+Aa-
    Zalo

    Điểm danh những nghề nguy hiểm bậc nhất Việt Nam

    • DSPL

    (ĐS&PL) - (ĐSPL) - Nghề cưa bom, nghề khai thác mỏ, nghề xiếc dạo, nghề nuôi rắn độc, nghề lặn biển... được xem là những nghề nguy hiểm, đối mặt với "tử thần" bất cứ khi nào.

    (ĐSPL) - Nghề cưa bom, nghề khai thác mỏ, nghề xiếc dạo, nghề nuôi rắn độc, nghề lặn biển... được xem là những nghề nguy hiểm, đối mặt với "tử thần" bất cứ khi nào.

    Nghề cưa bom

    Những nghề nguy hiểm, đối mặt với cái chết bất thình lình

    Cưa bom là một trong những nghề được coi là nguy hiểm nhất (Ảnh minh họa).

    Từ đầu năm 2014 đến nay, báo chí liên tục đưa tin về những cái chết của thợ cưa bom. Dù biết là nghề nguy hiểm nhưng vì "miếng cơm manh áo", họ vẫn tiếp tục lựa chọn nghề này làm kế sinh nhai.

    Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể về tỷ lệ tai nạn, nhưng với nhận thức thông thường, chỉ nghe thấy tiếng thợ cưa bom thì cũng khiến người nghe khiếp vía, hình dung ra việc phải đối mặt với "thần chết" bất cứ khi nào. Tai nạn xảy ra không chỉ khiến người thợ chết không toàn thây, mà còn có thể liên lụy tới hàng xóm, hủy hoại tài sản xung quanh…

    Chị Nguyễn Thị Tâm, người phụ nữ có chồng đã qua đời cách đây 21 năm khi đang tháo vỏ đạn pháo cho hay, để có tiền nuôi con, chị vẫn tiếp tục làm công việc nguy hiểm này.

    Chị chia sẻ: "Dù biết nguy hiểm nhưng tôi vẫn phải làm. Như người ta vẫn nói, “một bát máu đổi lại một bát gạo”, sống hay chết là do số phận".

    Trong chiến tranh, người Mỹ đã rải xuống lãnh thổ Việt Nam hơn 7,8 triệu tấn bom mìn và 1/3 trong số đó vẫn chưa phát nổ. 

    Nghề khai thác mỏ

    Nghề khai thác mỏ đối mặt với sự cố sập hầm hoặc ngạt khí là rất lớn (Ảnh minh họa).

    Khai thác mỏ là nghề nguy hiểm nhất do các mỏ thường nằm ở độ sâu cao khi có tai nạn (nổ hay sập hầm) thì khó mà cứu kịp.

    Theo thống kê trong năm 2012 ở Việt Nam, có ít nhất 50 thợ khai thác mỏ, xây dựng thiệt mạng, chiếm số đông trong tổng số người chết vì tai nạn lao động.

    Các hầm mỏ sâu (đặc biệt là các mỏ than) thường tích tụ khí mêtan gây nổ rất nguy hiểm chỉ cần một tia lửa nhỏ cũng có thể kích hoạt một vụ nổ lớn gây sập hầm ít hay nhiều (đôi khi toàn bộ hầm mỏ sẽ bị sập). Các hầm mỏ xưa thường bị nổ do các thợ mỏ mang lửa xuống hầm để chiếu sáng cho đến khi một loại đèn chuyên dụng để khai thác mỏ được chế tạo thì các vụ nổ trở nên ít đi nhưng vẫn còn xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau kích hoạt khí gây nổ.

    Loại khí này nếu không phát nổ sẽ tích tụ ngày càng đặc gây thiếu dưỡng khí cho các thợ mỏ (đã có rất nhiều thợ mỏ chết do thiếu dưỡng khí trong hầm mỏ) vì thế việc thông khí cho hầm mỏ là việc rất cần thiết tuy nhiên vẫn có các tai nạn do nó không được chú trọng hay làm không được tốt, các thợ mỏ xưa thường hay mang một con chim xuống hầm mỏ vì nếu hàm lượng khí độc lên cao chim sẽ xỉu trước và các thợ mỏ sẽ có thời gian chạy ra khỏi vùng nguy hiểm trước khi có vấn đề trầm trọng xảy ra.

    Khi hầm sập vì nhiều nguyên do và các thợ mỏ may mắn không bị đè nhưng bị mắc kẹt sẽ có khả năng sống sót rất ít do thiếu dưỡng khí, nước hay lương thực để cầm cự trước khi đội cứu hộ đến được nơi thợ mỏ bị kẹt (đó là nếu như họ xác định được thợ mỏ bị kẹt ở đâu). Thường thì các hầm mỏ hiện đại có quy định về phải có lối thoát hiểm cho các thợ mỏ khi có biến cố nhưng đôi khi có các mỏ lại hoàn toàn không có lối thoát này.

    Nghề nuôi rắn độc

    Nuôi rắn độc có lúc không tránh khỏi bị cắn nhưng người dân vẫn duy trì nghề này. (Ảnh PLVN).

    Nuôi rắn độc được coi là một trong những nghề nguy hiểm nhất. Xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc được biết đến là nơi nuôi rắn độc nổi tiếng ở miền Bắc. Ở đây nuôi rắn là nghề truyền thống, được biết cả xã có hơn 1.000 hộ thì 80\% hộ nuôi và kinh doanh rắn.

    Ông Phạm Văn Thông, một lang y chuyên chữa rắn cắn trong làng, ngậm ngùi: “Tôi không thể nhớ hết số lượng người bị rắn cắn ở làng này. Trung bình mỗi năm tôi chữa cho trên dưới cả trăm người. Không ít người dù đã tìm cách sơ cứu sau đó mới đưa đến chỗ tôi, nhưng tôi cũng đành chùi nước mắt nhìn gia đình họ khiêng xác về. Điều xót xa là đa phần người bị rắn cắn chết đều rất trẻ. Những người có tiền sử bệnh tim, phế quản, phổi khi bị rắn độc cắn thì nguy cơ mất mạng cao hơn”.

    Trên thực tế, hầu như năm nào Vĩnh Sơn cũng có người chết vì rắn cắn tuy nhiên người dân nơi đây vẫn duy trì nghề này.

    Nghề lau cửa kính cao ốc (Người nhện)
    Những nghề nguy hiểm, đối mặt với cái chết bất thình lình
    Nguy hiểm luôn rình rập với những người thợ lau kính trên tòa nhà cao tầng. 

    Dạo quanh những ngôi nhà cao chót vót trong thành phố, chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp những dáng người đang đu dây, cần mẫn bám vào những khung kính lấp loáng không khác gì những “người nhện”. 

    Công việc nguy hiểm nhưng trang thiết bị để hành nghề rất thô sơ, đơn giản, chỉ gồm dây thừng cỡ lớn, ghế đu, khóa an toàn, đai bảo vệ mặc toàn thân, thùng đựng hóa chất tẩy rửa, chổi lau, cọ. Một số công ty chuyên nghiệp trang bị thêm cho công nhân mũ bảo hiểm, phụ kiện bảo hộ lao động.

    Anh Trần Minh Đức quê ở Nam Định, cũng là một người dày dặn kinh nghiệm, làm việc trong nghề đã lâu năm cho biết: “Người ở dưới đất nhìn lên đã thấy rùng mình huống gì những người đang cheo leo giữa bầu trời hun hút. Trên cao gió cũng là thứ đáng sợ nhất, vì khi đang lơ lửng trên cao, gió lớn có thể va đập mạnh làm cho mình mất thăng bằng tai nạn có thể xảy ra”.

    Anh Đức chia sẻ thêm, trước khi bước vào giờ làm việc, nhìn nét mặt của mọi người đều căng thẳng, những người có kinh nghiệm cần cẩn thận ngắm nghía các vị trí để cột dây bảo hộ vì nó liên quan trực tiếp đến tính mạng của người thợ và sự an toàn của công trình”.

    Nghề lặn biển

    Đã nhiều người không thoát khỏi "cửa tử" khi sống bằng nghề này.

    Nghề lặn biển được coi là nghề nguy hiểm khiến hàng ngàn ngư dân bị thương hoặc tử nạn. Ngoài các làng chài ở Quảng Ngãi, nhiều làng chài khác có ngư dân kiếm sống bằng nghề lặn biển cũng ghi nhận nhiều tai nạn như Ninh Vân (TX. Ninh Hòa, Khánh Hòa) có hàng trăm người bị tai nạn, bệnh tật, ngớ ngẩn, liệt người, cụt chân tay… Hàng chục người đã chết.

    Làng Phú Hải 1, xã Lộc Vĩnh (Phú Lộc, Thừa Thiên-Huế) cũng có hàng trăm người từng bị tai nạn, trong đó có nhóm tới 20 thuyền có thợ lặn gặp luồng nước độc, bị nạn phải cấp cứu.

    Điển hình là trường hợp của anh Huỳnh Minh Sơn (thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi), vì quá ham kiếm đồ cổ từ biển nên anh bất chấp nguy hiểm lặn sâu tới 80-100m và bị tai nạn liệt nửa người.

    “Tôi cầm trên tay bao đồ cổ và cảm thấy trong người thấm mệt, tôi chỉ nghĩ đơn giản là do lặn sâu và lâu nên mệt, nhưng sau đó, tôi ngất đi ngay giữa lòng biển, may là các anh em kịp đưa lên thuyền, nhưng…”, anh Sơn nghẹn ngào.

    Nghề công nhân xây dựng

    Công nhân xây dựng cũng đối mặt với nhiều hiểm họa (Ảnh minh họa).

    Rất nhiều tai nạn xảy ra ở công trường xây dựng, tai nạn gây thương vong nhiều nhất ở công trường xây dựng là rơi từ trên cao. Ngoài ra, cháy nổ, giật điện, tiếng ồn, độ cao, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp, ánh sáng quá sáng hoặc quá tối, khói bụi... cũng là những nguồn nguy hiểm cho các công nhân xây dựng. Thực tế hiện nay, nhiều đội xây dựng tự phát hoặc tư nhân không được trang bị những thiết bị đảm bảo an toàn thiết yếu nên sự cố rủi ro gia tăng.

    Bên cạnh đó, việc phải lao động bất kể điều kiện thời tiết ra sao, thu nhập của họ cũng không chắc chắn bởi không phải lúc nào cũng có nhiều công trình mọc lên.  

    Nghề xiếc dạo

    Những năm gần đây, xiếc dạo đã trở thành nghề mưu sinh của rất nhiều người trong đó có cả người lớn và trẻ em. Để trổ tài những “ngón nghề” mua vui cho thiên hạ như nuốt lửa, nhai lưỡi dao lam, nuốt kiếm hay cho rắn chui vào lỗ mũi rất nguy hiểm. Thậm chí có thể đổi lấy thương tật cho bản thân, tuy nhiên vì mưu sinh mà họ bất chấp nguy hiểm, tử thần rình rập.

    Cũng với những màn xiếc dạo này, còn nhiều “nghệ sĩ” nghiệp dư khác với màn biểu diễn nuốt gọn thanh kiếm dài khoảng 50cm, thậm chí nuốt cả 6 thanh kiếm vào bụng.

    Màn nuốt kiếm của người "nghệ sĩ" nghiệp dư.

    Rõ ràng nghề mưu sinh bằng xiếc dạo của những nghệ sĩ nghiệp dư luôn tiềm ẩn tai nạn xảy ra bất cứ lúc nào. Thế nhưng, theo quan sát của PV, hầu hết họ đều không trang bị cho mình những dụng cụ bảo hộ đi kèm. Thực tế đã có những tai nạn nghề nghiệp xảy ra khiến nhiều người bất an với kiểu mưu sinh của các nghệ sĩ xiếc dạo không chuyên này.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/diem-danh-nhung-nghe-nguy-hiem-bac-nhat-viet-nam-a67209.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.
    Tin liên quan
    Rùng mình với mối nguy hiểm từ thử thách 'dội nước đá lên đầu'

    Rùng mình với mối nguy hiểm từ thử thách 'dội nước đá lên đầu'

    Trên thế giới, rất nhiều người nổi tiếng ở mọi lĩnh vực, từ chính trị gia, diễn viên, nghệ sĩ đến vận động viên thể thao đã tham gia thách đố này. Tại Việt Nam, những người hưởng ứng chủ yếu là giới trẻ. Với mục đích tốt đẹp là làm từ thiện, nhưng đằng sau đó là một thách thức lớn khi các bác sĩ cảnh báo, trò này có thể gây nguy hiểm cho người tham gia. (theo VTC)

    Hoạn trâu: Nghề nguy hiểm

    Hoạn trâu: Nghề nguy hiểm

    Phải khẳng định rằng, đây là nghề hiếm có. Bởi sự nguy hiểm chết người và sự nhọc nhằn của công việc nên nghề hoạn trâu cho đến nay gần như đã thất truyền.