+Aa-
    Zalo

    Trớ trêu chuyện người vợ nhận nhầm xác chồng và những giấc mơ lạ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Vừa chôn cất xong cho “chồng” sau cơn bão, chị Hoa lại ngất lịm khi nghe tin xác chồng thật của mình vẫn đang lạnh lẽo ngoài bờ biển.

    (ĐSPL) - Vừa chôn cất xong cho “chồng” sau cơn bão, chị Hoa lại ngất lịm khi nghe tin xác chồng thật của mình vẫn đang lạnh lẽo ngoài bờ biển. Mọi việc tưởng như chỉ là một sự nhầm lẫn oái oăm đổ dồn lên đầu người phụ nữ bất hạnh này, nhưng với chị nó gắn liền với những giấc mơ phải cưới thêm “chồng” để đền đáp ơn cứu mạng không thành.

    Chị Nguyễn Thị Hoa tâm sự với PV về câu chuyện của mình.

    Nỗi đau còn mãi

    Trong cơn mưa chiều tầm tã, chúng tôi tìm về miền cát nghèo Bình Minh (huyện Thăng Bình, Quảng Nam) những năm sau thảm họa Chanchu. Cuộc sống lắm đổi thay, những điều tốt đẹp dần xuất hiện khỏa lấp những mất mát, đau thương. Thế nhưng, với nhiều người, nhất là những người phụ nữ nơi đây, dường như ký ức kinh hoàng, đớn đau vẫn chưa phôi phai. Ngược thời gian tìm về những ký ức cách đây 8 năm, người dân xã Bình Minh vẫn còn bàng hoàng, kinh hãi khi cơn bão Chanchu đã cướp mất đi của họ chồng, cha, em trong gia đình.

    Với làng biển Bình Minh, từ bao đời nay, đàn ông bám biển mưu sinh đã thành cái nếp. Như bao người phụ nữ làng chài khác, chị Nguyễn Thị Hoa (SN 1964, trú thôn Bình Tịnh, xã Bình Minh) bén duyên với một chàng trai nghề biển. Cuộc sống lắm sóng gió cứ thế trôi khi chị tất tả với công việc chợ búa cùng mấy cô con gái, còn chồng chị, anh là Võ Quang (SN 1962) và hai đứa con trai Võ Phúc (SN 1990), Võ Phương (SN 1994) vươn mình ra khơi.

    Hạnh phúc đơn giản từ biển cả, nhưng cũng chính biển khơi lại mang tai họa cho dân vùng chài. Ngày 16/5/2006 là ngày kinh hoàng không của riêng chị Hoa, là ngày đã biến chị thành góa phụ, cũng cướp mất đi của chị hai đứa con trai. Những hồi ức trở về xen lẫn những giọt nước mắt đắng cay, chị kể: “Ba cha con đi câu mực cùng nhiều ngư dân khác ở đây, rứa mà một đi không trở lại. Cái buổi chiều hôm đó, người ta điện về bảo cha con nó bị bão nhấn chìm rồi. Nỗi đau đó đến giờ vẫn y nguyên trong tim tôi, nghẹn ngào lắm”.

    Hơn năm ngày sau, lực lượng cứu hộ mới tìm thấy xác chồng chị, còn hai đứa con thì vĩnh viễn nằm lại với biển khơi. Nén đau thương, mong muốn đưa xác chồng về quê yên nghỉ, nên bà con thân thích tức tốc đón xe ra Đà Nẵng nhận xác. Mỗi thi thể ngư dân được đặt trong một bao tải đen có dán tên tuổi, quê quán.

    Theo thông tin ấy, cô con gái đầu của chị nhận xác cha mình về chôn cất. Cũng vì đã lâu ngày nên xác trong quá trình phân hủy, thêm phần để tránh chị Hoa đau buồn nên mọi người chôn cất ngay sau đó. Với người đàn bà bất hạnh này, một chút yên lòng nhẹ nhõm phần nào đã xuất hiện dẫu rằng đớn đau vẫn còn ngự trị.

    Hai phần mộ của hai người “chồng” chị Hoa được chôn liền kề nhau.

    Bà góa hai “chồng”

    “Có lẽ ông trời thích trêu ngươi thì phải”, gạt vội dòng nước mắt, sau một hồi đăm chiêu nhìn di ảnh chồng mình, chị kể: “Khi ấy, sau ba hồi bảy lượt khóc nghẹn, chết đi sống lại, tôi mới lấy lại được hồn phách. Cũng may là mồ mả chồng tôi được yên ổn. Ấy thế mà...”. Sự việc bất thần ập đến khi gia đình chị vừa mới chôn cất xác anh Quang được một ngày, thì chị nhận được tin từ một ngư dân cùng đi biển với anh Quang. Chị Hoa nghẹn ngào: “Cứ cuộc điện thoại nào reo lên là tôi lại ngất đi, sao cứ đưa tin dữ về cho tôi vậy. Họ nói xác chồng tôi vẫn còn ở Đà Nẵng, khi cứu chồng tôi lên có thấy đầu gối trầy xước, thêm phần chính họ vớt xác chồng tôi nên biết chắc chắn các đặc điểm”. 

    Vừa mất đi ba người thân, vừa mang tiếng nhận nhầm xác chồng, chị Hoa như chết lặng. Sau này mới biết, khi đưa xác nạn nhân vào bờ, tờ giấy ghi tên anh Quang bị bong ra nên bị dán nhầm vào một cái xác khác. Cộng thêm phần cô con gái đi nhận xác cha cũng vì đau đớn, chỉ còn biết khóc, nên không kiểm tra, cứ thế đưa về an táng. Đến đây mọi người mới hốt hoảng, cái xác kia là của ai? Riêng với chị Hoa thì đứng ngồi không yên, nhiều suy nghĩ ngổn ngang trong đầu. “Tôi lo lắm, cứ nghĩ quẩn, đây không phải chồng mình, rồi liệu ngoài kia có phải chồng mình hay không, hay lại nhận nhầm nữa thì sao”.

    Không khí tang tóc của hơn 30 người chết vì bão ở thôn Bình Tịnh càng nặng nề hơn, khi biết tin chị Hoa chôn nhầm chồng. Thế rồi, một lần nữa gia đình lại tức tốc lên đường đi đón xác chồng về cho chị. Chị nói trong tiếng nấc: “Khoảng 10h đêm ngày 21/5/2006, xác chồng tôi được đưa về đến nhà để an táng. Cả đời tôi có lẽ đó là chuyện khổ đau nhất”. Chỉ tay về phía mặt trời lặn, nơi gò Động Bình Tịnh chị tiếp lời: “Giờ đây hai ngôi mộ được đặt cạnh nhau trên đó. Đều nằm trong nghĩa trang của dòng họ. Hai ngôi mộ của hai ông “chồng tôi” đó chú”.

    Theo chị Hoa, sau khi tìm hiểu ra mới biết người mà gia đình chị an táng nhầm tên Thành (SN 1970, quê ở xã Duy Hải, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Qua một thời gian không lâu, cha và vợ của ngư dân Thành cũng tìm đến nhà chị Hoa xác nhận người thân. Thế nhưng sau lần ấy, họ một đi mà không trở lại. Nhắc đến đây chị chua xót: “Lúc còn sống, tôi chỉ có một chồng. Ngày chết, anh Quang lại “cưới” thêm cho tôi một ông chồng nữa”. Với chị, chuyện nhận nhầm xác trên không phải là một sự vô ý mà là một cơ duyên được anh Quang sắp đặt.

    Người đàn bà góa tâm sự: Sau khi chôn cất xong cho hai “chồng”, chị thường xuyên gặp một giấc mơ lặp đi lặp lại. Trong giấc mơ chị thấy, chồng mình về báo người kia chính là chồng thật của chị trong duyên số. Hơn thế, người này vì cứu chồng chị mà gặp nạn. Việc chị nhận nhầm xác được sắp đặt để chị gặp được người ấy và nhang khói cho trọn nghĩa. Rồi những giấc mơ về một người đàn ông lạ cứ đứng nhìn chị ở trước cửa nhà, nhưng chưa một lần vào nhà chị.

    Từ đó, hàng năm chị lấy ngày 19/4 âm lịch là ngày gặp nạn làm ngày giỗ cho cả hai người “chồng”, cùng hai người con của mình. Phần mộ của người “chồng” thứ hai cũng được xây ngay cạnh phần mộ chồng chị. Với người dân Bình Minh, chị Hoa như người hai “chồng”.  Hiện tại, ba cô con gái của chị Hoa đã đi lấy chồng xa quê, trong căn nhà nhỏ bên bờ biển, chỉ còn lại mình chị. Từ khi mất chồng, mất con, mọi chuyện trong nhà đều do mình chị cáng đáng lo liệu.

    Chị tâm sự: “Ngày nắng cũng như ngày mưa phải dậy từ 3h sáng chuẩn bị đồ nấu cháo bán cho kịp phiên chợ sớm. Có lúc rảnh hơn thì buổi chiều đi phụ người ta làm cá, làm tôm”. Rời vùng biển Bình Minh, có lẽ câu chuyện của chị Hoa cũng là câu chuyện chung của tất cả những phụ nữ góa bụa nơi đây. Biển cả nuôi lớn họ nhưng cũng lắm lúc nghiệt ngã lấy đi của họ tất cả mọi thứ.

    Thảm kịch đã qua đi, nhưng trong trí nhớ những người phụ nữ nơi đây nỗi đau còn mãi để mỗi lần nhắc đến họ lại nghẹn ngào, nức nở cho những người chồng, người cha, người con của họ. Riêng với chị Hoa, giờ đây ba người con gái đã khôn lớn, theo chồng xa xứ, chỉ còn lại mình chị, lặng lẽ, thẫn thờ với hai ngôi mộ bên bờ cát dài xa xăm.                         

    Chuyện nhận nhầm xác là có thật

    Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Hồng Việt, Trưởng thôn Bình Tịnh (xã Bình Triều) xác nhận, chuyện chị Nguyễn Thị Hoa có hoàn cảnh khó khăn, cũng như việc gia đình nhận nhầm xác chồng. Ông Việt chia sẻ thêm: “Sự việc có lẽ chỉ là một nhầm lẫn hi hữu khi tang gia bối rối. Còn về phần những giấc mơ “lạ” của chị Hoa, có lẽ do chịu nhiều mất mát quá nên tâm lý chị ấy không ổn định”.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/tro-treu-chuyen-nguoi-vo-nhan-nham-xac-chong-va-nhung-giac-mo-la-a81390.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Hy hữu những em bé sống sót kỳ diệu

    Hy hữu những em bé sống sót kỳ diệu

    (ĐSPL) – Bé 4 tuổi rơi từ tầng 10 vẫn khỏe mạnh, bé 5 tuổi sống sót khi bị cuốn vào cống thoát nước… là những trường hợp sống sót hết sức kỳ diệu.