(ĐSPL) - NSND Trịnh Thịnh đã ra đi nhưng hình ảnh của ông, những vai diễn của ông vẫn còn sống mãi trong lòng công chúng.
Trịnh Thịnh sinh vào lúc giao thời giữa chế độ phong kiến và thực dân, lớn lên tại Hà Nội. Lúc còn nhỏ, ông theo học "trường Tây" do Pháp mở. Từ nhỏ ông đã có niềm đam mê đặc biệt với điện ảnh. Tuy nhiên, các hoạt động điện ảnh của Việt Nam khi đó còn rất hạn chế, bó hẹp trong vài buổi chiếu phim công cộng ở các rạp Hàng Da, Hàng Quạt, những nơi Trịnh Thịnh thường lui tới khi còn là một cậu bé. Trước năm 1954, Trịnh Thịnh làm việc ở Ngân hàng Đông Dương (Banque L'Indochine).
Sau 1954, Ngân hàng Đông Dương ngừng hoạt động, ông làm nhiều nghề khác nhau để kiếm sống cho tới khi trúng tuyển cuộc thi tuyển diễn viên lồng tiếng cho một hãng xuất nhập khẩu phim của Liên Xô vào năm 1956 và bắt đầu tham gia vào hoạt động điện ảnh chuyên nghiệp với tư cách diễn viên lồng tiếng. Cũng cần nói thêm rằng trước đó Trịnh Thịnh có tham gia hoạt động sân khấu với vai diễn đầu tiên là vai thầy Tú trong vở kịch Pháp nổi tiếng Topaze.
Cũng trong năm 1956, hãng phim truyện Việt Nam sản xuất bộ phim đầu tiên của lịch sử điện ảnh Việt Nam Chung một dòng sông, đạo diễn Phạm Kỳ Nam đã mời Trịnh Thịnh tham gia. Không được đào tạo trường lớp bài bản, nhưng với kinh nghiệm có được trong khoảng thời gian làm công việc lồng tiếng, Trịnh Thịnh đã vào vai khá thành công. Trịnh Thịnh sau đó đóng rất nhiều phim và những vai của ông đều được đánh giá là thành công như ông nội thằng Bờm trong phim Thằng Bờm, ông Củng trong Vợ chồng anh Lực, người cha trong Lá ngọc cành vàng, lão thuyền chài trong Lời nguyền một dòng sông, ông chủ tịch huyện trong Thị trấn yên tĩnh, phim Vợ chồng A Phủ, Xích lô...
Cùng báo Đời sống và Pháp luật điểm lại một số vai diễn thành công của NSND Trịnh Thịnh trong phim.
Chung Một Dòng Sông (Năm 1959)
Hình ảnh của NSND Trịnh Thịnh trong phim “Chung một dòng sông”. |
“Chung một dòng sông” được sản xuất năm 1959 của hai đạo diễn Nguyễn Hồng Nghi và Phạm Hiếu Dân (tức Phạm Kỳ Nam) do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất. Đây là bộ phim truyện đầu tiên của miền Bắc Việt Nam sau năm 1954 và cũng là bộ phim truyện đầu tiên của Điện ảnh Cách mạng Việt Nam. Chung một dòng sông" là câu chuyện của vợ chồng anh Vận, chị Hoài ở hai bờ Nam - Bắc sông Bến Hải sau Hiệp định Giơnevơ 1954, cách nhau có mấy cây số mà không được gặp nhau.
Trong bộ phim, NSND Trịnh Thịnh vào vai thư kí Điêu cùng với các nghệ sĩ Thu An, Phi Nga. Tâm sự về bộ phim, NSND Trịnh Thịnh từng cho biết: “Ngày đó chưa có việc làm, anh em ở xưởng đi lao động xã hội chủ nghĩa ở các nơi. Đang ở Thanh Hóa, đạo diễn Kỳ Nam gọi về đóng vai thư ký Điêu. Vậy là khăn gói vào Lệ Thủy, Quảng Bình. Đi làm phim bị địch kiểm soát, nhòm ngó nhưng vẫn thích. "Vất vả nhất là đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Không chỉ quay, ông còn phải tính toán trước bối cảnh, không gian, chỗ đặt máy, vị trí của diễn viên để hạn chế tối đa việc quay lại. Diễn viên hầu hết xuất thân từ các lĩnh vực khác, thiếu kinh nghiệm nên càng khó khăn”. Và cứ thế nghiệp diễn của NSND Trịnh Thịnh bắt đầu từ đây với hàng loạt các vai diễn sau đó.
Vợ chồng A Phủ (Năm 1961)
NSND Trịnh Thịnh trong vai A Sinh.
“Vợ chồng A Phủ” Là bộ phim nổi tiếng của đạo diễn Mai Lộc có sự góp mặt của nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thịnh. Đây là một bộ phim được đánh giá là khá giống với phiên bản truyện của Tô Hoài.
Trong bộ phim "Vợ chồng A Phủ" NSND Trịnh Thịnh vào vai A Sinh một anh nông dân dân tộc thật thà, chất phát, người chiến sĩ cách mạng kiên trung hoạt động trên vùng núi cao cùng đồng bào miền núi Tây Bắc. Đây là một trong những phim đầu tay của NSND Trịnh Thịnh. Khi chia sẻ về vai diễn này, NSND Trịnh Thịnh kể rằng: “Để hoàn thành vai diễn, tôi phải phải tìm hiểu những người có hoàn cảnh tương tự, cùng tâm sự và chia sẻ với họ để thấy những nỗi niềm chất chứa, những nỗi lo trong họ, vì chính bản thân tôi cũng là người sinh con một bề. Hay khi đóng phim Vợ chồng A Phủ, tôi đã cùng ăn tết với đồng bào dân tộc miền núi Tây Bắc, học ngôn ngữ của họ để có thể giao tiếp, tâm tình, lao động cùng họ như những người anh em.”
Thằng Bờm (Năm 1987)
“Thằng Bờm” là bộ phim về những câu chuyện cười dân gian quen thuộc, hình ảnh thằng Bờm hồn nhiên, chân thật, kịch bản điện ảnh tài hoa, diễn viên duyên dáng nhập hồn vào nhân vật, và bến nước sân đình, cổng làng mái rạ như kéo khán giả về làng quê VN cả trăm năm. Tuy nhiên đằng sau những câu chuyện cười ấy khán giả có thể cảm nhận được dư vị đắng của nó. Những câu chuyện dân gian thật sâu xa, và ai ngờ lại thời sự đến thế. Dứt cười, khán giả lập tức bị kéo về với thực tại của những năm 1980.
Trong phim NSND Trịnh Thịnh vào vai ông nội của Bờm – một ông già nổi tiếng khó tính. NSND Trịnh Thịnh từng chia sẻ rằng: “Để có thể hoàn thành tốt vai diễn này tôi cũng đã phải học cách sống của ông già xưa khó tính ra sao, vì đâu mà ông ta phải sống như vậy?” Cứ mỗi vai diễn ông lại tìm hiểu rất kĩ lưỡng hoàn cảnh của từng vai để có thể mang lại cho bộ phim có được cảm giác chân thật nhất".
Chị Dậu (Năm 1980)
Vai quan huyện trong Chị Dậu của NSND Trịnh Thịnh.
“Chị Dậu” là một bộ phim nổi tiếng thuộc hàng những tác phẩm kinh điển của điện ảnh cách mạng Việt Nam thế kỷ 20. Phim được sản xuất năm 1980 bởi đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Văn Khoa dựa trên kịch bản là tiểu thuyết Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố. Nếu ai đã từng đọc chị Dậu có lẽ đã thuộc lòng kịch bản của bộ phim. Thế nhưng phân đoạn gây nhiều cảm xúc và lấy đi của khán giả nhiều nước mắt nhất đó là khi chị Dậu bán con gái lớn – cái Tý để có tiền nộp siêu cho chồng. Trong bộ phim những phân cảnh cho thấy trong xã hội ấy, tính mạng của những con chó còn giá trị hơn cả con người vì đơn giản nó bán được giá hơn. Tiếng gào khóc của cái Tý khi mẹ nó ra về cũng là sự báo hiệu cho những tháng ngày sống như địa ngục trong gia đình cụ Nghị giàu sang.
Trong bộ phim NSND Trịnh Thịnh đã rất thành công trong vai một vị quan huyện hách dịch, chuyên đàn áp dân chúng. Trong phim, dù chỉ xuất hiện trong vài phân cảnh khi bước ra từ chiếc xe bóng loáng, cái điệu bộ chấp tay sau lưng, lời nói toát lên vẻ hách dịch nhưng cũng đã khắc họa đậm nét chân dung một ông quan huyện dưới chế độ thực dân nửa phong kiến. Đây được coi là một trong những vai diễn thành công nhất của ông.
Trịnh Thịnh (1926) là diễn viên điện ảnh kỳ cựu của Việt Nam. Vẻ bề ngoài và tính cách khiến Trịnh Thịnh rất được các đạo diễn ưa thích cho những vai các cụ già nhà quê hoặc những nhân vật mang đậm dấu ấn của làng quê nông thôn Việt Nam. Những vai diễn thành công của ông là những vai diễn hài, tuy nhiên cũng có những vai bi như phim Lời nguyền một dòng sông. Ông không khai thác tiếng cười tự nhiên chủ nghĩa, rẻ tiền mà thay vào đó khai thác triệt để đời sống tâm lí của nhân vật. Nghệ sĩ Trịnh Thịnh về hưu năm 1989. Năm 1997, ông được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân. Ông mất hồi 9h30 sáng 12/4 tại bệnh viên Bạch Mai, Hà Nội. Tang lễ ông được cử hành hồi 14 giờ 45 phút thứ Ba ngày 15/4 tại Nhà tang lễ số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. |