việt Nam được “ ngẩng mặt lên với thế giới”.

    Vinmec và Vinschool là hai dòng sản phẩm nằm trong lĩnh vực y tế và giáo dục, mang nhiều khát vọng xã hội hơn là lợi nhuận của ông chủ tập đoàn Vingroup.

    Tâm sáng vì cộng đồng của ông cũng đã và đang thể hiện trực tiếp qua Quỹ Thiện Tâm - nơi ông và gia đình, cũng như các cán bộ, nhân viên Vingroup dành ngân khoản không nhỏ để thành lập và đóng góp.

    Hàng vạn con bê giống cũng đã được trao cho nông dân ở Ninh Bình và Hà Tĩnh. Cả vạn ngôi nhà tình nghĩa cũng đã được xây dựng cho những gia đình có công. Hàng chục ngàn suất học bổng đã được trao tận tay tới các cháu học trò nghèo yêu thương. Tháp chuông Đồng Lộc (Hà Tĩnh), nơi tri ân những Anh hùng Liệt sỹ ở vùng đất đạn bom năm nào cũng có công đóng góp lớn từ Quỹ Thiện Tâm.

    Hàng ngày, ông Vượng vẫn làm việc bận rộn, thường xuyên xuống tận các công trường. Ông nói: "Bây giờ mình làm vì nhiều lý do khác nhau. Tôi không quan tâm xem được bao nhiêu tiền, mà muốn xây dựng được những công trình đẹp để lại cho đời".

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-chuyen-it-nguoi-biet-ve-ty-phu-pham-nhat-vuong-a84702.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan