Rau bẩn là những loại chứa nhiều hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật và dễ nhiễm giun sán do môi trường ô nhiễm.
Theo tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, mùa hè là thời điểm vi sinh vật phát triển mạnh, khiến rau củ nhanh hỏng. Vì thế, người nông dân thường sử dụng hóa chất bảo quản nhiều hơn các mùa khác trong năm.
Rau muống là một trong những loại rau bẩn nhất mùa hè. Ảnh minh họa. |
PGS.TS Trần Đáng (nguyên Cục trưởng Vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ Y tế) cũng cho rằng người Việt đang chịu ảnh hưởng lớn từ việc mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Với các loại rau đang phân phối trên thị trường, ông cho biết đa số đều chứa hóa chất, thuốc trừ sâu.
Thậm chí, rau chính vụ vẫn được phun thuốc để diệt trừ sâu bọ, kích thích tăng trưởng. Cụ thể, người tiêu dùng cần thận trọng khi mua các loại rau ăn lá như rau muống, cải, ngót, ngọn su su.
Đặc biệt, rau muống được trồng tại ao, hồ, sông, nguồn nước bị ô nhiễm, có thể chứa rất nhiều loại giun sán, ký sinh trùng. Loại rau này dễ trồng, hợp mọi thời vụ và được nhiều người ưa chuộng nên nhiều nông dân vì lợi nhuận đã sử dụng các loại thuốc kích thích, trừ sâu, thu hoạch không đúng hạn đem bán ra thị trường. Điều đó gây nguy hiểm đối với sức khỏe người sử dụng.
Bên cạnh đó, rau cải chứa nhiều sâu và rệp, càng để lâu, càng phun nhiều thuốc. Rau mồng tơi để được lá tốt, xanh mởn như trên thị trường cũng cần thuốc kích thích tăng trưởng.
Theo vị chuyên gia này, các loại rau, củ phải gọt vỏ khi ăn thường an toàn hơn như bí, bầu, mướp, khoai tây. Việc ngâm rửa và gọt vỏ có thể loại trừ 70-80\% dư lượng thuốc trừ sâu.
Ông cũng cho biết mùa khô dư lượng hóa chất còn sót lại trên rau thường cao hơn mùa mưa vì không đủ nước để trôi bớt thuốc.
Do đó, PGS Trần Đáng khuyến cáo tất cả rau quả tươi đều cần được rửa dưới vòi nước chảy để gột sạch bụi bẩn và các vi khuẩn có hại. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế ăn rau sống, đặc biệt là rau muống.
Theo PGS Trần Đáng, nếu rau củ được trồng theo chuẩn GAP, người dân có thể yên tâm về nguồn thực phẩm sạch. Để bảo vệ bản thân và gia đình, bạn cần lưu ý những điều sau: - Chọn mua rau ở nơi an toàn của người quen hoặc nơi biết rõ nguồn gốc, xuất xứ. - Sử dụng thực phẩm an toàn bằng cách rửa, sơ chế, chế biến theo 10 nguyên tắc vàng vệ sinh an toàn thực phẩm của WHO. - Tố giác những điểm trồng mất vệ sinh, sử dụng nhiều hóa chất tới các cơ quan có thẩm quyền để hạn chế thấp nhất lượng rau bẩn ra thị trường. - Tuyên truyền cho những người xung quanh về tác hại của thuốc trừ sâu, hóa chất trên thực phẩm, cách chọn rau sạch, địa chỉ uy tín. |
Theo Tri thức trực tuyến