+Aa-
    Zalo

    Những người liên quan trong vụ án Đinh La Thăng khai gì tại tòa?

    • DSPL

    (ĐS&PL) - Tiếp tục xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm do có hành vi gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN, HĐXX và VKS đã tiến hành hỏi những người liên quan trong vụ án, trong đ

    Tiếp tục xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm do có hành vi gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN, HĐXX và VKS đã tiến hành hỏi những người liên quan trong vụ án, trong đó có những người đang là bị cáo của vụ án khác.

    Ngày 20/3, TAND TP.Hà Nội bước sang ngày thứ hai xét xử vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại 800 tỷ đồng cho PVN.

    Hồ sơ điều tra - Những người liên quan trong vụ án Đinh La Thăng khai gì tại tòa?

    Các bị cáo tại tòa

    Tiếp tục phần xét hỏi, HĐXX và VKS đã tiến hành hỏi những người liên quan trong vụ án, trong đó có những người đang là bị cáo của vụ án khác.

    Cáo trạng nêu rõ, Nguyễn Ngọc Sự được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc PVN từ năm 2008 đến tháng 9/2010, được Tổng Giám đốc phân công phụ trách theo dõi, chỉ đạo công tác tài chính, kế toán và kiểm toán của Tập đoàn.

    Hồ sơ điều tra - Những người liên quan trong vụ án Đinh La Thăng khai gì tại tòa? (Hình 2).

    Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN

    Nguyễn Ngọc Sự có hành vi thực hiện ý kiến chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng, sau đó đã phân công, chỉ đạo Ban Tài chính kế toán do Ninh Văn Quỳnh, Kế toán trưởng kiêm Trưởng ban tài chính thẩm định, đánh giá hoạt động của Oceanbank.

    Ngày 18/9/2008, Nguyễn Ngọc Sự ký văn bản số 140B/CVNB-NNS về việc đàm phán với Oceanbank để báo cáo, trình HĐQT Tập đoàn xem xét phê duyệt và ký thỏa thuận với Oceanbank về việc đầu tư.

    Ngày 29/9/2008, Nguyễn Ngọc Sự ký tiếp báo cáo số 146/CVNB-NNS gửi HĐQT PVN. Mặc dù báo cáo đánh giá về năng lực của Oceanbank yếu nhưng bị cáo Sự vẫn nhận định và đề xuất sự cần thiết tham gia đầu tư của PVN vào Oceanbank để trình HĐQT.

    Ngày 23/10/2008, Nguyễn Ngọc Sự được cử làm người đại diện vốn góp của PVN (12%), Nguyễn Xuân Sơn (8%). Ngày 29/12/2008, thì Nguyễn Ngọc Sự được cử làm người đại diện vốn góp của PVN (20%). Tháng 12/2010, Nguyễn Ngọc Sự thôi tham gia đại diện vốn góp của PVN và giữ chức vụ Chủ tịch HĐTV Vinasin. Như vậy, việc đánh giá hiệu quả kinh doanh của Oceanbank trước khi tham gia đầu tư góp vốn để tham mưu đề xuất HĐQT/HĐTV quyết định đối với lần góp vốn thứ nhất và thứ hai thuộc trách nhiệm của Nguyễn Ngọc Sự.

    Hồ sơ điều tra - Những người liên quan trong vụ án Đinh La Thăng khai gì tại tòa? (Hình 3).

    Phùng Đình Thực, nguyên TGĐ PVN 

    Bị triệu tập đến phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng hôm nay (20/3) với tư cách là đối tượng liên quan trong vụ án, Nguyễn Ngọc Sự trả lời câu hỏi của VKS: “Căn cứ nào để ông ký văn bản trình HĐQT PVN về việc ký kết thỏa thuận cũng như ban hành Nghị quyết về việc góp vốn vào Oceanbank?”.

    Người này trả lời: PVN dự kiến thành lập ngân hàng Hồng Việt, đồng thời thành lập Ban trù bị ngân hàng. Tuy nhiên Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thông báo các Doanh nghiệp không được thành lập ngân hàng, chỉ được phép mua cổ phần của ngân hàng với tỷ lệ tối đa 20%. Do đó, ban trù bị được giao nhiệm vụ tìm kiếm ngân hàng.

    Việc đàm phán với một số ngân hàng không thành công. Khi đó, được giới thiệu Oceabank đang có nhu cầu kêu gọi vốn, Ban trù bị thành lập ngân hàng Hồng Việt đã tiếp cận tài liệu của Oceanbank và đánh giá. Bị cáo Sự lúc đó là Phó TGĐ phụ trách tài chính ký tờ trình kèm bản đánh giá sơ bộ đối với Oceanbank. Nhóm đánh giá ngân hàng đang phát triển theo đúng chiến lược đề ra; Oceanbank là ngân hàng có quy mô nhỏ, vốn điều lệ chỉ 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên trong báo cáo, đây là ngân hàng được xếp hạng là trung bình khá trong số các ngân hàng TMCP.

    Nguyễn Ngọc Sự nói tiếp: Sau đó HĐQT PVN xem xét và yêu cầu đánh giá thêm, đưa ra lộ trình nếu tham gia vào Oceanbank thì cần làm những việc gì. Ban trù bị đánh giá tiếp, tới 30/6/2008 đưa ra đánh giá Oceanbank có lãi trong năm 2007 và 6 tháng đầu năm 2008.

    Tuy nhiên, VKS nhắc lại: “Trong báo cáo 146 đánh giá tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2008 của Oceanbank, trong đó có đánh giá nếu ngân hàng rà soát lại khoản cho vay, đánh giá đúng thực chất hoạt động thì sẽ phát sinh lỗ”.

    Nguyễn Ngọc Sự nói: “Tôi chỉ ký văn bản báo cáo lên, còn trong chiến lược phát triển ngân hàng, sau khi PVN tham gia góp vốn thì ngân hàng đã có lãi. Sau khi ký văn bản thỏa thuận 146, tôi có nhận được văn bản của HĐQT đánh giá. Đến 30/6/2008 họp HĐQT và tôi ký văn bản yêu cầu Oceanbank cung cấp số liệu đánh giá tình hình hoạt động, Oceanbank không trả lời nên chúng tôi không có số liệu.

    Thực sự Oceanbank cũng chưa có kết quả hoạt động 9 tháng đầu năm dù khi đó đã là tháng 10/2008. Nghị quyết của HĐQT PVN ban hành ngày 11/10/2008. Việc Oceanbank không thực hiện yêu cầu của tôi, lúc đó đã quá thời hạn vì HĐQT PVN đã ra Nghị quyết đầu tư, mà Nghị quyết của HĐQT mang tính chất bắt buộc, lúc đó tôi rất nhiều việc nên nghĩ rằng vì đã có Nghị quyết rồi nên không cần thiết phải báo cáo về việc này…”.

    Cùng về vấn đề này, khi được VKS hỏi, Phùng Đình Thực trả lời: “Đúng thời điểm ký Nghị quyết, bị cáo ốm nên không tham gia”.

    Tuy nhiên, theo cáo trạng của VKSND Tối cao, trong giai đoạn PVN góp vốn vào Oceanbank, các thành viên HĐTV gồm Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh, Đỗ Văn Đạo, Phan Thị Hòa, Phùng Đình Thực đã biểu quyết đồng ý trên các tờ trình để làm cơ sở cho bị cáo Đinh La Thăng và Vũ Khánh Trường, thành viên HĐQT ký Nghị quyết số 7289/NQ-DKVN và Nghị quyết 4658/NQ-DKVN về việc tham gia góp 700 tỷ đồng để nắm giữ 20% vốn điều lệ của Oceanbank khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ là vi phạm.

    Do vậy, đối với hành vi của các đối tượng Nguyễn Ngọc Sự, Hoàng Xuân Hùng, Trần Ngọc Cảnh, Đỗ Văn Đạo, Phan Thị Hòa, Phùng Đình Thực, theo yêu cầu của VKSND Tối cao, cơ quan CSĐT đã có Quyết định tách hành vi liên quan trong vụ án hình sự của các đối tượng nêu trên để tiếp tục điều tra làm rõ.

    Trước đó, Phùng Đình Thực cùng hầu tòa với bị cáo Đinhg La Thăng trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Trong vụ án này, Phùng Đình Thực, nguyên TGĐ PVN bị tuyên phạt 9 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

    Link bài gốcLấy link
    https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/dspl/nhung-nguoi-lien-quan-trong-vu-an-dinh-la-thang-khai-gi-tai-toa-a223133.html
    Zalo

    Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên.

    Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.

    Đã tặng:
    Tặng quà tác giả
    BÌNH LUẬN
    Bình luận sẽ được xét duyệt trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu.