+Aa-
    Zalo

    Nỗi bất hạnh của người đàn bà chăm chồng thần kinh, nuôi con thiểu năng trí tuệ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Bao năm qua, người phụ nữ ấy vất vả ngược xuôi, ai thuê gì làm nấy để có tiền nuôi con gái bị thiểu năng trí tuệ và người chồng mắc bệnh tâm thần.

    Về xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, Hải Dương hỏi gia đình chị Lê Thị Ngẫm ai cũng biết. Hoàn cảnh bi đát mà chị Ngẫm và gia đình phải gánh chịu khiến nhiều người xót xa. Bao năm qua, người phụ nữ ấy vất vả ngược xuôi, ai thuê gì làm nấy để có tiền nuôi con gái bị thiểu năng trí tuệ và người chồng mắc bệnh tâm thần.

    Chị Ngẫm cố nén cảm xúc khi nghĩ về cuộc đời bất hạnh mà mình trải qua. 

    Trái tim "rỉ máu" của người phụ nữ bất hạnh

    Dưới cái nắng như thiêu như đốt, theo chân Trưởng thôn Đông Bình, chúng tôi đến nhà chị Ngẫm ở cuối con đường gồ ghề sỏi đá. Dù đang trong những ngày đầu tháng Bảy nắng nóng, căn nhà ấy vẫn khiến chúng tôi cảm thấy có chút bí bách, lạnh lẽo. Có thể hiểu được vì sao ngôi nhà ấy gần như không có sức sống bởi nơi đây thiếu hẳn đi tiếng nói, nụ cười. Nghe có tiếng xe máy, một người phụ nữ dong dỏng cao, ánh mắt u buồn từ trong nhà bước vội ra. Đó là chị Lê Thị Ngẫm.

    Giọng buồn buồn, chị Ngẫm chia sẻ, cuộc đời chị phải trải qua quá nhiều bất hạnh, truân chuyên. Gia đình đông con, hết cấp 1, chị phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ. Lớn lên, chị yêu và quyết định kết hôn với anh Phạm Quang Phan (SN 1982) dù bị hai bên gia đình phản đối quyết liệt. "Khi biết tôi và anh Phan yêu và quyết lấy nhau, không chỉ gia đình tôi phản đối đâu mà bên gia đình anh ấy cũng can ngăn vì không muốn anh lấy vợ hơn nhiều tuổi", chị Ngẫm ngậm ngùi kể lại.

    Con tim luôn lý lẽ riêng mà bộ não chẳng thể chỉ huy. Đó chính là thứ đã tạo nên sự thăng hoa của thứ cảm xúc được gọi là tình yêu. Vì vậy, bất chấp sự ngăn cản, chị Ngẫm và anh Phan chính thức về chung một nhà vào năm 2002. Sau khi kết hôn, ngoài việc phụ giúp chị Ngẫm làm vườn, anh Phan thường xuyên đi phụ hồ để có thêm tiền trang trải cuộc sống. Là những người lao động tay chân, cuộc sống mưu sinh của cặp vợ chồng trẻ đánh đổi bằng những giọt mồ hôi mặn chát. Thế nhưng, thứ gia vị mặn chát đầy nhọc nhằn ấy được bù lại bằng những nụ cười. Niềm vui của gia đình nhỏ này nhân đôi khi chị Ngẫm sinh con trai đầu lòng năm 2003. Họ hạnh phúc bên nhau với sự yêu thương đong đầy.

    Tưởng chừng, cuộc sống cứ như vậy êm đềm trôi qua. Nhưng không, đây mới là mở đầu cho tấn bi kịch mà người phụ nữ có đôi mắt u buồn phải gánh chịu. Lấy tay gạt đi giọt lệ đã tràn khóe mi khi nhớ về người con trai đoản mệnh, chị Ngẫm cho biết, lúc mới sinh ra, cháu khoẻ mạnh bình thường nhưng đến khoảng 3 tháng thì có biểu hiện khác thường và phát hiện bị tim bẩm sinh dẫn đến teo não.

    "Khi biết con trai bị tim bẩm sinh, tôi như chết lặng. Lúc đó, hai vợ chồng chỉ biết ôm nhau khóc. Chúng tôi cố gắng chữa bệnh cho con. Nghe ở đâu có thầy hay thuốc tốt là chúng tôi lại đưa con đến. Hơn 8 năm, cuộc sống của cháu đều phụ thuộc vào tôi. Đi đâu, làm gì tôi đều cõng cháu theo vì cháu không đi lại được. Thương con, xót con mà không làm gì được để rồi cháu cũng mãi mãi ra đi...", chị Ngẫm nghẹn ngào.

    Nén chặt nỗi đau mất con vào sâu thẳm trái tim, chị Ngẫm hạ sinh được một "nàng công chúa". Hai vợ chồng đặt rất nhiều kỳ vọng vào cô con gái nhỏ này. Vậy nhưng, mọi hy vọng của chị và gia đình nhanh chóng tan biến khi phát hiện con bị thiểu năng trí tuệ. Nghĩ về hoàn cảnh éo le của mình và thương cho con gái bé bỏng, một lần nữa những giọt nước mắt đau đớn lại lăn dài trên khuôn mặt người phụ nữ khắc khổ ấy.

    "Sau khi ông trời cướp đi đứa con đầu, mọi hy vọng vợ chồng tôi đều đặt vào con gái út, nhưng đến 6 tuổi cháu được phát hiện bệnh về trí tuệ. Còn nỗi đau nào bằng? Nén lòng, vợ chồng tôi đành cho cháu ở tại trung tâm bảo trợ tỉnh và đến thăm nuôi.

    Mất đi điểm tựa cuộc đời

    Trước đây, trong lúc chị tuyệt vọng nhất, anh Phan là chỗ dựa vững chắc của chị. Anh là người động viên, giúp chị vượt qua nỗi đau. Trớ trêu thay, chỗ dựa vững chắc giờ đây cũng không còn. Đưa ánh mắt thất thần nhìn về khoảng sân trước mặt, chị cho biết đã sốc khi chồng mắc bệnh thần kinh: "Năm 2010, khi anh đi làm về, tôi thấy anh có biểu hiện lạ. Anh cứ cười nói một mình, rồi đập phá đồ đạc. Đưa anh đi khám, tôi bàng hoàng khi biết, anh bị thần kinh".

    Lại một lần nữa, người phụ nữ ấy nén lại nỗi đau để bước vào hành trình chữa bệnh cho chồng. Bao nhiêu đồ đạc, của cải giá trị trong nhà đều bị mang đi cầm cố. Thế nhưng, sức người đôi khi chẳng đương đầu nổi với gánh nặng nghìn cân của số phận. Dù được đưa đi khám nhiều nơi, uống nhiều loại thuốc nhưng bệnh tình của anh Phan không hề thuyên giảm, thậm chí còn nặng hơn. Anh thường xuyên đập phá đồ đạc, đánh vợ và còn bỏ nhà đi lang thang. "Cực chẳng đã, người vợ bất hạnh ấy buộc phải nhốt chồng vào một căn phòng chật hẹp: "Không còn đủ sức điều trị, tôi nhờ người sửa căn buồng nhỏ trái nhà, làm song sắt và để chồng ở trong đó. Đến bữa ăn, tôi đưa cơm cho chồng và mọi sinh hoạt đều trong căn buồng rộng vài mét vuông".

    Vì điều kiện không cho phép, chúng tôi chỉ đứng từ xa để cố gắng bắt chuyện với anh Phan. Tuy nhiên, ngoài việc ngồi đập tay vào cửa rồi cười phá lên, anh Phan không nói câu gì, người ngơ ngơ ngẩn ngẩn rất đáng thương. Ánh mắt ngơ ngác, nụ cười ngờ nghệch của anh Phan cùng những giọt nước mắt của chị Ngẫm khiến chúng tôi ám ảnh suốt chặng đường ra về và cũng chỉ cầu mong có một phép lạ cho gia đình anh chị...

    Mọi sự giúp đỡ gia đình chị Ngẫm, quý độc giả quan tâm có thể liên hệ qua địa chỉ chị Lê Thị Ngẫm, thôn Đồng Bình, xã Ninh Hải, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương.

    Trao đổi với PV ĐS&PL, ông Vũ Văn Diệu, Phó Chủ tịch xã Ninh Hải cho biết: "Hoàn cảnh gia đình chị Ngẫm đặc biệt khó khăn. Chồng là anh Phan bị thần kinh nên phải nhốt trong gian nhà nhỏ, con gái bị thiểu năng, UBND xã vẫn có những phần quà động viên gia đình. Bên cạnh đó, chúng tôi đã đưa gia đình này vào danh sách hộ nghèo để giúp chị Ngẫm có thêm khoản hỗ trợ để chăm chồng, nuôi con".

    Dù thế nào cũng sẽ nuôi anh đến cuối đời "Nhiều khi không bình tĩnh, anh đánh tôi, hất cả bát canh nóng vào mặt tôi nhưng không sao cả. Đã có lúc tôi thấy thực sự bất lực, chỉ muốn mình làm một liều thuốc ngủ để kết thúc những tháng ngày đau khổ dài dằng dặc. Thế nhưng nghĩ đến mình chết đi rồi ai là người chăm sóc chồng con, tôi lại không đành lòng. Tôi chỉ có một ước muốn, bản thân có thật nhiều sức khỏe, để chăm chồng, nuôi con.

    Uông Đàm Linh

    Bài đăng trên ấn phẩm Đời sống& Pháp luật số 112

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/noi-bat-hanh-cua-nguoi-dan-ba-cham-chong-than-kinh-nuoi-con-thieu-nang-tri-tue-a330927.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan