(ĐSPL) - Các chiến binh ISIL đã thắt chặt kiểm soát ở miền tây Iraq khi lực lượng an ninh rút khỏi một số thị trấn ở tỉnh Anbar và tiến gần hơn tới Baghdad.
Thông tin lực lượng Iraq rút khỏi ít nhất ba thị trấn của Anbar khiến dư luận nghi ngờ về việc liệu chính phủ của Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đã từ bỏ khu vực này hay chưa. Sự việc diễn ra cùng ngày khi lãnh đạo tối cao của Iran Ayatollah Ali Khamenei chỉ trích mọi hành động can thiệt của Mỹ vào Iraq và khẳng định, chính phủ al-Maliki có thể tự giải quyết vấn đề của họ.
“Mỹ đang cố mô tả đây là một cuộc chiến tranh phe phái. Nhưng những gì đang xảy ra ở Iraq không phải là một cuộc chiến tranh giữa người dân theo dòng Shiite và Sunni”, Ayatollah Ali Khamenei nói trong một tuyên bố của hãng thông tấn Iran IRNA.
Ông cho rằng, những cuộc tấn công ở Iraq do những những thành phần còn sót lại của chế độ Saddam Hussein và những người theo chủ nghĩa cực đoan.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phát biểu từ Cairo (Ai Cập) rằng, không ai có thể nhầm lẫn về điều gì đang xảy ra. “Mỹ đã chuẩn bị để trợ giúp Iraq đối phó điều đó”, ông nói.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry |
ISIL ngày càng tiến gần Baghdad
Trong bối cảnh quốc tế ngày càng gia tăng áp lực đối với al- Maliki, các chiến binh ISIL tiếp tục tiến từ phía tây và phía bắc đến thủ đô Baghdad.
Các quan chức an ninh Iraq nói với hãng tin CNN rằng, căn cứ không quân Tal Afar ở miền bắc Iraq đã bị các chiến binh được cho là lực lượng ISIS chiếm giữ vào chiều Chủ Nhật (22/6). Tuần trước, họ đã kiểm soát thị trấn Tal Afar nhưng tính đến chiều 22/6, lực lượng này mới hoàn toàn kiểm soát căn cứ không quân. Hàng nghìn gia đình Turkmen theo dòng Shiite đã phải tháo chạy khỏi Tal Afar vào tuần trước khi ISIL tấn công thị trấn này.
Hai nguồn tin an ninh ở Baghdad và một nguồn tin ở Anbar nói với CNN ngày 22/6 rằng, ISIL cũng đang kiểm soát thị trấn Rutba thuộc tỉnh Anbar, cách khu vực biên giới với Jordan và Ảrập Xêút 113 km. Với việc chiếm giữ thị trấn Qaim nằm trên vùng biên giới với Syria cùng nhiều thị trấn khác thuộc tỉnh Anbar, lực lượng ISIL đã có thể tiến thẳng đến vùng ngoại ô phía tây của Baghdad. Hai nguồn tin địa phương cho hay, ít nhất 70\% diện tích tỉnh Anbar đã rơi vào tay ISIL.
Trong khi đó, lực lượng Iraq đã rút khỏi Haditha, khu vực cách Baghdad khoảng 270 km về phía tây bắc, nguồn tin giấu tên nói với CNN.
Các bộ lạc Sunni nghĩ rằng, quân đội Iraq sẽ đảm bảo an ninh tại Haditha nhưng các quan chức cho hay, thị trấn sẽ sớm rơi vào tay ISIL. Haditha là nơi có nhà máy thủy điện lớn nhất tỉnh, cung cấp nước cho tỉnh Anbar.
Phát ngôn viên quân đội Iraq, tướng Qassim Atta, nói với các phóng viên rằng “một cuộc rút lui chiến lược” diễn ra tại một số khu vực nhưng không công bố chi tiết các vị trí cụ thể. Ông nói rằng động thái rút binh là một phần của chiến dịch nhằm “mở cửa các mặt trận để chúng ta có thể củng cố các vị trí”.
Mặc dù vậy, dư luận vẫn đặt câu hỏi về việc liệu lực lượng Iraq có thể giành lại quyền kiểm soát các khu vực này từ tay ISIL hay không.
Các chiến binh ISIL đã mở một cuộc tấn công nhằm vào một trong hai căn cứ quân sự còn lại của Anbar vào đêm. Chúng đã tấn công căn cứ Kahlidiya, gần Ramadi nhưng không thể chiếm được và buộc phải rút khỏi vào sáng Chủ Nhật (22/6), quan chức cho biết.
Al- Asad, một căn cứ không quân lớn của Iraq, và thị trấn Hit gần đó vẫn thuộc quyền kiểm soát của chính phủ. Các nhà chức trách dự đoán, hai địa điểm này sẽ là mục tiêu tấn công tiếp theo của ISIL.
Bất chấp nỗ lực bảo vệ thủ đô Baghdad của chính phủ, những cuộc xung đột nhỏ giữa lực lượng nổi dậy theo dòng Sunni (có thể là chiến binh ISIL) với lực lượng an ninh Iraq ở thị trấn Abu Ghraib rất gần biên giới phía tây của Iraq vẫn xảy ra.
Các chiến binh ISIL hành quyết binh sĩ Iraq |
Bạo lực khắp Iraq
Theo báo cáo, bạo lực vẫn bùng phát ở khắp Iraq, bao gồm thành phố Hillah, nơi có đa số dân theo dòng Shiite và cách thủ đô Baghdad khoảng 95 km về phía nam.
Ít nhất 4 người đã thiệt mạng và 34 người bị thương trong cuộc tấn công của ISIL vào một đồn tân binh ở Hillah, nơi hàng trăm nam giới hưởng ứng lời kêu gọi nhập ngũ để bảo vệ đất nước Iraq.
Một quan chức cấp cao cho hay, chính phủ Baghdad đang chờ đợi nhóm cố vấn quân sự đầu tiên của Mỹ tới Iraq. Tổng cộng số lượng cố vấn Mỹ tới nước này sẽ khoảng 300 người.
Ngoài ra, một số quan chức quân sự Mỹ đang có mặt tại Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad sẽ được tái bổ nhiệm và trở thành cố vấn quân sự, theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby.