(ĐSPL) - Khi vừa lọt lòng mẹ, Vi Thị Huệ (SN 1985) và em trai là Vi Văn Giót (SN 2000) ở bản Yên Hòa, xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An) đã mang trong mình những căn bệnh quái ác.
Cuộc sống khó khăn, người chồng không may mất sớm nên chị Lang Thị Hiên (SN 1962) một mình quần quật với nương rẫy nhưng vẫn không kiếm đủ cái ăn cho hai đứa con tật nguyền. Người mẹ nghèo đã bao đêm rơi nước mắt vì không có tiền để một lần đưa con đi bệnh viện. Đó mãi là một ước mơ quá xa xỉ và chị Hiên vẫn phải đau đớn nhìn con mình đói ăn triền miên và teo tóp dần theo thời gian.
Chị Hiên bên các con mình. |
Những đứa con càng lớn càng... bé lại
Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo thuộc huyện miền núi Anh Sơn (Nghệ An) nên cuộc sống của cô gái dân tộc Thái Lang Thị Hiên sớm phải chịu nhiều cơ cực, thiếu thốn. Giống như mọi người trong bản Yên Hòa, Lang Thị Hiên phải lao động từ lúc còn nhỏ để phụ giúp gia đình. Hơn 20 tuổi, thiếu nữ Thái có mối tình đầu với anh Vi Tiến Giáo (SN 1957), một chàng trai trong bản. Sau một thời gian tìm hiểu, được sự đồng ý của hai bên gia đình, hai người quyết định xây dựng hạnh phúc với nhau. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng đôi vợ chồng trẻ luôn sống trong hòa thuận, yêu thương.
Đến năm 1985, gia đình nhỏ đón thêm thành viên mới khi cô con gái Vi Thị Huệ chào đời. Tuy nhiên, hạnh phúc ngắn chẳng tày gang khi vừa mới lọt lòng mẹ, Huệ đã mang trong mình căn bệnh quái ác. Phần xương sống của em bị biến dạng, càng lớn lên thì cơ thể càng teo tóp, dúm dó, việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù rất buồn nhưng vì thương con, anh Giáo và chị Hiên vẫn cố gắng lao động để nuôi hy vọng đến một ngày căn bệnh quái ác kia sẽ biến mất. 15 năm sau, dù cái nghèo luôn bám lấy gia đình nhưng hai vợ chồng vẫn quyết định sinh thêm một đứa con với mong muốn nó sinh ra được lành lặn, khỏe mạnh. Tuy nhiên, họa vô đơn chí, con trai của anh chị là em Vi Văn Giót sinh ra cũng mắc chứng bệnh lạ giống chị gái mình.
Cột sống bị lệch của em Vi Văn Giót. |
Cuộc sống của vợ chồng anh Giáo, chị Hiên vốn đã nghèo, quanh năm chỉ trông chờ vào việc làm nương, phát rẫy, nay lại thêm phần khó khăn vì phải lo lắng thêm cho hai đứa con tật nguyền, không có khả năng phụ giúp bố mẹ. Cuộc sống của gia đình lại càng lâm vào cảnh túng quẫn khi anh Vi Tiến Giáo không may qua đời sau một vụ tai nạn vào năm 2009. Cũng từ đó, gánh nặng lo toan, chăm sóc cho các con đều đổ dồn lên đôi vai của chị Lang Thị Hiên. Sống trong cảnh thiếu thốn nên chị Hiên cũng thường xuyên đau ốm, kinh tế gia đình ngày càng thêm kiệt quệ. Toàn bộ thu nhập của gia đình đều nhìn vào diện tích trồng ngô ít ỏi ở phần rẫy cách nhà khoảng 10km.
Hàng ngày, người mẹ nghèo phải để hai đứa con tật nguyền nằm nép mình trong xó nhà để tranh thủ lên nương. Công việc vất vả, lại phải đi xa nên có những hôm chị trở về nhà và bật khóc trong sự bất lực khi thấy các con mình đã đói lả đi. Cũng vì triền miên bị bỏ đói và bệnh tật hành hạ, không được thăm khám và điều trị nên thân thể các con của chị Hiên gầy khô và ngày càng co quắp lại, chỉ còn da bọc xương.
Không biết con bị bệnh gì vì không có tiền đi khám
Chúng tôi ghé thăm bản Yên Hòa vào một buổi chiều mùa đông, căn nhà cấp bốn tềnh toàng của gia đình chị Hiên nằm khuất sau quả đồi nhỏ càng trở nên tiêu điều hơn trước những cơn gió lạnh miền sơn cước. Chúng tôi sững lại khi nhìn thấy cảnh hai em nhỏ ngồi co ro nơi góc thềm. Mặc dù người chị năm nay đã 30 tuổi còn đứa em trai cũng đã 15 tuổi nhưng hình hài vẫn như những đứa trẻ lên 10. Cả hai chị em đều cùng chung một căn bệnh lạ khiến cơ thể gầy guộc, xanh xao, toàn bộ tứ chi bị co quắp lại. Thấy những vị khách lạ, cả hai chỉ đưa ánh mắt thất thần như thay lời chào bởi lẽ cả ngày hôm nay, chị Hiên chưa kiếm được cái ăn đem về nhà. Ánh mắt của hai chị em tật nguyền, khốn khó, bất lực như muốn van lơn, cầu cứu mọi người cho chúng một ân huệ để chấm dứt cuộc sống khổ cực mà chúng đã và đang phải chịu đựng.
15 tuổi, Vi Văn Giót đã phải chịu biết bao đau đớn của căn bệnh quái ác hành hạ. Chúng tôi không khỏi xót xa, giật mình thấy Giót chỉ còn da bọc xương. Đôi chân của Giót không bị co lại nhưng teo hẳn, chỉ một lớp da bọc lấy phần xương khô. Giót cũng chỉ nặng chừng 16kg, đôi mắt thâm quầng, gương mặt hốc hác, em ho rất nhiều vì căn bệnh viêm phế quản mãn tính, không được cứu chữa. Cuộc sống cơ cực của người dân nghèo miền Tây xứ Nghệ như được thể hiện rõ qua hình ảnh của cậu bé Giót. Thấy chúng tôi hỏi han tình hình sức khoẻ cũng như cuộc sống ba mẹ con, em Vi Thị Huệ nói trong nước mắt: "Hai chị em em thường ngồi ở góc nhà này để chờ mẹ đi rẫy về. Ngày nào cũng thế nên mãi thành quen chứ việc đi lại của chúng em khó khăn lắm anh ạ". Vi Thị Huệ năm nay đã 30 tuổi nhưng em chỉ nặng khoảng 25kg. Đôi chân của em hoàn toàn teo tóp. Giống như đứa em trai của mình, phần xương sống cũng bị lệch và biến dạng.
Dưới cái lạnh cắt da cắt thịt, hai số phận tật nguyền khốn khổ cố dựa vào nhau vén tấm chăn cũ kỹ được mẹ trải dưới nền nhà để tìm chút hơi ấm trong căn nhà rách nát. Chị Lang Thị Hiên đã bật khóc khi nói về hoàn cảnh của các con mình: "Khổ lắm các chú ạ, chẳng biết bị bệnh gì mà các con tôi ngày càng tong teo như thế. Tất cả cũng vì cái nghèo bám víu lấy gia đình tôi quá lâu, chồng tôi lại mất sớm nên càng thêm khó khăn. Nhà tôi chỉ trông vào cái rẫy cách nhà gần 10 cây số, hàng ngày tôi phải đi bộ lên để canh chừng hoa màu nên cũng ít có thời gian chăm sóc con cái. Có những hôm về đến nhà, tôi chỉ biết khóc một mình khi chúng đi vệ sinh ra khắp nơi rồi kêu khóc vì đói", người mẹ nghèo bật khóc nức nở.
Cũng chỉ vì điều kiện gia đình quá khó khăn mà chị Hiên chưa một lần đưa các con mình đi thăm khám ở bệnh viện. Đó có lẽ vẫn là một ước mơ quá xa xỉ đối với người mẹ nghèo này. Bởi vậy, hàng chục năm qua, các con của chị Hiên phải sống trong trăm ngàn những đau đớn của bệnh tật hành hạ. Chị Hiên cho hay: "Người dân quanh xóm khuyên tôi đưa chúng xuống bệnh viện để chữa trị nhưng nhà nghèo quá, cái ăn còn lo chưa đủ huống hồ đi chữa bệnh". Được biết, anh Vi Tiến Giáo trước đây từng đi bộ đội đánh giặc ở nước bạn Lào. Kể từ ngày anh trở về địa phương, lấy vợ và sinh con, thì không hiểu sao hai đứa con sau cuả anh chị lại mắc căn bệnh thân hình teo tóp, khô rang như bộ xương ướp.
Nói về trường hợp gia đình chị Hiên, ông Nguyễn Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã Hoa Sơn cho biết: "Đây là một trường hợp có hoàn cảnh khó khăn bậc nhất của địa phương chúng tôi. Cái nghèo đã bám víu họ từ bao nhiêu năm nay, lại thêm bệnh tật của con cái khiến chị Hiên không thể nào thoát ra khỏi sự vất vả. Hiện nay, mẹ con chị Hiên vẫn sống bằng nghề đi rẫy và một ít tiền trợ cấp dành cho người tàn tật của Nhà nước... Mỗi dịp lễ Tết, xã đều trích một phần quỹ vì người nghèo, đồng thời kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn đến trao quà để chị Hiên cùng các cháu bớt phần khó khăn". |