Báo cáo chi - tiêu công Việt Nam cho thấy Chính phủ đang gặp những thách thức rất lớn để có thể duy trì nợ công an toàn.
Ngày 3/10, tại Hà Nội, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức công bố báo cáo Đánh giá chi tiêu công Việt Nam. Bản báo cáo được thực hiện trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng dư địa tài khóa bị thu hẹp, bội chi ngân sách kéo dài ở mức cao có ảnh hưởng đến khả năng bền vững tài khóa trong trung hạn, Thời báo Tài chính Việt Nam đăng tải.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện chính sách thu, chi, bội chi và quản lý nợ công của Việt Nam gắn với thực tiễn điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2010 - 2015, báo cáo đã chỉ ra xu thế thu, chi, vay nợ của ngân sách nhà nước (NSNN) và đưa ra những khuyến nghị mang tính định hướng trong việc củng cố tài khóa, cải cách chính sách và quản lý tài chính công theo lộ trình trong ngắn, trung và dài hạn.
Ngoài ra, các vấn đề như: Mức động viên thu NSNN so GDP đang có xu hướng giảm, nhất là tỷ trọng thu từ thuế và phí, trong khi nhu cầu chi ngân sách thời gian qua tăng nhanh, đặc biệt là chi đảm bảo mạng lưới an sinh xã hội; tốc độ mở cửa nền kinh tế nhanh, kết hợp với việc đẩy mạnh phân cấp quản lý đã làm cho công tác quản lý kinh tế - tài chính trở nên phức tạp hơn… là thực trạng được đề cập.
Công bố báo cáo Đánh giá chi tiêu công Việt Nam. Ảnh: Thời báo tài chính Việt Nam. |
Bà Vũ Hoàng Quyên, chuyên gia kinh tế cao cấp WB cho biết, giai đoạn 2011-2015, bội chi ngân sách Việt Nam bình quân lên đến 5,6% GDP/năm. Chi tiêu công tăng nhanh, vay nợ nhiều hơn. Trong khi thu ngân sách vẫn khó khăn và so với GDP lại sụt giảm (do giảm thu từ dầu thô, thuế xuất nhập khẩu, thu từ đất, ưu đãi thuế). Hệ quả, nợ công tăng mạnh trong thời gian qua, từ 58% GDP năm 2014 lên 61% năm 2015. “Điều này gây lo ngại về tính bền vững trong trung hạn”, bà Quyên nói.
Nợ công (không bao gồm nợ của doanh nghiệp nhà nước) cũng tăng từ 51,7% GDP năm 2010 lên 61% GDP năm 2015. Trong đó, nợ trực tiếp của Chính phủ chiếm 43,3% GDP. Theo đánh giá của WB, mức nợ Chính phủ này tương đương các nước trong khu vực, nhưng đáng lo nhất là tốc độ nợ tăng nhanh, đã tăng 10% trong 5 năm qua, bất chấp thành tích tăng trưởng kinh tế ấn tượng.
Nếu còn tiếp diễn, Việt Nam sẽ phải đối mặt với những quan ngại nghiêm trọng về bền vững tài khóa. Cùng với đó, việc vay trong nước nhiều hơn cũng gây sức ép về trả nợ trong tương lai gần, khi đa số khoản vay đều ngắn hạn (chỉ 3-5 năm), báo Tiền phong đăng tải.
Theo tính toán của các chuyên gia WB và Bộ Tài chính, có tới phân nửa các khoản nợ trong nước của Chính phủ sẽ đáo hạn trong 3 năm tới.
Dù đang nằm trong ngưỡng cho phép nhưng bội chi ngân sách nước ta vẫn ở mức cao, nếu bội chi ngân sách và mức bảo lãnh của Chính phủ vẫn được duy trì như hiện nay, tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam sẽ tăng vượt trần cho phép (vượt 65% GDP) trong những năm tới.
Bên cạnh đó, ngân sách ngày càng mỏng nên chỉ cần kinh tế biến động nhẹ có thể gây mất bền vững nợ công, tổn thương cho đất nước bất chấp sự quản lý cẩn trọng về thu – chi ngân sách.
Vì vậy, theo đại diện WB, dù Chính phủ tăng kỷ luật tài chính của doanh nghiệp nhà nước và về nguyên tắc nhà nước không trả thay doanh nghiệp nhưng nếu doanh nghiệp nhà nước mất khả năng trả nợ, Chính phủ vẫn phải can thiệp. Do đó, các chuyên gia lưu ý công tác quản lý nợ phải tính tới những rủi ro đó và phải duy trì được khoản dư ngân sách đủ để xử lý những cú sốc nếu xảy ra.
Đồng thời Chính phủ cần phải có chính sách phòng trước nếu những rủi ro có thể thành hiện thực.
Minh Thư(T/h)