Tập đoàn nào mua X-Men?
Năm 2011, một thương vụ M&A (mua bán và sáp nhập) đình đám khiến thị trường xôn xao. Khi đó, thương hiệu sữa tắm, dầu gội dành cho nam giới X-Men đang ăn nên làm ra, đứng đầu thị trường, “vượt mặt” cả các tập đoàn đa quốc gia như Unilever, P&G,.. thì bất ngờ thông báo Tập đoàn hoá mỹ phẩm Marico đến từ Ấn Độ mua lại 85% cổ phần của Công ty.
Được biết, đơn vị sở hữu thương hiệu X-Men là Công ty Cổ phần Sản xuất Hàng gia dụng Quốc tế (ICP). Công ty được ông Phan Quốc Công thành lập vào năm 2001 với số tiền chỉ 2 tỷ đồng. Vợ chồng ông Công góp 1 tỷ sở hữu 50% cổ phần và 50% còn lại của người bạn ông. Để công ty có thể hoạt động, ông mượn thêm 2 tỷ từ người bạn đó.
Năm 2003 công ty tung ra thị trường dầu gội X-Men với slogan "Đàn ông đích thực", đây cũng là sản phẩm đưa ICP và ông Phan Quốc Công "một bước lên mây".
Những năm 2000, các loại dầu gội, sữa tắm của X-Men xuất hiện rầm rộ trên truyền thông. Một khi nhắc tới hóa mỹ phẩm dành cho phái mạnh, ai cũng lập tức nghĩ đến X-Men.
Theo số liệu của Nielsen (một công ty chuyên về đo lường và thông tin, cung cấp dịch vụ nghiên cứu thị trường), có thời điểm X-Men dẫn đầu ngành hàng dầu gội và sữa tắm với mức 40 - 50% thị phần, ngành hàng lăn khử mùi chỉ đứng sau Nivea, với mức 23%.
3 năm sau khi ra mắt X-Men, ICP đón nhà đầu tư đầu tiên là quỹ Mekong Capital, đơn vị đã mua lại 26% cổ phần công ty. Đến năm 2008, tập đoàn quản lý tài sản BankInvest cũng đầu tư vào ICP. Khi đó cổ phần nắm giữ lần lượt: Mekong Capital (21%), BankInvest (21%), người bạn tham gia lúc đầu (26%), gia đình ông Công và nhân viên (17%) và cá nhân ông (15%).
Tuy nhiên, phải đến năm 2011, cơ cấu cổ đông của ICP có bước ngoặt thật sự khi tập đoàn hóa mỹ phẩm tới từ Ấn Độ Marico mua lại 85% cổ phần công ty. Một nửa số cổ phần được mua lại từ 2 quỹ ngoại là Mekong Capital và BankInvest, phần còn lại được mua từ các cổ đông sáng lập.
Như vậy, cơ cấu cổ đông ICP chỉ còn Marico và cá nhân ông Công, trong đó ông Công sở hữu 15%. Theo báo chí Ấn Độ, giá trị thương vụ được định giá khoảng 60 triệu USD, tương ứng định giá ICP ở mức 70 triệu USD.
Khi được hỏi về lý do bán công ty làm nên tên tuổi của mình, ông Công thừa nhận, ngành mỹ phẩm có quy mô doanh thu không lớn bằng ngành thực phẩm, nhưng tỉ suất lợi nhuận/doanh thu có thể cao gấp đôi (20%).
Đáng nói, theo ông Công, sức bật phát triển của các doanh nghiệp hóa mỹ phẩm, một ngành vốn không phải là thế mạnh của Việt Nam, sẽ hạn chế nếu không được sự tiếp sức của các nhà đầu tư nước ngoài. Một điều thấy rõ là ông Công mất gần 10 năm (2001 - 2010) để tạo nên doanh thu 500 tỷ cho ICP, trong khi chỉ sau 3 năm bán cho Marico, doanh thu đã tăng gấp đôi.
“Người ta có thể ăn thêm một cái bánh, chứ không gội đầu nhiều lần trong ngày. Vì vậy, làm trong ngành này không thể chạy đua quy mô doanh thu mà phải tập trung tạo ra thêm nhiều giá trị gia tăng cho sản phẩm, phải đổi mới để sản phẩm có chất lượng cao hơn, có thể bán giá cao hơn”, ông Công nói.
Việc bán ICP cho Marico có thể được xem là một quyết định thông minh. Đây là công ty có nguồn gốc sản xuất các sản phẩm từ dầu dừa của Ấn Độ với thương hiệu Parachute, cũng là nhà thu mua dừa lớn nhất thế giới, sau đó chuyển thành công ty kinh doanh chăm sóc cá nhân với 2 sản phẩm chính: chăm sóc tóc cho nữ từ dầu dừa và sản phẩm làm đẹp cho nam.
Marico được niêm yết trên thị trường chứng khoán với giá trị vốn hóa tỷ USD, được cho là công ty có trình độ quản trị tốt. Chiến lược của họ cũng tương tự như Masan của Việt Nam, đó là mua lại các doanh nghiệp cùng ngành để tăng nhanh giá trị tài sản.
X-Men làm ăn ra sao khi về tay người Ấn?
Khác với các thương vụ nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần công ty Việt Nam khác, bộ máy nhân sự tại ICP vẫn được Marico giữ nguyên. Theo đó, ông Công vẫn là Tổng giám đốc của công ty kiêm thêm vị trí mới là thành viên HĐQT.
Phải đến năm 2014, Marico mới hoàn tất thương vụ khi sở hữu hoàn toàn cổ phần ICP. Đến ngày 15/5/2015, doanh nhân Phan Quốc Công chính thức rút lui khỏi đơn vị sở hữu thương hiệu X-men khi từ nhiệm mọi vị trí trong công ty. Sau đó công ty ICP đã trở thành Marico South East Asia (Marico Sea).
Sau khi ông Phan Quốc Công rời đi, Marico SEA vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt, đạt 1.450 tỷ đồng doanh thu năm 2019.
Hiệu quả của công ty này rất đáng nể, biên lợi nhuận gộp duy trì gần 60%, lợi nhuận trước thuế mỗi năm thường xuyên trong khoảng 100 – 200 tỷ đồng.
Năm 2022, Marico Sea đã báo cáo khoản doanh thu và lợi nhuận kỷ lục. Theo đó, công ty này mang về 1.800 tỷ đồng doanh thu và 206 tỷ đồng lợi nhuận ròng. Con số này đã gấp 4,7 lần doanh thu và 17 lần mức lợi nhuận của năm 2010.
Theo khảo sát vào năm 2022 của Q&Me về thị trường dầu gội Việt Nam, X-men là thương hiệu dầu gội có mức độ phổ biến đứng thứ 2 đối với dầu gội cho nam (28%) sau dầu gội Clear (31%). Ngoài ra nếu tính riêng một số khu vực như miền Bắc, miền Trung thì X-Men đứng đầu trong khảo sát.
Ngoài việc giữ được thị phần, X-Men trong thời gian gần đây cũng liên tục cho ra mắt những sản phẩm mới. Một số dòng sản phẩm mới được tung ra tùy thuộc vào đối tượng khách hàng như: X-Men, X-Men GO, X-Men For Boss. Thậm chí, X-Men còn có cả sản phẩm nước hoa dành cho nam.
Marico Sea đã phát triển X-men từ một thương hiệu chỉ tập trung vào dầu gội, lăn khử mùi trở thành một hệ sinh thái tất cả các sản phẩm chăm sóc cá nhân dành cho nam.
Ngoài thương hiệu X-Men, Marico Sea còn sở hữu thương hiệu nước mắm quen thuộc với thị trường là Thuận Phát. Tuy nhiên mảng này của công ty cạnh tranh tương đối khó khăn khi những ông lớn thị trường nước mắm liên tục gia tăng thị phần hàng năm.
Vân Anh(T/h)