VOV dẫn lời bác sĩ Đoàn Nguyên Mạnh- Hội Bệnh mạch máu Việt Nam co biết, thực tế, "uống rượu bia đỏ mặt là biểu hiện của người nhóm máu O" chỉ là quan niệm dân gian. Hiện chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh mối liên hệ giữa nhóm máu với biểu hiện đỏ mặt khi uống rượu bia.
Vì vậy, nhóm máu không ảnh hưởng đến việc uống rượu bia có đỏ mặt. Trong y học, hội chứng đỏ mặt khi uống rượu được gọi là “Asian flush” vì đa số người mắc phải là người châu Á.
Người có hiện tượng đỏ mặt không đồng nghĩa với việc tửu lượng kém hoặc đã ngà ngà say. Đỏ mặt khi uống rượu thường là do thiếu hụt ALDH, hệ thống enzyme aldehyde dehydrogenase (ADH) đóng vai trò phân giải các phân tử cồn và loại bỏ chúng khỏi cơ thể. Khi rượu được hấp thu vào cơ thể, chúng sẽ được gan chuyển hóa qua hai bước.
Bước đầu tiên là biến rượu thành acetaldehyde. Bước thứ hai là chuyển acetaldehyde thành acetate. Tuy nhiên, phần đông mọi người, chủ yếu là những người châu Á thường không tự sản xuất enzyme ADH trong cơ thể.
Nguyên nhân bắt nguồn từ một loại gene đột biến tiến hóa theo thời gian. Vì thế, cơ thể của những ai sở hữu loại gene này sẽ tích tụ lượng acetaldehyde nhiều gấp 6 lần người khác – vốn cực kỳ độc hại – dẫn đến đỏ mặt.
Khi acetaldehyde tích tụ trong máu sẽ gây ra tình trạng giãn mạch mạnh, nóng bừng, nôn mửa. Ở một số người thì nhịp tim đập nhanh, nhức đầu vào buổi sáng sau khi uống rượu trong đêm trước.
Ngoài ảnh hưởng của quá trình chuyển hóa rượu, phản ứng mạch máu của từng cá nhân cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến mức độ đỏ mặt. Mạch máu của một số người có nhiều khả năng giãn ra, dẫn đến lưu lượng máu đến mặt tăng lên sau khi uống rượu, khiến khuôn mặt đỏ bừng như đang say.
Một số người trở nên tái nhợt sau khi uống rượu. Nguyên nhân là do rượu có tác dụng ức chế máu, khiến mạch máu co lại và lượng máu lưu thông giảm, khiến khuôn mặt trông nhợt nhạt. Ngoài ra, bạn có thể cảm thấy khó chịu khi uống rượu, buồn nôn và nôn.
Mặt đỏ hay tái sau khi uống rượu cũng không liên quan đến tửu lượng. Sau khi uống rượu, trên 90% ethyl alcohol sẽ chuyển hóa thành ethanol rồi chuyển hóa tiếp thành axit acetic, sau đó thải ra ngoài.
Những người mặt đỏ sau khi uống rượu là do tốc độ phân giải thành ethanol trong máu diễn ra hơi nhanh, khiến ethanol tích tụ làm cho mao mạch phình lên, xuất hiện tình trạng mặt đỏ.
Ngược lại, người mặt tái sau khi uống rượu là do tốc độ ethanol phân giải thành axit acetic chậm, làm cho mạch máu co lại, máu cung cấp ít, sắc mặt tái đi. Bên cạnh đó, tửu lượng của một người không phải mang tính ổn định mà còn có mối quan hệ mật thiết với trạng thái tinh thần và sức khỏe của họ.
Nếu cơ thể bạn đang mệt mỏi, sau stress hoặc vận động thể lực quá sức cũng dễ say hơn so với bình thường. Hoặc những người đang có bệnh lý về gan, suy giảm chức năng gan cũng sẽ dễ say, dễ tổn thương hệ thần kinh dẫn đến các biểu hiện.
Uống 10 chén rượu mạnh, mất bao lâu để nồng độ cồn về 0?
VTC News dẫn lời bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, phụ trách Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, không có câu trả lời chính xác cho câu hỏi “Tôi uống một lượng cồn nhất định, sau bao lâu thì thổi nồng độ cồn bằng 0”.
Tùy vào cơ thể của từng người mà thời gian chính xác để loại bỏ hoàn toàn cồn trong cơ thể sẽ khác nhau.
Chúng ta có thể ước lượng được quãng thời gian, nhưng đây là con số mang tính trung bình, ước tính. Mỗi cá nhân sẽ có thời gian khác nhau và nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ thải trừ cồn của cơ thể.
Căn cứ vào thực tế phổ biến của tình trạng người dân uống rượu tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đưa ra khái niệm đơn vị cồn.
Một đơn vị cồn tương đương với 10g cồn ethanol nguyên chất, bằng 200ml bia; 75ml rượu vang (1 ly); 25ml rượu mạnh (1 chén). Tuỳ vào lượng uống sẽ quy ra khoảng bao nhiêu đơn vị cồn.
Theo bác sĩ Hoàng, một người trưởng thành có sức khoẻ bình thường thì cứ sau 1 tiếng, gan sẽ đào thải được 1 đơn vị cồn. Đây là con số ở mức trung bình. Tùy vào mỗi người, như người gan yếu, người có cân nặng hơn mức trung bình thì quãng thời gian này có thể tăng lên hay giảm đi.
Ngoài ra các yếu tố bệnh lý, tuổi tác, cân nặng, hoặc khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu rượu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo.
Về cơ chế đào thải cồn của cơ thể, khoảng 10 - 15% sẽ đào thải qua đường hô hấp, da, mồ hôi. Khoảng 85 - 90% sẽ được xử lý qua gan.
Uống 10 chén rượu mạnh (khoảng 40 độ) tương đương với 10 đơn vị cồn, gan sẽ mất khoảng 10 tiếng đào thải. Tuy nhiên, sau khi thải trừ, cơ thể cần 2-3 tiếng để cồn trong máu về 0.
Do đó, nếu bạn uống 10 chén rượu mạnh, bạn sẽ mất khoảng 13 tiếng đồng hồ sau uống thì thổi nồng độ cồn mới không lên.
Thùy Dung (T/h)