(ĐSPL) - Việt Nam sẽ có 3 tỷ phú Đô la, người siêu giàu nói chung của Việt Nam cũng sẽ ghi nhận tốc độ tăng nhanh nhất thế giới vào năm 2024.
Theo dự báo của hãng tư vấn bất động sản toàn cầu Knight Frank, Việt Nam được dự báo sẽ có 3 tỷ phú đô la vào năm 2024, tăng gấp 3 lần so với con số của năm 2014.
Xét về con số tuyệt đối thì khiêm tốn, nhưng xét về con số tương đối thì mức tăng này, tương đương tăng 200\%, là tốc độ tăng mạnh nhất trên thế giới.
Không chỉ thế, Báo cáo Tài sản 2015 (Wealth Report) vừa được Knight Frank công bố còn cho thấy số người siêu giàu nói chung của Việt Nam cũng sẽ ghi nhận tốc độ tăng nhanh nhất thế giới trong 10 năm tới.
Sau khi tăng với mức khiêm tốn 5\%, từ 110 người năm 2013 lên 116 người năm 2014, số người siêu giàu của Việt Nam được dự báo sẽ tăng 159\% lên 300 người vào 2024. Đây là tốc độ tăng cao nhất trong số các nước được Knight Frank tổng hợp.
Các nước có tốc độ tăng nhanh tiếp theo trong 10 năm tới là Indonesia tăng 132\%, và Bờ Biển Ngà tăng 119\%, Venezuela tăng 115\%, Kazakhstan tăng 114\% và Mông Cổ tăng 110\%.
Giới siêu giàu được Knight Frank định nghĩa là những cá nhân có tài sản từ 30 triệu USD trở lên.
Báo cáo cho thấy số người siêu giàu trên thế giới đã tăng từ 167.669 người năm 2013 lên 172.850 người năm 2014 và được dự báo sẽ tăng lên 230.773 người vào năm 2024.
Châu Âu là khu vực có số người siêu giàu nhiều nhất thế giới trong năm 2014 với gần 61.000 người, tiếp đến là Bắc Mỹ với gần 45.000 người và Châu Á với hơn 42.000 người.
Việt Nam sẽ có 3 tỷ phú Đô la, người siêu giàu nói chung của Việt Nam cũng sẽ ghi nhận tốc độ tăng nhanh nhất thế giới vào năm 2024. |
|
Thấy gì từ con số người siêu giàu của Việt Nam?
Theo định nghĩa của báo cáo, người siêu giàu là những cá nhân có tài sản trên 30 triệu USD.
Số người siêu giàu Việt Nam tăng nhanh cho thấy Việt Nam đang có xu hướng phát triển bắt nhịp với nền kinh tế khu vực và thế giới.
PGS,TS. Lê Bộ Lĩnh, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc cho rằng việc tăng số lượng người siêu giàu phản ánh thực trạng của nền kinh tế. Điều đó cũng có nghĩa là nền kinh tế của chúng ta đang có bước tiến lên phía trước, bắt nhịp với thế giới nên xuất hiện nhiều hơn người giàu.
Tuy nhiên, theo ông Lĩnh, con số này cũng phản ánh một thực trạng khác của nền kinh tế, đó là sự chênh lệch phát triển, khoảng cách giàu nghèo đang ngày càng lớn thêm. Sự tiến lên một bước như thế nhưng sự phân bổ của cải không đồng đều nên có sự tập trung vào một số người.
"Khoảng cách giàu nghèo của chúng ta hiện nay đang có xu hướng là rộng ra, giữa các khu vực, giữa nông thôn rồi thành thị, giữa các nhóm, các ngành nghề khác nhau đang ngày càng có khoảng cách rộng. Có những nhóm người thì giàu lên rất nhanh, nhưng cũng có người thì vẫn ở một trình độ phát triển hết sức thấp, đời sống rất nhiều khó khăn.
Nhìn chung trong cơ chế thị trường thì không tránh khỏi sự phân hóa, nhưng mà mức độ phân hóa như thế nào đó để chấp nhận được thì chúng ta rất quan tâm đến việc đó.
Cũng phải nhìn nhận sự giàu lên của một nhóm người ở hai mặt. Một mặt nó tạo ra một cái khoảng cách chênh lệch, nhưng mặt khác thì những người giàu người ta cũng có nhiều đóng góp, thông qua đóng góp về thuế, đóng góp về mặt từ thiện, xã hội… Những cái đó cũng giúp cải thiện đời sống của người nghèo.
Nhưng mà xét về mặt lâu dài, về mặt định hướng chính sách thì chúng ta cũng phải có cơ chế chính sách thế nào đó để tạo cơ hội cho mọi người dân làm giàu và cải thiện cuộc sống của mình, cái đó mới là cái quan trọng.
Tức là chúng ta làm thế nào đó để tăng trưởng trong công bằng, tăng trưởng cùng chia sẻ. Khi mà nền kinh tế tăng trưởng thì mỗi người dân đều cảm thấy mình có phần đóng góp trong đấy và mình được thụ hưởng thành tựu của cái tăng trưởng thì đó là cái chúng ta mong muốn và cái chúng ta cần phải hướng tới để có sự phát triển bền vững.", ông Lĩnh cho hay.
An Nhiên (Tổng hợp)
Link bài gốcLấy link
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/viet-nam-se-co-3-ty-phu-do-la-gioi-sieu-giau-tang-nhanh-nhat-the-gioi-a87407.html