Lễ hội ngắm trăng Tsukimi là một trong những lễ hội lâu đời nhất tại Nhật Bản có tuổi đời hơn 1.000 năm.
Giống như ở Việt Nam, Nhật Bản cũng sử dụng lịch âm, theo đó trăng tròn sẽ xuất hiện vào đêm thứ 15 mỗi tháng. Đêm trăng đẹp nhất hàng năm là đêm 15 tháng 8 âm lịch, được gọi là jugoya no tsukimi, đây là cũng là ngày mà Tsukimi diễn ra.
Tết trung thu tại Nhật Bản được biết đến với tên gọi Otsukimi (hay còn được gọi là Tsukimi), trong đó, “tsukimi” trong tiếng Nhật có nghĩa là ngắm trăng, chữ “O” được thêm vào đầu để tạo sự trang trọng cho lễ hội.
Theo tương truyền, lễ hội trung thu tại Nhật Bản có nguồn gốc từ tết trung thu Trung Quốc. Ban đầu, lễ hội Otsumiki chỉ dành cho hoàng gia và các tầng lớp quý tộc. Sau đó, Otsumiki dần dần trở nên quen thuộc với người dân Nhật Bản và đến thời Edo (1603 – 1868), nó đã trở thành lễ hội dân gian của đất nước mặt trời mọc.
Người Nhật quan niệm, ngày rằm Trung Thu rơi vào thời điểm vừa lúc lúa đang lớn, chẳng mấy chốc đến mùa thu hoạch. Người ta cho rằng cần phải làm lễ tạ ơn các vị thần đã ban phước để họ có được một mùa vụ bội thu.
Tháng thứ 8 của năm cũng chính là khoảng thời gian mà trăng sáng nhất. Khi đó, trái đất, mặt trời và mặt trăng sẽ hòa hợp với nhau tạo ra ánh sáng, khiến mặt trăng trở nên tròn đầy và đẹp đẽ nhất. Họ sẽ tổ chức tsukimi ở những nơi có thể thấy trăng rõ nhất và ăn những món cổ truyền có biểu tượng của mặt trăng.
Mặc dù lễ hội thu hoạch giữa mùa thu được cho là bắt nguồn từ thời Nara (710 đến 794 sau Công nguyên), nhưng phải đến thời kỳ Heian (794 đến 1185 sau Công nguyên), lễ hội này mới trở nên phổ biến khi các quý tộc đi du ngoạn trên mặt nước bằng thuyền để chiêm ngưỡng hình ảnh phản chiếu tuyệt đẹp của ánh trăng trên mặt nước.
Tết Trung Thu là ngày lễ của thiếu nhi. Vào ngày rằm tháng Tám, trẻ em sẽ ra phố rước đèn, cùng nhau chơi đùa dưới ánh trăng và phá cỗ. Nhiều nơi sẽ tổ chức múa lân để vui chơi vào ngày này. Đây cũng là một dịp để quây quần bên gia đình. Mọi người sẽ bày tỏ lòng biết ơn đối với những người thân yêu bằng cách tặng bánh Trung Thu, trà và rượu,...
Tương tự như Tết Trung Thu ở Trung Quốc và Việt Nam, bạn sẽ thấy rất nhiều hình ảnh những chú thỏ được khắc họa tại các vật dụng gắn liền với lễ hội Tsukimi. Người Nhật nói rằng nếu bạn nhìn kỹ mặt trăng, bạn sẽ thấy hình ảnh một con thỏ đang giã bánh mochi (bánh gạo - một loại bánh nổi tiếng ở Nhật Bản) bằng vồ và cối bằng gỗ.
Cho đến thời Minh Trị (1868 sau Công nguyên), Tsukimi được tổ chức rất linh đình, thường là lễ kỷ niệm với những bữa tiệc kéo dài đến tối muộn. Tuy nhiên sau đó đã được điều chỉnh cho phù hợp với phong tục hiện đại. Nhiều ngôi đền trên khắp Nhật Bản kỷ niệm sự kiện Tsukimi với các buổi biểu diễn như: Múa truyền thống và ngâm thơ từ thời Heian.
Trong hầu hết các ngôi nhà ở Nhật Bản, Tsukimi được tổ chức một cách khiêm tốn hơn nhiều. Người dân trang trí các đồ vật như cỏ pampas (susuki), cỏ ba lá (hagi) và hoa mùa thu gần cửa sổ để từ đó có thể ngắm nhìn mặt trăng.
Món ăn truyền thống nhất gắn liền với Tsukimi được gọi là tsukimi dango, một loại bánh được làm từ gạo. Tsukimi dango có hình tròn đơn giản với màu trắng tinh khiết.
Những chiếc bánh Tsukimi dango tròn, trắng nhỏ xinh được ví như những ông trăng thu nhỏ. Bánh Tsukimi dango được dâng cúng thần linh với mục đích cầu mùa màng bội thu. Không những thế bánh Tsukimi-dango còn có ý nghĩa mang lại sự khỏe mạnh, hạnh phúc. Vào đêm rằm tháng 8, người ta thường xếp 15 viên bánh Tsukimi-dango trong đĩa để dâng cúng. Vào đêm 13 tháng 9, số bánh được bày xếp thường là 13.
Ngoài ra còn có các món ăn đặc trưng của mùa thu như bánh mochi, hạt dẻ (kuri), khoai môn (sato imo) và bí ngô (kabocha).
Điều làm nên điều độc đáo, khác biệt lớn nhất của lễ hội Otsukimi so với tết trung thu ở các quốc gia khác chính là thời điểm tổ chức. Ở Nhật Bản, tết trung thu được tổ chức 2 lần trong năm. Trong đó, lần thứ nhất được tổ chức vào đêm rằm tháng 8 hàng năm tương tự như tại Việt Nam và một số quốc gia trong khu vực. Lần thứ 2, tết trung thu diễn ra vào đêm 13 tháng 9 âm lịch, thường được gọi là đêm “trăng sau”. Ngoài ra, người dân Nhật Bản cũng phân biệt hai thời điểm tổ chức bằng tên gọi quen thuộc như đêm 15 và đêm 13.
Giống như Tết Trung thu ở Việt Nam, Tsukimi cũng là dịp đoàn viên của mỗi gia đình Nhật Bản. Những người con đi xa thường trở về nhà trong dịp này để quây quần bên gia đình, cùng nhau phá cỗ, ngắm trăng và mặc kimono đi lễ hội.
Như Quỳnh(T/h)