+Aa-
    Zalo

    Nợ thuế từ 50 triệu đồng sẽ bị cấm xuất cảnh: Tại sao?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Một trong những nội dung của dự thảo mà bộ Tài chính công bố mới đây đang khiến cả người dân lẫn doanh nghiệp “đứng ngồi không yên”.

    (ĐSPL) - Một trong những nội dung của dự thảo mà bộ Tài chính công bố mới đây đang khiến cả người dân lẫn doanh nghiệp “đứng ngồi không yên”. Theo nội dung dự thảo, doanh nghiệp nợ tiền thuế từ 1 tỉ đồng trở lên, cá nhân nợ tiền thuế từ 50 triệu đồng trở lên, trong đó có khoản nợ trên 90 ngày sẽ bị hoãn xuất cảnh.

    Cấm xuất cảnh: Chủ yếu mới có tác dụng phòng ngừa

    Báo cáo Tổng kết công tác thuế năm 2014 của Tổng cục Thuế cho biết, tính tới thời điểm 31/12/2014, tổng số thuế nợ của cả nước là 70.241 tỉ đồng, tăng 14,9\% so với thời điểm 31/12/2013. Cũng tại báo cáo này, lãnh đạo Tổng cục Thuế thừa nhận tình hình nợ thuế ở Việt Nam những năm qua đã ở mức khá nghiêm trọng. Và có lẽ do những khó khăn trong việc thu hồi  những khoản nợ khó đòi như vậy mà mới đây bộ Tài chính đã công bố dự thảo “Quyết định về việc chưa được xuất cảnh, tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế”.

    Theo dự thảo, người Việt Nam chỉ được xuất cảnh khi không còn nợ thuế. Còn đối với người nước ngoài, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh tối đa là 3 năm kể từ ngày ban hành văn bản tạm hoãn xuất cảnh và được gia hạn cho đến khi nộp đủ thuế. Cụ thể hơn, doanh nghiệp mà nợ 1 tỉ đồng trở lên, cá nhân nợ trên 50 triệu đồng, trong đó có khoản nợ trên 90 ngày thì cá nhân, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ không được xuất cảnh cho đến khi nào hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Tiền nợ thuế này bao gồm các khoản thuế, phí, lệ phí, khoản thu về đất đai (ví dụ tiền sử dụng đất), tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.

    Từ trước tới giờ, cơ quan thuế cũng đã áp dụng nhiều biện pháp để thu hồi khoản nợ khó đòi này như: Dừng làm thủ tục hải quan trên cả nước với những doanh nghiệp nợ thuế, hoặc liên tục công khai danh sách một loạt doanh nghiệp nợ thuế lớn và các dự án nợ tiền sử dụng đất kéo dài (hiện biện pháp này được cục Thuế Hà Nội và cục Thuế TP.HCM áp dụng). Do vậy, theo nhiều chuyên gia trong lĩnh vực thuế thì cũng nên coi việc cấm xuất cảnh đối với cá nhân, doanh nghiệp nợ thuế là một hình thức trong nhiều hình thức thu thuế nợ của cơ quan thuế.

    PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Tại chức (học viện Tài chính) cho hay: “Việc cấm xuất cảnh đối với cá nhân nợ thuế được quy định tại Điều 53, luật Quản lý thuế năm 2007. Do đó, đây không phải là vấn đề gì quá mới mẻ nhưng nội dung dự thảo này có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng hơn để tổ chức thực hiện luật Quản lý thuế. Cần lưu ý rằng, để cưỡng chế nợ thuế, có nhiều biện pháp và mỗi biện pháp phù hợp với một điều kiện, hoàn cảnh nhất định. Bởi vậy, không thể trông chờ vào duy nhất biện pháp cấm xuất cảnh và cũng không thể nói rằng nhiều trường hợp cấm xuất cảnh vẫn không thu được thuế nợ nên hãy bỏ biện pháp này đi. Biện pháp này có tác dụng chủ yếu phòng ngừa trường hợp người nộp thuế bỏ trốn ra nước ngoài để không thực hiện nghĩa vụ thuế”.

    Người dân nợ trên 50 triệu đồng có thể sẽ bị cấm xuất cảnh (ảnh minh họa).

    Chưa thấy quyền được thông tin khi bị cấm xuất cảnh vì... nợ?

    Chính bộ Tài chính từng cho biết, số tiền nợ thuế tăng trong mấy năm gần đây là do ảnh hưởng của tình hình kinh tế khó khăn. Tuy nhiên, hiện nay có ý kiến cho rằng, nhiều doanh nghiệp bị nợ thuế là do kinh tế khó khăn. Chính vì vậy, họ cũng cần đi nước ngoài gặp gỡ đối tác, đi tìm thị trường, tìm hợp đồng xuất khẩu nên nếu cấm xuất cảnh thì càng khó cho doanh nghiệp và cơ quan thuế càng khó có cơ hội thu được thuế.

    PGS.TS Lê Xuân Trường lại cho rằng: “Trong các văn bản pháp luật liên quan tới thuế, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn khách quan (hỏa hoạn, thiên tai... ) dẫn đến nợ thuế thì cũng được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện nghĩa vụ thuế chứ Nhà nước không dùng mọi biện pháp để thu thuế bất chấp khó khăn của doanh nghiệp. Hơn nữa việc đàm phán ký kết hợp đồng với đối tác nước ngoài đâu chỉ có duy nhất một con đường là xuất cảnh ra nước ngoài. Như tôi đã nói, cấm xuất cảnh có mục tiêu quan trọng là phòng ngừa trường hợp người nộp thuế bỏ trốn ra nước ngoài. Trên thực tế, việc cơ quan thuế sử dụng quyền lực mà pháp luật cho phép để thu hồi thuế chỉ diễn ra ở những người mặc dù không thực sự gặp khó khăn nhưng vẫn chây ì, dây dưa, không chịu nộp thuế”.

    Ở một chiều phân tích ngược lại, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết: “Chúng ta chỉ nên coi biện pháp cấm xuất cảnh với người dân, doanh nghiệp nợ thuế là một hình thức trong rất nhiều hình thức truy thu thuế. Nhưng điều tôi băn khoăn ở đây là tính công bằng khi xét dưới góc độ pháp lý, rõ ràng một người nợ thuế Nhà nước thì phải có nghĩa vụ trả nợ. Nếu không anh ta bị cấm xuất cảnh còn nhẹ, nhiều người còn phải ngồi tù. Đó là điều hiển nhiên. Nhưng hiện nay, chúng ta đang có ba khoản nợ chính là nợ thuế, nợ xấu và nợ đọng xây dựng cơ bản. Nếu coi nợ thuế là việc người dân, doanh nghiệp nợ tiền Nhà nước thì có thể coi nợ đọng xây dựng cơ bản là Nhà nước đang nợ người dân. Dùng tiền ngân sách Nhà nước để đầu tư cơ sở hạ tầng quốc gia nhưng bị chậm tiến độ, dở dang, những dự án treo... thì Nhà nước phải có trách nhiệm với người dân chứ? Tại sao người dân nợ tiền Nhà nước thì bị cấm xuất cảnh, bị tù trong khi ở chiều ngược lại thì chẳng làm sao? Vì thế, cần phải có sự bình đẳng từ hai phía, ở đây là bình đẳng về trách nhiệm trong những khoản nợ của mình”.

    Hiện nay, nhiều ý kiến người dân, doanh nghiệp cũng đang thắc mắc, tại sao trong dự thảo vừa công bố mới đây của bộ Tài chính không thấy đề cập gì tới chuyện họ có thể tiếp cận thông tin mình bị cấm xuất cảnh như thế nào. Luật sư Nguyễn Văn Nghi (đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, đây cũng là điểm hạn chế của dự thảo này.

    Luật sư Nghi phân tích: “Theo quy trình hiện nay, cơ quan thuế sẽ gửi danh sách những cá nhân, doanh nghiệp bị cấm xuất cảnh cho cơ quan xuất nhập cảnh và cơ quan này phê duyệt áp dụng. Trong dự thảo cũng quy định việc trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế với cơ quan xuất nhập cảnh, tiến tới trao đổi thông tin qua hệ thống điện tử. Thế nhưng, quan trọng nhất là người bị cấm xuất cảnh thì lại chưa thấy dự thảo đề cập quyền được thông tin về việc mình bị áp dụng biện pháp này. Như thế này thì người dân sẽ phải chịu rất nhiều bất lợi vì đôi khi sự cố xảy ra là hoàn toàn khách quan (như lỗi máy tính chẳng hạn)”. 

    Hiện chỉ áp dụng cấm xuất cảnh với người nước ngoài nợ thuế

    Ông Lê Xuân Dương, Cục phó cục Thuế TP.HCM, trong buổi trao đổi với báo Pháp luật TP.HCM mới đây cho biết, cơ quan thuế hiện nay chỉ gửi danh sách áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh khỏi Việt Nam đối với người nước ngoài nợ thuế thu nhập cá nhân mà thôi. Còn với cá nhân, doanh nghiệp mà nợ thuế trên 90 ngày thì áp dụng mà không phân biệt số nợ là bao nhiêu.

    Phạm Thiệu

    [mecloud]LUhvNUx8gb[/mecloud]

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/no-thue-tu-50-trieu-dong-se-bi-cam-xuat-canh-tai-sao-a103896.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.