+Aa-
    Zalo

    Iraq tan rã: Tổng thống Mỹ nào chịu trách nhiệm?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Iraq đang bên bờ tan rã và báo chí Pháp số ra ngày 20/6 đặt câu hỏi: Ai đã gây ra nông nỗi này và ai phải chịu trách nhiệm?

    (ĐSPL) - Iraq đang bên bờ tan rã và báo chí Pháp số ra ngày 20/6 đặt câu hỏi: Ai đã gây ra nông nỗi này và ai phải chịu trách nhiệm?
    Iraq tan rã: Tổng thống Mỹ nào chịu trách nhiệm?

    Tương lai của đất nước Iraq quả là vô cùng đen tối

    Ai đã làm mất Iraq?
    Báo Le Monde chạy trên trang nhất hàng tít “Obama hay Bush: Ai đã làm mất Iraq?”.
    Trong hồ sơ này, Le Monde đề cập đến một loạt chủ đề như : sự chỉ trích của phe bảo thủ nhắm vào đương kim Tổng thống 11 năm sau cuộc chiến do George Bush phát động, phản ứng dè dặt của Barack Obama trong việc hỗ trợ quân sự đối với Iraq… Đặc biệt, Le Monde còn có bài phân tích “Irak, 34 năm bất hạnh”  phác họa lại lịch sử của tấn thảm kịch.
    Cuộc tổng tấn công của lực lượng vũ trang thuộc cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và Cận Đông” (ISIL) khiến một loạt các cựu lãnh đạo chính phủ thuộc đảng Cộng hòa bảo thủ đồng loạt lên tiếng. Nguyên Phó tổng thống Mỹ Dick Cheney (được mệnh danh là “siêu diều hâu”) chế giễu đương kim Tổng thống Barack Obama nói chuyện về “biến đổi khí hậu”, trong lúc đang có “máu chảy, đầu rơi”  tại Iraq. Phe bảo thủ Mỹ tự cho rằng họ hoàn toàn “vô can” về  tình trạng hỗn loạn tại quốc gia Trung Đông này. Lập luận của họ là Iraq vốn đã “ổn định, an toàn và vận hành bình thường”, khi Barack Obama lên nắm quyền và chê trách Tổng thống Obama đã ra lệnh rút quân quá sớm khỏi Iraq, bất chấp những lời cảnh báo.
    Iraq tan rã: Tổng thống Mỹ nào chịu trách nhiệm?

    Tổng thống Mỹ nào phải chịu trách nhiệm về đất nước Iraq tan rã: Obama hay Bush?

    Trên thực tế, hai phần ba người Mỹ cho rằng việc tấn công Iraq theo quyết định của chính quyền Bush là “một sai lầm”. Tình hình hiện nay đang trở nên căng thẳng như nhiều năm về trước, khi phe chống chiến tranh đối đầu quyết liệt với phe chủ trương can thiệp quân sự. Liên minh ủng hộ hòa bình Answer (Act Now to Stop War and End Racism) tại Mỹ kêu gọi biểu tình vào cuối tuần này, chống can thiệp bằng ném bom, đồng thời phản đối việc Washington gửi 275 quân nhân tới Baghdad.
    Hiện tại, ủng hộ một can thiệp quân sự chỉ là chủ trương của phe “tân bảo thủ” trong chính quyền Mỹ. Trong chuyến công du tại Colombia, Phó tổng thống Joe Biden nhắc lại rằng, Nhà Trắng “hy vọng (Baghdad) có các nhân nhượng chính trị để đổi lại các trợ giúp từ phía Mỹ”. Người phát ngôn của chính phủ Mỹ thừa nhận “không có giải pháp quân sự giải quyết được các vấn đề của Iraq”.
    Tổng thống Obama ưu tiên giải pháp ngoại giao
    Về khả năng can thiệp Mỹ, báo Les Echos có bài “Iraq: Obama ưu tiên giải pháp ngoại giao hơn quân sự”. Trong bối cảnh Iraq đang bên bờ tan vỡ và khả năng hình thành một Nhà nước Hồi giáo thánh chiến là hoàn toàn có thể xảy ra, Tổng thống Mỹ Barack Obama cử 300 quân nhân  tới Iraq để phục vụ trước hết cho hoạt động tình báo và cố vấn. Ông Obama tuyên bố sẵn sàng có “hành động có chọn lọc”, sau khi tham khảo ý kiến Quốc hội Mỹ.
    Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đang công du trong vùng, nhận định: Người Iraq phải vượt qua khác biệt để tự tìm ra giải pháp với nhau. Cũng như Mỹ, Pháp có quan điểm là xung đột tại Iraq phải được giải quyết bằng con đường chính trị. Thông cáo của Tổng thống Pháp khẳng định “cần phải thành lập nhanh chóng một chính phủ đoàn kết quốc gia”, bao gồm các bên (Sunni, Shi’ite và Kurdistan). Điều này cũng có nghĩa là phải tránh đất nước bị chia thành ba miền và kêu gọi sự hỗ sợ các quốc gia láng giềng hỗ trợ cho giải pháp một Liên bang Iraq mới. Việc hỗ trợ các nhóm đối lập tại Syria cũng được tính đến vì cuộc chiến hiện nay tại Iraq được coi là “sự tràn bờ của cuộc nội chiến Syria”.
    Iraq, 34 năm bất hạnh
    Bài phân tích quan trọng “Iraq, 34 năm bất hạnh” của Le Monde vạch rõ những cội nguồn sâu xa của tình trạng xung đột với những hệ quả khó lường được tại quốc gia Trung Đông này. Theo nhà phân tích Alain Frachon, những câu hỏi mà giới chính trị - cả tả lẫn hữu - đặt ra hiện nay ở Mỹ và Anh về việc ai phải chịu trách nhiệm đối với sự tan rã của một trong những quốc gia hùng mạnh nhất Cận Đông hiện đang che khuất một thực tế tàn khốc. Đó là từ 34 năm qua, Iraq chỉ biết đến chiến tranh, trong và ngoài nước, tôn giáo và phi tôn giáo, chủ động và thụ động.
    Iraq tan rã: Tổng thống Mỹ nào chịu trách nhiệm?

    Một phụ nữ Iraq tháo chạy khỏi thành phố Mosul, thành phố lớn thứ 2 ở Iraq bị quân nổi dậy Hồi giáo Sunni chiếm giữ.

    Iraq là quốc gia do đế chế Anh thành lập bao gồm ba bộ phận: người Kurd, người Arập theo hệ phái Sunni và người Arập theo hệ phái Shi’ite trên đống hoang tàn của đế chế Ottaman vào năm 1921. Theo nhà chính trị học Pierre-Jean Luizard, Iraq là nhà nước “được dựng lên để chống lại chính xã hội của mình”. Đời sống chính trị tại Baghdad trước 1979 chưa bao giờ bình yên. Nhưng kể từ 1979 trở lại đây, Iraq thực sự rơi vào địa ngục, sau khi Saddam Hussein lên nắm quyền, cùng lúc với cuộc cách mạng Hồi giáo tại Iran.
    Với nòng cốt là người Sunni, chế độ của Hussein vừa thành công về kinh tế-xã hội, vừa hết sức độc tài về chính trị. Chế độ này là một “sản phẩm lai ghép” giữa chủ nghĩa dân tộc Arập và chủ nghĩa thế tục cấp tiến. Chế độ này đã gạt ra rìa người Shi’ite và thanh trừng người Kurd.
    Cuộc chiến tranh kéo dài 8 năm (kết thúc năm 1988) với Cộng hòa Hồi giáo Iran, khiến nước Iraq “thế tục” không thể gượng dậy. Bị các quốc gia quân chủ vùng Vịnh từ chối giúp đỡ tài chính, Iraq trả thù bằng cách tấn công Kuwait. Để rồi từ đó, bi kịch nối tiếp bi kịch, với 2 lần can thiệp của quân đội Mỹ dưới chính quyền thuộc phe bảo thủ. Hai lần can thiệp đó bị chỉ trích rất nhiều. Thực tế cho thấy Saddam Hussein không sở hữu vũ khí hạt nhân, không có liên hệ với Al-Qaeda hay cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, như cựu Tổng thống “Bush con” cáo buộc.
    Theo nhà phân tích của báo Le Monde, “cuộc chiếm đóng (Iraq của chính quyền Bush) làm tan rã những gì sót lại của Nhà nước Iraq, khiến Al-Qaeda phục sinh và đưa những người Shia cực đoan nhất lên nắm quyền”. Sau khi người Mỹ rút khỏi Iraq, đối đầu giữa hai cộng đồng Sunni và Shi’ite ngày càng gia tăng. Sự sụp đổ của Nhà nước Iraq khiến chia rẽ tôn giáo càng trở nên quyết liệt, như những gì diễn ra tại Syria. Tình hình Iraq quả là đen tối và vô cùng bất hạnh.
    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/iraq-tan-ra-tong-thong-my-nao-chiu-trach-nhiem-a37654.html
    Iraq bên bờ nội chiến

    Iraq bên bờ nội chiến

    (ĐSPL) - Iraq có nguy cơ sa vào nội chiến giữa người Hồi giáo Shi’ite và Sunni, với ISIL được nhiều thành phần thuộc chế độ cũ của Saddam Hussein ủng hộ.

    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Iraq bên bờ nội chiến

    Iraq bên bờ nội chiến

    (ĐSPL) - Iraq có nguy cơ sa vào nội chiến giữa người Hồi giáo Shi’ite và Sunni, với ISIL được nhiều thành phần thuộc chế độ cũ của Saddam Hussein ủng hộ.