Làm việc trong trạng thái cheo leo, lơ lửng bên ngoài các tòa nhà cao tầng, những “người nhện” chẳng khác nào đang đánh đu tính mạng, đùa giỡn với tử thần, để góp phần làm sạch diện mạo những cao ốc trong thành phố. Đó là công việc “chống chỉ định” với người sợ độ cao.
Dù biết nguy hiểm rình rập, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, nhiều người đã đánh liều với mạng sống của mình để gắn bó với công việc "người nhện". |
Không được nhìn xuống mặt đất
Anh Lê Quang Tưởng (SN 1991) trở thành công nhân lau kính nhà cao tầng và làm việc tại công ty vệ sinh công nghiệp Cleanhouse Việt Nam từ năm 2010. Sau 3 năm đánh đu trên những tấm kính của các tòa cao ốc, anh Tưởng gặp nhiều bạn bè cùng quê muốn đi làm nên đã giới thiệu và thành lập một đội để cùng thực hiện.
Nhắc lại những ngày đầu mới bước chân vào nghề, anh kể: “Lần đầu tiên, tôi được trực tiếp làm công việc này chính là tại một tòa nhà cao 15 tầng. Bản thân lúc đó cũng thấy bình thường, có lẽ do thần kinh vững nên không cảm thấy hoang mang và lo sợ như người khác. Ngày bé ở quê, tôi đã quen trèo những cây cao thoăn thoắt nên cũng chẳng ngại độ cao”.
“Nghe vậy chứ không phải ai cũng dám làm đâu. Năm trước, có một cậu thanh niên vừa đăng ký vào làm nhưng sau khi đi ra thực tế và chứng kiến công việc của đồng nghiệp, cậu ấy toát mồ hôi, sợ hãi, vội vã xin nghỉ việc”, anh Tưởng kể.
Theo anh Tường, đối với một công nhân lau kính nhà cao tầng, điều quan trọng nhất chính là vấn đề tâm lý: “Nghề này ai nhát cáy thì chắc chắn không làm được, còn ai vững vàng tâm lý thì rất dễ, chỉ cần tự tin đi xuống, giữ được thăng bằng và không nhìn xuống dưới mặt đất là sẽ thực hiện được”.
Một bộ đồ bảo hộ của công nhân lau kính nhà cao tầng gồm có hai dây thả từ trên xuống, một dây chịu lực và một dây cứu sinh, có thêm dây bảo hiểm quấn quanh người mắc vào khóa cứu sinh, trang phục bao gồm áo lưới phản quang và mũ bảo hộ.
Để đảm bảo an toàn, bộ phận dây là quan trọng nhất. Trước khi bước vào công việc, công nhân phải kiểm tra, đảm bảo dây không sờn, không xước, để có thể chịu được trọng lượng cơ thể cùng các dụng cụ kèm theo. Nếu phát hiện dây sờn, xước, thì phải báo cáo để thay dây mới ngay.
Sau khi kiểm tra an toàn, công nhân lau kính sẽ ngồi trên một ghế buộc nối với dây chịu lực và làm việc, sau đó, sẽ kéo dây để tuột ghế xuống dần và khóa lại để lau, phải giữ người cân bằng, nếu không dây đu sẽ bị quay tròn hoặc văng sang bên cạnh.
Những dụng cụ vệ sinh được để trong chiếc xô, nhựa buộc ngang eo, với những dụng cụ nặng và có khả năng gây thương tích khi rơi xuống, thì công nhân phải buộc dây để giữ an toàn cho người khác.
Trầm ngâm một lát, anh Tưởng chia sẻ tiếp: “Trước đây, khi tôi mới vào nghề, gia đình ai cũng ngăn cản vì sự nguy hiểm luôn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chị gái tôi là người can ngăn nhiều nhất, chị ấy luôn giục tôi đổi nghề khác an toàn hơn. Nhưng tôi vẫn quyết bám nghề đến cùng, vì cũng đã quen rồi. Hiện tại, tôi đã trở thành quản lý, phụ trách giám sát thi công tại các tòa nhà, không còn phải trực tiếp treo mình lên nữa, nên gia đình cũng yên tâm hơn”.
Anh chàng quản lý 28 tuổi cho biết: “Công việc này chủ yếu làm ban ngày, còn ban đêm thì rất hiếm hoi. Tôi còn nhớ một lần phải làm ban đêm, đó là thực hiện ở mái vòm của Aeon Mall Long Biên. Lần đó chúng tôi khá vất vả, vì điều kiện thiếu sáng, phải thực hiện mất hơn hai tháng, liên tục từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau”.
Giám đốc kinh doanh công ty vệ sinh công nghiệp Cleanhouse Việt Nam, anh Lê Đức Hàcho biết: “Các tòa nhà thường chọn công việc vệ sinh kính vào thời điểm qua mùa mưa, khoảng tháng Chín dương lịch hoặc cuối năm. Mỗi tòa nhà thông thường sẽ lau kính bên ngoài mỗi năm một lần, các tòa nhà có yêu cầu chất lượng cao hơn thường 4 - 6 tháng thực hiện một lần. Công ty chúng tôi đã thực hiện lau tòa cao nhất Hà Nội 72 tầng, tổng các tòa nhà từ 10 tầng trở lên hàng năm Cleanhouse Việt Nam thực hiện khoảng 50 tòa”.
“Cách đây 12 năm, tôi cũng đã trải nghiệm lau kính tại một tòa 10 tầng ở Hà Nội. Cảm giác khá khó khăn và sợ nhất là khi vừa trèo xuống ghế, chưa giữ được thăng bằng, nhưng khi đã ngồi cố định được và ổn định tâm lý thì không còn cảm giác sợ độ cao nữa”, anh nhớ lại.
“Đối với những người mới được tuyển dụng, công ty sẽ phổ biến về công việc cũng như những nguy hiểm thường gặp để tránh mắc phải. Sau đó, công nhân mới sẽ được đào tạo lau kính ở bên trong trước khi cho đi làm ở các tòa nhà. Khi đến công trình lau kính tòa nhà, những ngày đầu, họ chỉ được học việc và làm thợ phụ. Đến khi quen các thao tác của những người đi trước, mới được bắt đầu cho thử việc.
Có hai loại thi công, “tòa đáy” là những tòa nhà dưới 4 tầng và “tòa tháp” là từ tầng 5 trở lên, công nhân mới ban đầu chỉ cho làm những “tòa đáy”, khi đã quen dần mới cho thực hiện ở các “tòa tháp” với độ cao tăng dần”, vị Giám đốc kinh doanh cho biết thêm.
Những “người nhện” lam lũ bám tường
Anh Đào Trọng Kiên (SN 1991), một công nhân lau kính có kinh nghiệm khoảng 6 năm cho biết: “Vì là công việc ngoài trời nên khối lượng công việc của chúng tôi tùy thuộc vào thời tiết, nếu trời mưa, chúng tôi buộc phải nghỉ vì rất nguy hiểm; còn trời nắng to và nhiệt độ tăng cao thì cả đội chủ động bắt đầu công việc sớm hơn để khi nắng gắt có thể nghỉ tay mà vẫn đảm bảo tiến độ công việc”.
Theo anh Kiên, làm công việc này thì công đoạn nào cũng quan trọng, cứ tận tụy, tỉ mỉ để làm vệ sinh thật sạch sẽ là nâng cao uy tín của công ty cũng như tay nghề của bản thân. Tuy nhiên, quan trọng nhất chính là đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
“Tôi lựa chọn cái nghiệp “bám tường” này ban đầu cũng chỉ vì mưu sinh, cứ nhận làm tự do, hoàn thành công việc ở công ty này, tôi lại tìm kiếm cơ hội tại công ty khác. Mỗi tháng, nếu không ốm đau, tôi đi làm liên tục được khoảng hơn 20 ngày”, anh công nhân trẻ chân chất kể.
Nhắc đến những nguy hiểm đe dọa “người nhện cao ốc”, anh Kiên cho biết: “Có những trường hợp trong lúc xuống dây, dây có thể bị tì vào những vật sắc như kính, gờ tường, làm sứt dây đu, gây nguy hiểm. Tuy nhiên, không phải chỉ có việc đánh đu cả gần tạ trên sợi dây mới là nguy hiểm.
Nhiều công trình vẫn đang trong thời gian thi công nhưng muốn rút ngắn thời gian hoàn thiện nên chúng tôi lau kính ở các tầng dưới trong khi họ vẫn tiếp tục thi công tại các tầng trên. Rất nhiều vật liệu xây dựng hay các đồ vật có thể vô tình rơi tự do xuống chỗ chúng tôi. Mỗi lần như vậy, dù không bị thương nhưng tôi cũng được phen thót tim”.
Vừa tháo các mối nối trên chiếc ghế đu, anh Kiên vừa bông đùa trước khi bước vào giờ nghỉ trưa: “Để làm được công việc này, các công nhân phải có một “độ gan lì” nhất định, phải đủ bình tĩnh để chiến thắng nỗi lo mang tên độ cao, và không bị “thần hồn át thần tính”.
Tuy nhiên vẫn có những yếu tố bất ngờ nguy hiểm đến tính mạng, công nhân trong khi thi công, nhất là những trường hợp bị mệt mỏi đột ngột, nếu đang lơ lửng trên cao sẽ hết sức nguy hiểm. Chính vì thế, chúng tôi phải xác định tinh thần thật tỉnh táo, sức khỏe ổn định mới lên ghế để vào việc”.
Người thợ lau kính lâu năm ngồi phịch xuống ghế sau cuộc đu mình trên tòa nhà 28 tầng, đưa tay quệt nhẹ những giọt mồ hôi lấm tấm trên trán, không ngần ngại chia sẻ: “Công việc nào cũng thế, ban đầu ai cũng có sự bỡ ngỡ nhưng làm lâu rồi cũng quen, vả lại công việc này đem lại thu nhập cũng tạm ổn định để trang trải chi phí cuộc sống, chúng tôi cứ chấp hành những quy định bảo hộ và thật cẩn thận trong quá trình lao động là vẫn yên tâm nở nụ cười trên môi sau mỗi ca làm việc thôi”.
Nghề nào cũng có những gian nan, nhọc nhằn riêng, nhưng bất cứ ai đang theo đuổi những công việc kén người như thế này, lại càng phải đối mặt với nhiều nguy hiểm cận kề và luôn có sự hy sinh đặc biệt để cống hiến cho cuộc sống những gì tươi đẹp nhất.
C.M
Bài viết đăng trên ấn phẩm báo in Đời sống & Pháp luật số 64