+Aa-
    Zalo

    Những vấn đề pháp lý quanh vụ 2 cô gái trẻ bị đưa vào trung tâm xã hội vì...không mang giấy tờ

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Vụ không mang theo giấy tờ khi đi uống cà phê, 2 cô gái trẻ ở Sài Gòn bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội đang khiến dư luận xôn xao.

    Vụ không mang theo giấy tờ khi đi uống cà phê, 2 cô gái trẻ ở Sài Gòn bị đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội đang khiến dư luận xôn xao. 

    Đi uống nước không mang giấy tờ, 2 cô gái bị đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội

    Theo báo Dân Việt, vào khoảng 15h ngày 18/9, Nguyễn Thị T. N (21 tuổi, quê Tiền Giang), và Ngô Thị K. (16 tuổi, quê Đồng Nai) đến quán người bạn tại khu phố 5, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP HCM uống nước. Tại đây, khi lực lượng chức năng phường Tam Bình đến kiểm tra hành chính, do không mang theo giấy tờ nên N. và K. được mời về trụ sở phường làm việc.

    Đến 19h45, do không có giấy tờ tùy thân và không có người than đến bảo lãnh nên công an phường đã phối hợp với cán bộ chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội của phường lập hồ sơ đưa cả 2 cô gái vào Trung tâm HTXH TP.HCM theo quy định tại Quyết định 29/2017/QĐ-UBND TP.HCM.

    Đến chiều 27/9, 2 cô gái mới được làm các thủ tục hồi gia. Ông Lê Nguyễn Trọng Quốc, Chủ tịch phường Tam Bình khẳng định đã làm đúng quy định.

    “Anh em làm việc theo quy định mà. Lúc kiểm tra, hai bé không hợp tác, không có giấy tờ nên lập hồ sơ đưa đi thôi”, ông Quốc cho hay.

    Liên quan đến vụ việc, trả lời báo Thời Đại/Trí Thức Trẻ, Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Gia Đình cho biết, căn cứ theo quy định tại Điều 25 Nghị định 136/2013 và Quyết định 29/2017 của UBND TP HCM, trường hợp đưa 2 cô gái này vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội là không thuộc đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở hỗ trợ xã hội.

    2 cô gái xinh đẹp bị đưa vào Trung tâm bảo trợ xã hội vì không mang theo giấy tờ tùy thân. Ảnh: VTC News

    Theo luật sư Hùng, để đưa một người vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội thì chỉ khi có căn cứ người đó không có địa chỉ thường trú/tạm trú rõ ràng. Việc xác định một người không có địa chỉ thường trú/tạm trú rõ ràng phải có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người đó tạm trú/thường trú.

    "Theo tôi, mới chỉ 2 tiếng đồng hồ mà cơ quan chức năng đã đưa 2 chị này vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội là chưa bảo đảm theo trình tự pháp luật vì còn phải xác minh cụ thể.

    Hơn nữa, theo thông tin của người nhà thì họ đã đưa giấy tờ tùy thân để bảo lãnh, nhưng các cơ quan này vẫn không chấp nhận là không có căn cứ. Vì giấy tờ tùy thân là căn cứ thể hiện người đó có hộ khẩu tại đâu.

    Hai cô gái này chưa xuất trình được giấy tờ tùy thân chứ không thuộc diện người ăn xin, lang thang, không có nơi cư trú ổn định như UBND phường Tam Bình nêu. Chỉ khi xem xét các giấy tờ tùy thân, xác minh cụ thể mới có căn cứ xác minh về nhân thân, công việc và nơi cư trú của họ. Từ đó mới có căn cứ đưa vào Trung tâm", luật sư Hùng nói.

    Được biết theo Quyết định 29/2017/QĐ-UBND TP.HCM về việc quản lý người xin ăn không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định trên địa bàn TP HCM quy định, người ăn xin là những người đi xin dưới bất kỳ hình thức nào như đàn hát để xin, giả danh tu sĩ Phật giáo để đi khất thực hoặc những hành vi đi xin nhưng có tính đối phó khi kiểm tra như bán vé số, bán bánh, kẹo và các hành vi tương tự.

    Người sinh sống nơi công cộng: là người thực hiện hoạt động sinh hoạt thường ngày như tắm, giặt, ăn, ngủ nơi công cộng.

    Nơi công cộng: vỉa hè, lòng - lề đường, gầm cầu, quảng trường, công viên, vườn hoa, nơi vui chơi giải trí, nhà ga, trạm dừng xe buýt, bến xe, bến tàu, bến cảng, chợ và những nơi công cộng khác.

    Người không có nơi cư trú ổn định là trường hợp không xác định được nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc có nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú nhưng không sinh sống tại đó và thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định.

    Khi phát hiện người có hành vi xin ăn, sinh sống nơi công cộng, các quận, huyện thực hiện tập trung đối tượng và thực hiện xác minh nơi cư trú, giải quyết hồi gia, hồi nhập cộng đồng hoặc đưa đến các đơn vị tiếp nhận ban đầu.

    Đối tượng nào được đưa vào trung tâm bảo trợ xã hội

    Trung tâm Bảo trợ xã hội là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội. Trung tâm chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp và toàn diện của Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội; đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của các Vụ, Cục có liên quan thuộc Bộ Lao động thương binh và Xã hội.

    Theo Nghị định số 68/2008/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội, Trung tâm Bảo trợ xã hội có chức năng tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng được tiếp nhận vào trung tâm. Tổ chức hoạt động phục hồi chức năng, lao động sản xuất; trợ giúp các đối tượng trong các hoạt động tự quản, văn hóa, thể thao và các hoạt động khác phù hợp với lứa tuổi và sức khỏe của từng nhóm đối tượng.

    Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, tổ chức để dạy văn hoá, dạy nghề, giáo dục hướng nghiệp nhằm giúp đối tượng phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và nhân cách.

    Chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương đưa đối tượng đủ điều kiện hoặc tự nguyện xin ra khỏi cơ sở bảo trợ xã hội trở về với gia đình, tái hoà nhập cộng đồng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho đối tượng ổn định cuộc sống. Cung cấp dịch vụ về công tác xã hội đối với cá nhân, gia đình có vấn đề xã hội ở cộng đồng nơi có trụ sở (nếu có điều kiện).

    Nghị định số 68/2008/NĐ-CP của Chính phủ và Nghị định số 67/2007/NĐ-CP quy định những đối tượng được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội bao gồm, những đối tượng thuộc diện trợ cấp xã hội sau, thuộc diện đặc biệt khó khăn không tự lo được cuộc sống thì được xem xét tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội hoặc nhà xã hội tại cộng đồng.

    Trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, mất nguồn nuôi dưỡng; trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại là mẹ hoặc cha mất tích theo quy định tại Điều 78 của Bộ luật Dân sự hoặc không đủ năng lực, khả năng để nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật; trẻ em có cha và mẹ, hoặc cha hoặc mẹ đang trong thời gian chấp hành hình phạt tù tại trại giam, không còn người nuôi dưỡng; trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ gia đình nghèo.

    Người chưa thành niên từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nhưng đang đi học văn hóa, học nghề, có hoàn cảnh như trẻ em nêu trên.

    Người cao tuổi cô đơn, thuộc hộ gia đình nghèo; người cao tuổi còn vợ hoặc chồng nhưng già yếu, không có con, cháu, người thân thích để nương tựa, thuộc hộ gia đình nghèo (theo chuẩn nghèo được Chính phủ quy định cho từng thời kỳ).

    Người tàn tật nặng không có khả năng lao động hoặc không có khả năng tự phục vụ, thuộc hộ gia đình nghèo.

    Người mắc bệnh tâm thần thuộc các loại tâm thần phân liệt, rối loạn tâm thần đã được cơ quan y tế chuyên khoa tâm thần chữa trị nhiều lần nhưng chưa thuyên giảm và có kết luận bệnh mãn tính, sống độc thân không nơi nương tựa hoặc gia đình thuộc diện hộ nghèo.

    Người nhiễm HIV/AIDS không còn khả năng lao động, thuộc hộ gia đình nghèo.

    Ngoải ra những người không có điều kiện sống ở gia đình và có nhu cầu vào sống ở cơ sở bảo trợ xã hội, tự nguyện đóng góp kinh phí hoặc có người thân, người nhận bảo trợ đóng góp kinh phí.

    Các đối tượng xã hội khác do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định.

    (Tổng hợp)

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-van-de-phap-ly-quanh-vu-2-co-gai-tre-bi-dua-vao-trung-tam-xa-hoi-vikhong-mang-giay-to-a203337.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan